Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục tiểu học

Giáo dục tiểu học

Chỗ ngồi ảnh hưởng thế nào đến tình bạn giữa trẻ?

Phần lớn các giáo viên xếp chỗ cho học sinh dựa vào các yếu tố học lực. Tuy nhiên, nghiên cứu tâm lý mới đây của Đại học Atlantic tại Florida lần đầu tiên cho thấy chỗ ngồi của các học sinh cũng ảnh hưởng quan yếu đến tình bạn giữa các em.



Ảnh: pixabay.com

Theo kết quả nghiên cứu công bố trong tạp chí Frontiers in Psychology, những em ngồi cạnh nhau có nhiều khả năng trở thành nhóm bạn bè hơn là kết thân với các em ngồi ở xa. Các phân tích chiều dọc cũng cho thấy mối liên hệ giữa vị trí ngồi và khả năng làm bạn. Sau khi được đổi sang chỗ mới, học sinh dễ làm bạn với những bạn ngồi cạnh hơn là với những bạn đã ngồi gần mình trước đó.

Tiến sĩ Brett Laursen, Giáo sư tâm lý học tại Cao đẳng Khoa học Charles E. Schmidt thuộc Đại học Atlantic ở Florida (FAU), đồng thời là tác giả chính của bài báo, cho biết: “Các em học sinh trong nghiên cứu của chúng tôi dành phần lớn thời gian mỗi ngày với khoảng 15 bạn khác trong lớp. Tới giữa năm học, các bạn trong lớp đều quen biết nhau, không còn ai xa lạ cả. Tuy nhiên, khi bị đổi chỗ ngồi, các em vẫn có xu hướng kết thân với các bạn mới xung quanh mình. Điều này thống nhất với giả thuyết cho rằng thời gian ngồi cạnh không phải là yếu tố duy nhất tạo lập nên tình bạn. Dường như yếu tố quan trọng hơn cả sự thân quen là khoảng cách tiếp xúc - thứ cho các em cơ hội trao đổi với nhau, làm tiền đề của tình bạn.”

Đồng tác giả bài báo này là Sharon Faur, nghiên cứu sinh tâm lý học phát triển tại Cao đẳng Khoa học Charles E. Schmidt thuộc FAU. Nghiên cứu này được hậu thuẫn bởi Viện Sức khoẻ Trẻ em và Phát triển Con người Hoa Kỳ, thuộc Viện Y tế Quốc gia (HD096457).

Đối tượng tham gia thực nghiệm là 235 học sinh (129 em nam, 106 em nữ) lớp 3-5 (độ tuổi 8-11). Các em được yêu cầu chỉ định ai là bạn của mình vào hai thời điểm khảo sát (cách nhau 13-14 tuần). Tất cả các em đều là học sinh trường tiểu học công lập South Florida - ngôi trường đại diện đa số các trường công tại bang về độ đa dạng sắc tộc và thu nhập gia đình.

Sơ đồ lớp học của giáo viên được sử dụng nhằm tính toán ba loại khoảng cách giữa từng cặp học sinh trong lớp. Các em ngồi chung bàn hay ngồi đối mặt với một em bất kỳ được xem là các em nằm trong khoảng cách lân cận. Khoảng cách nhóm bao gồm các em trong khoảng cách lân cận và các em gần đó - tức các em ngồi chung hàng nhưng cách nhau một em khác hay ngồi chéo nhau và đối mặt với nhau. Các kết quả thu được trong những cặp khoảng cách nhóm chứng minh giả thuyết chắn chắn hơn cả, bởi nó cho thấy các em có thể và sẵn lòng bỏ qua các bạn ngồi ngay bên cạnh mà nói chuyện với bạn nào gần mình nhất.

Laursen giải thích: “Tất nhiên, không em học sinh nào ngồi dính một chỗ suốt ngày. Các em có thể trao đổi với các bạn ngồi xa mình trong giờ nghỉ trưa, giờ ra chơi, hay giờ hoạt động cả lớp (nếu có). Mặc dù vậy, xu hướng chọn kết thân với những bạn ngồi gần thay vì ngồi xa hơn - dù cho có cơ hội tiếp xúc với tất cả mọi người trong lớp - cho thấy tầm quan trọng của khoảng cách trong việc thiết lập tình bạn.”

Khoảng cách chỗ ngồi trong lớp học giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong những năm tiểu học bởi trẻ ở độ tuổi này ít có cơ hội làm quen và trò chuyện lâu dài với những bạn đồng trang lứa; lý do khác là việc đồng hành với nhau là nền tảng dựng xây tình bạn. Từ lâu ta đã biết phần lớn bạn thân của đa số các em là những học sinh cùng lớp. Giờ ta biết thêm khả năng cao là những người bạn đó ngồi gần các em.

Học sinh tiểu học dành phần lớn ngày học của mình tại chỗ ngồi được chỉ định, bên cạnh những bạn cùng lớp. Và tại hầu hết các trường tiểu học, giáo viên là người quyết định ai ngồi cạnh ai, ai có thể tương tác với ai.

Laursen kết luận: “Xét cả hai điều trên, kết quả nghiên cứu cho thấy giáo viên có ảnh hưởng to lớn thế nào đến chuyện giao tiếp thường ngày của trẻ. Mà ảnh hưởng càng lớn, trách nhiệm càng cao. Chúng tôi mong muốn giáo viên phân minh trong việc sử dụng sức ảnh hưởng của mình. Đã có nhiều hậu quả khôn lường được ghi nhận khi người lớn can thiệp tiêu cực vào đời sống xã giao của con trẻ.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán