Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục tiểu học

Giáo dục tiểu học

Cùng con ngăn chặn “cuộc chiến” với bài tập về nhà

Con bạn luôn luôn gặp phải vấn đề trong việc hoàn thành các bài tập về nhà? Bạn phải dành quá nhiều thời gian mỗi tối để giúp con? Bạn đang tự hỏi tại sao con mình lại phải làm nhiều bài tập đến như vậy? Nếu con cái gặp rắc rối trong việc học hành, thì chính bản thân trẻ và phụ huynh đều phải đối mặt với nhiều thách thức. Việc hiểu được mục đích của bài tập về nhà cũng như xây dựng các chiến lược để hoàn thành tốt những nhiệm vụ học tập sẽ là trợ thủ đắc lực cho cả bạn và con trong “cuộc chiến” này.

Mục đích của bài tập về nhà là gì?

Bài tập về nhà không dạy trẻ các khái niệm hay kỹ năng mới mà là giúp trẻ thực hành lại những gì đã học trên lớp, qua đó nắm vững các kỹ năng quan trọng. Tuy nhiên có một sự mâu thuẫn, trẻ rất cần thực hành và luyện tập nhưng cũng chính chúng là người cảm thấy bài tập về nhà trở nên khó hơn, mất nhiều thời gian hơn và dễ dàng nảy sinh các cảm giác tiêu cực.

Hãy bắt đầu bằng cách giúp trẻ hiểu rõ bài tập đó là gì và các hướng dẫn để hoàn thành nó. Kế tiếp, hãy tìm hiểu thử xem lượng kiến thức mà trẻ học được ở trường có đủ để hoàn thành bài tập không. Nếu phụ huynh phát hiện có vấn đề, hãy lên kế hoạch gặp mặt giáo viên của con để thiết lập kênh thông tin liên lạc giữa nhà trường và gia đình. Ví dụ như, giáo viên có thể gửi bài tập của trẻ kèm theo lời phê của mình về nhà để phụ huynh đọc và ký tên.

Nên làm bài tập về nhà ở đâu?

Với nhiều đứa trẻ, một cái bàn nhỏ với đầy đủ các dụng cụ học tập chính là nơi tuyệt vời nhất để làm bài. Nhưng cũng với nhiều gia đình khác, bàn ăn trong nhà bếp lại là nơi lý tưởng. Dù là trẻ đang ngồi học ở đâu đi nữa, cha mẹ cũng phải liên tục kiểm tra xem liệu con có đang tập trung hay gặp phải vấn đề gì không để kịp thời dành cho con những lời động viên, nhắc nhở.



Ảnh minh họa từ internet

Khi nào sẽ bắt đầu làm bài?

Với nhiều đứa trẻ, ngay sau khi tan học chính là khoảng thời gian thích hợp nhất vì khi đó các nhiệm vụ vẫn còn đang ở trong đầu. Mặt khác, nhiều em lại cần được nghỉ ngơi trước khi “xử lý” các bài tập được giao.

Đôi khi, việc tham gia các hoạt động thể thao, lịch làm việc của cha mẹ hay các hoạt động khác cũng làm ảnh hưởng đến việc làm bài tập về nhà của con. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên đưa ra hai kế hoạch rõ ràng: một dành cho ngày bình thường và một dành cho các sự kiện đột xuất.

Nếu trẻ thường xuyên không chịu làm bài, cha mẹ không nên chiều chuộng bằng cách cho phép trẻ đi chơi thỏa thích. Điều đó càng khiến trẻ cảm thấy khó chịu và chán nản hơn khi làm các bài tập. Thay vào đó, hãy để con tham gia các hoạt động khác ít thú vị hơn nhưng cũng không kém phần khó khăn như làm bài tập về nhà. Ví dụ như, bạn có thể bảo trẻ phụ dọn bàn ăn hoặc xé nhỏ rau diếp để làm món xà lách trộn... Đây gọi là “đà hành vi” (behavioral momentum): Để trẻ bắt đầu từ những hoạt động đơn giản và khó mà từ chối trước khi bạn yêu cầu chúng thực hiện những nhiệm vụ mang tính thử thách cao hơn.

Thời gian để làm bài tập về nhà là bao lâu?

Nếu trẻ gặp vấn đề trong việc tập trung, viết chữ chậm hay cần thêm thời gian để hiểu rõ các khái niệm thì việc làm bài tập có thể sẽ lâu hơn.

Đảm bảo lượng thời gian làm bài phải phù hợp với độ tuổi của trẻ. Tại một số trường, ở những năm đầu đi học, trẻ chỉ cần dành từ 30 đến 45 phút mỗi buổi tối để làm bài. Sau đó tăng lên một tiếng ở năm cuối bậc Tiểu học và hai tiếng ở bậc Trung học. Các bậc phụ huynh nên tìm hiểu về chính sách ra bài tập về nhà của trường mà trẻ đang theo học.

Việc theo dõi lượng thời gian trẻ cần để hoàn thành bài tập giúp phụ huynh có được những thông tin cụ thể để thông báo với giáo viên. Nếu thời gian làm bài của trẻ vượt quá các quy định của nhà trường, cha mẹ hãy gặp giáo viên để thảo luận, tìm ra những giải pháp giúp trẻ thành công hơn trong việc hoàn thành các bài tập được giao.

Phụ huynh sẽ giúp đỡ con như thế nào?

Hãy nhớ rằng bài tập về nhà là một hình thức thực hành. Đừng bắt con phải làm tốt hết các bài tập. Hãy để trẻ hiểu rằng ai rồi cũng sẽ mắc phải sai lầm, những sai lầm đó sẽ giúp trẻ rút kinh nghiệm và tiến bộ hơn trong học tập.

Khuyến khích trẻ nói lên những gì chúng cảm thấy khó khăn hay khó hiểu. Lắng nghe ý kiến đóng góp của trẻ để việc làm bài tập về nhà trở nên dễ dàng hơn.

Cha mẹ hãy là tấm gương và dạy trẻ các kỹ năng tổ chức cũng như quản lý tốt thời gian.

Nếu trẻ được giao quá nhiều bài tập, hãy giúp con chia nhỏ chúng ra để giảm bớt cảm giác bị quá tải.

Hãy để trẻ lựa chọn một hoạt động thú vị ngay sau khi hoàn thành xong các bài tập. Ví dụ như chơi game cùng gia đình, nghe một câu chuyện hay một đĩa CD trẻ yêu thích, hoặc được trò chuyện với bạn qua điện thoại. Phải đảm bảo rằng hoạt động này là do chính trẻ chọn lựa, vì điều đó sẽ tạo động lực giúp trẻ cố gắng hoàn thành hết các bài tập về nhà.

Quan trọng hơn hết, cha mẹ không nên biểu lộ các cảm xúc tiêu cực khi giúp con làm bài tập. Thậm chí khi bạn đang rất khó chịu với thái độ bực dọc của con, hãy kìm chế và cố gắng tìm ra nguyên nhân.

Mỹ Hằng
(Lược dịch từ greatschools.org)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán