Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục tiểu học

Giáo dục tiểu học

Các vấn đề về giấc ngủ của trẻ

Các bậc cha mẹ thường yên tâm khi thấy con mình đã ngủ yên vào buổi tối, nhưng ít nhất một phần tư trẻ em ở lứa tuổi đi học gặp khó khăn về đêm, Bác sĩ Gregory Stores - Giáo sư danh dự nghiên cứu sự phát triển Tâm thần học tại Đại học Oxford, Anh cho biết. Khi trẻ không ngủ đủ 9 tiếng hoặc nhiều hơn (tùy thuộc vào độ tuổi), chúng không chỉ mệt mỏi mà còn có thể cáu kỉnh và hung hăng.

Ngoài ra, nếu gặp vấn đề về giấc ngủ lâu dài, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc ghi nhớ sự kiện, tập trung và giải quyết các vấn đề. Trong thực tế, các hành vi rối loại tăng động giảm trí nhớ (ADHD) mà một số trẻ em mắc phải có thể xuất phát từ việc thiếu ngủ kinh niên, Tiến sĩ Stores cho biết thêm.



Ngưng thở và ngáy

Trẻ em có thể ngưng thở một thời gian ngắn vài lần mỗi đêm, điều này làm ngăn chặn những giấc ngủ sâu cần thiết. "Chúng thường có vấn đề về học tập, hành vi và có nguy cơ bị mắc chứng huyết áp cao," Bác sĩ Judith Owens - tác giả của quyển Take Charge of Your Child's Sleep cho hay. Một nghiên cứu gần đây đối với học sinh tiểu học khỏe mạnh đã chỉ ra một phần tư trẻ khi ngủ đã ngưng thở nhẹ (thường gây ra bởi nhiễm trùng xoang mãn tính) và có 1% trường hợp nghiêm trọng. Nguyên nhân lớn nhất là do amidan hoặc vòm họng quá kích cỡ. Ngoài ra, béo phì đôi khi cũng là một nguyên nhân gây ra các rối loạn trên.

Khi trẻ ngưng thở trong lúc ngủ, chúng sẽ thở mạnh và ngáy. Lồng ngực cũng hoạt động mạnh hơn, đầu nghiêng qua lại để hít thở không khí nhiều hơn.

Cách giải quyết: Hãy đưa bé đến phòng thí nghiệm về giấc ngủ để được chữa trị bằng cách cắt bỏ Amidan hoặc đưa ra chế độ giảm cân hợp lý. Thuốc điều trị viêm xoang hoặc nâng gối lên cao khi ngủ cũng là một phương pháp hiệu quả.

Sự trằn trọc



Ảnh: psych2go.net

Trẻ không phải ám ảnh về vấn đề mất việc làm hay giảm phúc lợi nhưng ở lứa tuổi đến trường, trẻ cũng có những lo lắng riêng như không được mọi người biết đến, thi trượt, làm ba mẹ thất vọng, vv. Theo Tiến sĩ tâm lý chuyên khoa nhi Fran Walfish, những lo lắng trong cuộc sống hàng ngày đó sẽ làm trẻ không thể chìm vào giấc ngủ. Việc không quen phải ngủ một mình cũng khiến trẻ trằn trọc.

Con bạn dù kiệt sức nhưng sẽ không nhắm mắt lại, hoặc đột nhiên bị đau bụng khi đi ngủ. Chúng có thể yêu cầu một ly nước hoặc một cái ôm sau khi tắt đèn. Một đứa trẻ không quen ngủ một mình sẽ phàn nàn hay khóc khi bạn ra khỏi phòng.

Cách giải quyết: Cố gắng không phán xét hay trách móc trẻ. Thay vào đó, hãy khuyến khích chúng viết nhật kí. "Viết là một cách để giải tỏa nên trẻ sẽ không mang những lo lắng vào giấc ngủ." Tiến sĩ Zafarlotfi - Giám đốc Viện nghiên cứu rối loạn giấc ngủ tại Trung tâm Y khoa Đại học Hackensack, New Jersey cho biết. Động viên trẻ đối phó với nỗi sợ hãi kéo dài vào buổi sáng hôm sau. Nếu chúng vẫn tồn tại hoặc có vẻ nghiêm trọng hơn, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa của bạn.

Ít vận động hoặc sử dụng máy tính quá nhiều

Những đứa trẻ năng động thường ngủ ngon hơn. Các nhà nghiên cứu New Zealand khi theo dõi các bé 7 tuổi để đo hoạt động vào ban ngày và giấc ngủ vào ban đêm đã chỉ ra rằng: Với mỗi giờ không hoạt động, trẻ em mất thêm ba phút nữa để đi vào giấc ngủ. "Tập thể dục sản sinh các chất thúc đẩy giấc ngủ và thư giãn," Shahriar Shahzeidi - Giáo sư nhi khoa tại Đại học Miami giải thích. Chơi trên máy tính trước khi ngủ cũng có thể gây ra rắc rối, một phần bởi vì ánh sáng của màn hình có thể làm xáo trộn chu kỳ giấc ngủ.

Cách giải quyết: Nếu nhìn thấy con bạn dành nửa ngày ngồi tại trường, nửa ngày còn lại chỉ ngồi trước màn hình máy tính thì hãy thêm nhiều hoạt động vào thời gian biểu của trẻ. Đưa chúng ra ngoài, chơi một môn thể thao nào đó. Tuy nhiên, lý tưởng nhất là nên tập thể dục vài giờ trước khi đi ngủ để trẻ có thời gian thư giãn. Các chuyên gia về giấc ngủ cũng khuyên rằng nên tắt các thiết bị điện tử  30 - 45 phút trước khi đi ngủ.

Thức giấc vào giữa đêm

Bất kỳ vấn đề nào về thể chất cũng có thể đánh thức con bạn như rối loạn dạ dày, chuột rút, vv. Nhưng những thủ phạm phổ biến nhất là dị ứng, hen suyễn, và trào ngược (đặc biệt là ở người thừa cân). Trẻ em bị hen và dị ứng có vẻ khỏe mạnh trong ngày nhưng có thể trải qua những rắc rối về đêm do viêm đường hô hấp gia tăng và đường thở bị thu hẹp, Bác sĩ Julian Allen - Trưởng khoa phổi tại Bệnh viện Nhi Philadelphia giải thích. Trong khi đó, việc nằm xuống cũng dễ gây chứng trào ngược.

Mặc dù đi ngủ vào một giờ hợp lý, bé của bạn vẫn bị kiệt sức và cáu kỉnh ở trường, hoặc thường xuyên ngủ gật trước bữa tối (trẻ em độ tuổi đi học nếu ngủ đủ thì không cần ngủ trưa, Tiến sĩ Becker cho biết). Bạn có thể nghe trẻ ho, thở khò khè vào đêm, hoặc mắt trẻ bị sưng húp và chảy nước mũi vào buổi sáng hôm sau.

Cách giải quyết: Xoa dịu các cơn đau về thể chất trước khi đi ngủ. Theo Tiến sĩ Allen, nếu suyễn không được kiểm soát hoàn toàn, hãy hỏi bác sĩ về các loại thuốc chống viêm như corticosteroid hoặc thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài. Ngoài ra, hãy nói chuyện với bác sĩ về các dị ứng hay khó tiêu mãn tính.

Mộng du

Khoảng 20 - 40% trẻ em ở tuổi đi học bị mộng du, Karen Ballaban-Gil - Bác sĩ chuyên khoa thần kinh tại Bệnh viện Nhi đồng Montefiore, thành phố New York cho biết. Nguyên nhân là do quá trình chuyển đổi giai đoạn giấc ngủ chưa hoàn thiện gây ra hiện tượng não vẫn còn ngủ trong khi cơ thể có thể di chuyển xung quanh.



Ảnh: toddlersrocks.com

Thông thường mộng du sẽ xuất hiện sau vài giờ bé đi ngủ.

Cách giải quyết: Trẻ có thể bỏ được tật xấu này khi lớn lên. Trong lúc trẻ bị mộng du, cố gắng giữ an toàn cho trẻ bằng cách dọn dẹp đồ chơi trên sàn nhà, đặt thanh chắn trên cửa sổ phòng ngủ (trẻ em có thể mở khóa trong khi ngủ) và cài đặt ổ khóa trên mặt trước và sau của cửa. Nếu bạn bắt gặp bé mộng du, nhẹ nhàng hướng dẫn chúng trở lại giường. Bạn có thể thử đánh thức chúng nhưng việc này thường khó khăn. Nếu mộng du xảy ra thường xuyên, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa.

Ngọ nguậy tay, chân

Khi cố gắng đi vào giấc ngủ, trẻ thường có cảm giác khó chịu ở chân và cần phải di chuyển. Tình trạng đó được gọi là hội chứng chân không nghỉ (RLS). Trong một căn bệnh liên quan, rối loạn vận động chân tay định kỳ (PLMD), hai chân trẻ sẽ co giật hoặc đá trong khi ngủ. Cả hai chứng rối loạn này đều có thể do di truyền hoặc thiếu chất sắt, axit folic, hoặc chất dẫn truyền thần kinh dopamine.

Con bạn sẽ cảm thấy bồn chồn hoặc có cảm giác khó chịu ở chân lúc đi ngủ, thậm chí là khi chúng ngồi yên.

Cách giải quyết: Hãy đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để kiểm tra chất sắt và nồng độ acid folic trong máu, nếu thấp phải bổ sung thêm. Đối với trường hợp nhẹ, có thể massage chân hoặc sử dụng một miếng đệm nóng trước khi đi ngủ, trường hợp nặng phải sử dụng thuốc.

Những việc cần làm để trẻ có một giấc ngủ ngon

  • Nói không với caffeine: Trẻ em không uống cà phê, nhưng caffeine có rất nhiều trong soda và kẹo sô cô la. Nếu con bạn đang gặp những vấn đề về giấc ngủ, hãy loại bỏ những thực phẩm có chứa caffeine sau bữa trưa.
  • Quy định thời gian đi ngủ và thức dậy: hầu hết trẻ em đều thích ứng dễ dàng nếu không đi ngủ đúng giờ quy định 1 lần 1 tuần, nhưng nếu số lần nhiều hơn 1, bạn cần nghiêm khắc hơn trước khi con bạn gặp các vấn đề trên.
  • Hạn chế sử dụng điện thoại: Nghiên cứu từ Đại học Wayne phát hiện ra rằng những người lớn đã tiếp xúc với sóng tần số radio (tương tự như tần số phát ra bởi điện thoại di động) trong ba giờ trước khi đi ngủ có thể rút ngắn giai đoạn ngủ sâu - giai đoạn cần thiết cho việc phục hồi các tế bào bị hư hại. Hãy chắc chắn rằng con bạn không nhắn tin và nói chuyện điện thoại vào buổi tối.
  • Tránh xa các bộ phim kinh dị: Trẻ em không chỉ bị kích động mà còn có thể gặp ác mộng khi xem các bộ phim kinh dị. Những giấc mơ đáng lo ngại về đêm cũng là kết quả của sự sợ hãi từ những việc trong đời thực, vì vậy hãy trò chuyện vào ban ngày về bất cứ điều gì gây phiền hà cho chúng.
  • Một vài tín hiệu cố định thông báo đến giờ đi ngủ như đi tắm, một cái ôm hay đọc sách cũng rất hữu ích.

Ngọc Bắc
Theo parenting.com

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán