Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục tiểu học

Giáo dục tiểu học

Các trường và giáo viên tiểu học chưa sẵn sàng cho chương trình giáo dục phổ thông mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào cuối năm ngoái sẽ được áp dụng vào năm học 2020-2021. Nhưng các công tác chuẩn bị cho quá trình chuyển giao vẫn đang bị chậm so với tiến độ. Nhiều giáo viên vẫn chưa được chuẩn bị kỹ cho chương trình giáo dục phổ thông mới, điều này báo trước một quá trình chuyển giao không suôn sẻ.



Giáo viên tiểu học vẫn chưa được tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông mới - Ảnh: VNA/VNS

Chương trình giáo dục mới, sẽ tập trung vào phát triển năng lực của học sinh thông qua các hoạt động, được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là giáo dục phổ thông, kéo dài từ lớp 1 đến lớp 9, giai đoạn hai là đào tạo nghề từ lớp 10 đến lớp 12.

Trong năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ bắt đầu chương trình giáo dục phổ thông mới, báo Tin Tức đưa tin.

Ông Nguyễn Thúc Sinh, Phó trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, cho biết tỉnh cần nhiều giáo viên hơn nhằm thực hiện đề án chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là giáo viên bộ môn tiếng Anh, khoa học và công nghệ máy tính.

Học sinh ở cấp tiểu học sẽ được học các môn tiếng Việt, toán, ngoại ngữ, đạo đức, tự nhiên và xã hội, lịch sử và địa lý, khoa học, khoa học máy tính và công nghệ, giáo dục thể chất và nghệ thuật.

Khoa học máy tính và công nghệ là một môn học mới trong chương trình.

Một trong những mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới là giảm áp lực cho học sinh, tập trung phát triển các kỹ năng và giá trị. Nhưng nếu không được đào tạo bài bản, sẽ rất khó để các giáo viên thay đổi phương pháp giảng dạy, ông Sinh cho biết.

Trước năm học mới, các giáo viên sẽ phải tham gia một khóa bồi dưỡng về chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng ông Sinh cho hay các giáo viên hiện tại vẫn chưa được cung cấp các tài liệu giảng dạy cũng như các tài liệu tham khảo cần thiết khác để chuyển qua phương pháp giảng dạy theo chương trình mới.

"Cho đến nay, tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về các tài liệu hay khóa tập huấn để giáo viên chuẩn bị cho chương trình giảng dạy mới áp dụng trong năm học tới", cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh, giáo viên Trường tiểu học Võ Thị Sáu, Hà Nội trả lời phỏng vấn với tờ Việt Nam News.

Ông Nguyễn Quang Vinh thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cũng có cùng quan điểm với ông Sinh. Ông Vinh cho hay, theo kế hoạch, các tài liệu về chương trình mới lẽ ra phải được gửi trước ngày 15 tháng 3 nhưng đến tận bây giờ, các tài liệu này vẫn chưa được biên soạn xong.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho các trường đại học sư phạm chủ trì việc biên soạn các tài liệu đào tạo. Ông Vinh nói: "Tôi đồng ý với cách làm của Bộ. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, các giảng viên biên soạn cũng cần phải có kinh nghiệm giảng dạy thực tế tại các trường tiểu học để việc biên soạn sát với thực tế tình hình giảng dạy hơn."

Giáo sư Đỗ Đức Thái, chủ nhiệm ban biên soạn chương trình toán học, cho hay hầu hết các giáo viên vẫn chưa hiểu tường tận nội dung được yêu cầu giảng dạy.

Giáo viên hiện nay đa phần vẫn phụ thuộc rất nhiều vào sách giáo khoa trong quá trình giảng dạy, nhưng chương trình mới đòi hỏi các giáo viên phải phát triển nền tảng kiến thức hiện có để công tác giảng dạy đạt hiệu quả cao hơn, ông Thái phát biểu.

Theo ông Sinh, Bộ cũng cần xây dựng kho tài liệu trực tuyến nhằm giúp giáo viên hiểu được định hướng chung của chương trình mới.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, tổng biên tập biên soạn chương trình, cho biết Bộ đã giao cho một số trường đại học sư phạm hàng đầu, bao gồm Đại học Sư phạm Hà Nội chủ trì việc thiết kế chương trình đào tạo giáo viên và biên soạn tài liệu cho các khóa bồi dưỡng.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết cần tăng cường công tác đào tạo giáo viên và các trường cần nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng để đáp ứng các đòi hỏi của chương trình mới.

Chương trình giảng dạy mới yêu cầu học sinh phải học 2 buổi mỗi ngày hoặc ít nhất 6 buổi mỗi tuần. Một lớp học tiêu chuẩn ở cấp tiểu học sẽ có em 35 học sinh.

Hơn 80% học sinh tiểu học trên cả nước sẽ học 2 buổi mỗi ngày, Bộ ước tính.

Một rào cản khác trong quá trình chuyển đổi chương trình đào tạo là cơ sở hạ tầng tại các trường học đa phần còn kém. Nhiều trường học tại Hà Nội không đáp ứng được các yêu cầu về mặt cơ sở hạ tầng của chương trình mới, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin.

Trường tiểu học Hồng Sơn tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội mới chỉ có 18 phòng học, trong khi số lượng cần để phục vụ cho tất cả học sinh của trường, theo kế hoạch phải là 20.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, hiệu trưởng trường tiểu học Hồng Sơn cho biết: "Theo tiêu chuẩn của chương trình mới, các trường phải có đủ số phòng học cho các em học sinh". Bên cạnh đó, thực trạng số lượng phòng học hiện tại của trường không đáp ứng đủ số lượng yêu cầu, trường cũng thiếu các lớp học được thiết kế chuyên môn để giảng dạy các môn như ngoại ngữ, khoa học máy tính và công nghệ, giáo dục thể chất và nghệ thuật”.

Ông Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn, quận Nam Từ Liêm, cho biết trường của ông cũng không có đủ số phòng học và thiếu phòng được thiết kế cho các môn học chuyên biệt.

Ông Bình cho biết: “Trường không còn nhiều thời gian để chuẩn bị cho chương trình mới. Bộ giáo dục cần phối hợp với các bộ, ban ngành khác nhằm giúp các trường có cơ sở vật chất đầy đủ hơn, phục vụ cho công tác đổi mới giáo dục sắp tới.”

Ngô Tuấn
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán