Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục tiểu học

Giáo dục tiểu học

Cách dạy trẻ kết bạn với trẻ khuyết tật

(CNN) - Việc kết bạn vào đầu năm học mới có thể đáng sợ đối với những đứa trẻ như Trae Bruns, học sinh lớp 5 tại Troy, Illinois.

Trae mắc chứng rối loạn di truyền và khác biệt về thể chất, và không phải lúc nào cậu bé cũng tiếp cận những đứa trẻ khác. Mẹ cậu bé, bà Jackie Bruns cho biết: “Con tôi thường đợi bọn nhỏ tiếp cận mình. Trẻ khuyết tật có thể gặp khó khăn khi tiếp cận với những đứa trẻ khác. Bọn nhỏ không biết liệu mình có bị từ chối hay bị chế nhạo vì khuyết tật hay không.”



“Trẻ khuyết tật có thể gặp khó khăn khi tiếp cận với những đứa trẻ khác,” dẫn lời Jackie Bruns, người gửi thư cho các phụ huynh trong lớp của đứa con trai mình mỗi năm học để giải thích rằng cậu bé muốn được đối xử như mọi người - Ảnh: Jackie Bruns

Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Pew về dữ liệu của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, 15% học sinh trường công ở Hoa Kỳ được chẩn đoán khuyết tật, bao gồm cả khuyết tật về thể chất cũng như khuyết tật về học tập hoặc xã hội. Và 95% trẻ em khuyết tật được học tập trong các lớp học chính thống, điều đó có nghĩa là hầu hết các bé sẽ thường xuyên giao tiếp với tất cả các bạn đồng trang lứa khác.

Dưới đây là một số cách mà cha mẹ có thể khuyến khích con mình hòa nhập và kết bạn với những người có vẻ khác biệt này.

Dạy về việc không đưa ra giả định

Để giúp con trai đi học dễ dàng hơn, Bruns gửi một lá thư vào đầu mỗi năm học cho các phụ huynh trong lớp của con trai mình để giải thích rằng cậu bé trông khác biệt nhưng muốn được đối xử như mọi người. “Tôi giải thích rằng thằng bé thích đọc sách, chạy nhảy, chơi đùa và trên hết là kết bạn mới.”

Tiến sĩ Caroline Mendel, nhà tâm lý học lâm sàng tại Child Mind Institute ở thành phố New York, đồng ý với cách tiếp cận này và giải thích rằng bố mẹ có thể theo dõi tại nhà, thậm chí trước khi bọn trẻ gặp nhau. Đây là cơ hội để nói điều gì đó chẳng hạn như: “Cô được biết là Trae thích lego. Có thể các con muốn chơi lego chung với nhau cũng nên.”



Các chuyên gia cho biết, trẻ em có thể thắc mắc khi gặp một người bạn mới có vẻ khác biệt, nhưng chúng phải luôn tôn trọng người khác và nói năng tử tế - Ảnh: SDI Productions/E+/Getty Images

Mendel nói: “Bố mẹ có thể dạy bọn trẻ rằng điều quan trọng nhất là chúng ta không thể đưa ra giả định dựa trên vẻ ngoài hoặc hành động của ai đó. Chúng ta cần làm quen với cá nhân đó. Khuyết tật có thể là một phần bản sắc của họ, nhưng đó không phải là thứ duy nhất định nghĩa họ.”

Chiến lược đó đã giúp Trae có thêm nhiều bạn. Bruns nói: “Nếu bé kia có thể bắt đầu chơi đùa hoặc nói chuyện với bé khuyết tật, điều đó sẽ khiến bé khuyết tật cảm thấy thoải mái hơn. Tôi đã chứng kiến điều này xảy ra nhiều lần rồi.”

Dạy về tính tò mò lịch sự

Trẻ em có thể vẫn còn thắc mắc khi gặp một người bạn mới. Nhưng bọn nhỏ luôn cần tôn trọng người khác và nói năng tử tế. Thay vì nói “Bạn bị gì vậy?”, bọn trẻ có thể hỏi: “Bạn có phiền nếu mình hỏi về chân (giả) hoặc xe lăn của bạn không?” Mendel nói.

Mendel cho biết: “Tò mò thì được thôi nhưng hãy hành động một cách tôn trọng và tránh chạm vào các thiết bị hoặc dụng cụ khi không được phép. Giải thích cho bọn trẻ rằng việc thắc mắc một cách lịch sự thì được, nhưng không phải ai cũng muốn nói về điều đó.”

Nếu đối phương muốn chia sẻ, hãy lắng nghe và để họ dẫn dắt câu chuyện. Michelle Hu, người lớn lên với máy trợ thính và hiện đang làm chuyên gia thính học nhi khoa, cho biết trẻ em có thể chia sẻ những sự thật thú vị và vui nhộn về tình trạng khuyết tật của mình.



Một phụ huynh nói rằng các bố mẹ nên dạy con mình quan sát sân chơi và mời những bé không tham gia vào chơi cùng mình - Ảnh: kali9/E+/Getty Images

Hu cho biết: “Khuyết tật có thể rất ngầu và có những người bạn khác biệt thì vui và thú vị. Ví dụ, máy trợ thính và ốc tai điện tử cấy ghép có thể được kết nối với một nguồn âm nhạc như tai nghe. Hệ thống từ xa có thể để cho trẻ em vô tình nghe lỏm được cuộc trò chuyện của các giáo viên.”

“Khuyết tật nên được bình thường hóa. Đó là một phần cuộc sống,” Hu nói. “Cộng đồng người khiếm thính và lãng tai có mối liên kết chặt chẽ với nhau, nhưng tật điếc có một phạm vi. Các nền văn hóa và cộng đồng khiếm thính thường sử dụng Ngôn ngữ ký hiệu của Mỹ làm ngôn ngữ chính. Hãy quan tâm, học một số ngôn ngữ ký hiệu - có thể nó rất hữu ích đấy.”

Ngoài việc cảm thấy thoải mái với sự khác biệt về thể chất, trẻ khuyết tật có thể di chuyển khác hoặc phản ứng khác với các bạn cùng trang lứa. Hu nói: “Nếu có bé nào đó đeo máy trợ thính không nhận thấy con bạn ngay lập tức, bạn có thể thu hút sự chú ý của bé đó và thử lại.”

Hu cho biết: “Nhiều lúc, tôi cảm thấy mình bỏ lỡ cuộc trò chuyện, đặc biệt là ở những nơi ồn ào như quán ăn”. Hãy tiếp tục và hỏi một cách lịch sự, “Bạn có nghe rõ mình nói không?” Hu cho biết không có lý do gì để hét lên, nhưng các dấu hiệu trực quan và lặp lại điều gì đó theo một cách khác có thể giúp những đứa trẻ sử dụng thiết bị trợ thính trở thành một phần của nhóm.

Giải thích về các kỹ năng xã hội khác nhau

Trong khi một số khuyết tật có thể nhìn thấy được, những khuyết tật khác thì không. Và việc giải thích rằng một số người có thể có những tín hiệu xã hội hoặc cách giao tiếp khác nhau có thể giúp họ kết nối với học sinh.

Gawain Hootman, 10 tuổi ở East Bay, California mắc chứng tự kỷ. Cậu bé muốn được hòa nhập nhưng không phải lúc nào cũng sẵn sàng hòa nhập với xã hội, mẹ cậu bé, Ramsey Hootman cho biết. “Nếu tôi có thể nhờ những bé khác cùng tuổi với cháu làm một việc thì đó là tiếp tục mời cháu tham gia cùng bọn nhỏ.” Bà nói: “Không phải lúc nào thằng bé cũng thích tham gia, nhưng thằng bé luôn muốn được mời và chào đón. Xin đừng coi việc nói ‘không’ hôm nay là ‘không’ mãi mãi.”

Một số trẻ có thể cần thời gian để xử lý lời mời, vì vậy việc cho chúng một cơ hội khác để tham gia sẽ tạo ra một môi trường thân thiện hơn cho mọi người. Điều đó cũng làm giảm bớt áp lực xã hội với việc phải luôn nhất quán.

Mendel nói: “Mặc dù việc tiếp cận một người giống mình có thể cho cảm giác tự nhiên hơn, nhưng chúng ta có thể học được điều gì đó từ những người bạn khác biệt. Một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ có thể gặp khó khăn khi giao tiếp bằng mắt hoặc thay phiên trò chuyện. Điều đó không có nghĩa là bọn nhỏ không muốn trở thành bạn của bạn.”

Điểm mấu chốt là mọi người đều khác biệt, nhưng mọi người đều muốn được hòa nhập.

Hootman nói: “Hãy dạy con bạn quan sát sân chơi và mời những bé không tham gia vào chơi cùng mình.”

Hồng Nhung
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán