Trang chủ»Giáo dục»Giáo dục tiểu học

Giáo dục tiểu học

Thay vì doạ nạt, phụ huynh có thể làm gì để con trẻ nghe lời?

Karen Quail, chuyên viên hỗ trợ phụ huynh, phát biểu như sau trong buổi hội thảo mang tên Kỷ luật Hòa bình: “Doạ nạt chỉ khiến trẻ noi theo gương xấu và cảm thấy không an toàn. Ta cần loại bỏ ngay doạ nạt khỏi các phương thức kỷ luật của mình.”



Doạ nạt khiến trẻ noi theo gương xấu và cảm thấy không an toàn - Ảnh: Getty Images

Theo bà, doạ nạt để trẻ vâng lời, bất kể là ở nhà hay ở trường học, là hành động cưỡng chế - khiến trẻ sợ mà phản ứng theo kiểu người lớn mong muốn. Bà lấy ví dụ câu doạ: “Nếu con không rửa bát thì khỏi chơi Playstation trong vòng một tháng đấy.”

Quail nhận xét khi ta cưỡng chế, khiến trẻ sợ sệt mà làm theo ý mình, trẻ có thể bắt chước những hành vi đe dọa và bắt đầu bắt nạt những trẻ khác hay người khác trong tương lai. Quail nói: “Cách kỷ luật này không giúp trẻ vâng lời hay tôn trọng bạn hơn mà chỉ làm tổn hại đến những nguyên tắc kỷ luật bạn đang muốn xây dựng và nhiều khả năng dẫn đến những hành động tiêu cực ở trẻ.”

Bà cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy trẻ lớn lên trong những gia đình có người thường xuyên dọa nạt sẽ dễ thực hiện những hành vi xấu hay thậm chí là rối loạn cư xử.

Trẻ cảm thấy không an toàn

Trẻ cũng sẽ thấy không an toàn khi luôn bị đe dọa và phải sống trong sợ hãi. Quail biện luận: “Trẻ cần nhận thức được rằng nếu chúng làm điều sai, bạn có thể ngăn chúng lại và nếu chúng phải làm điều đúng, bạn có cách khiến chúng thực hiện nó.”

Vậy thì các bậc phụ huynh nên làm gì để khiến trẻ thực hiện điều đúng và tránh xa những hành vi sai trái, nhất là khi chính phụ huynh cũng là những người lớn lên với đòn roi, chửi bới, và dọa nạt? Nhiều phụ huynh tưởng rằng chỉ có những lối hành xử “thương cho roi cho vọt” như trên mới là cách hay nhất, hay thậm chí là duy nhất để khiến trẻ vâng lời; nhưng thực tế không phải vậy…

Thúc đẩy và động viên trẻ

Quail khuyên rằng thay vì làm trẻ sợ, hãy thúc đẩy, động viên cho trẻ có động lực: “Những khi bạn muốn con mình làm điều gì đó, thay vì khiến các bé sợ bạn mà vâng lời, hãy nghĩ đến một cơ chế phần thưởng hay tự thưởng để giúp trẻ có động lực hoàn thành nhiệm vụ.”

Bà đề xuất, có thể nói với trẻ: “Nếu giờ con ngoan thì chút nữa lên xe bố/mẹ sẽ kể cho con nghe chuyện vui lắm.” Trẻ sẽ vâng lời và hợp tác hơn với phụ huynh bởi chúng giờ đã có mục tiêu để nhắm đến.

Đối với các thầy cô giáo trong lớp học, Quail khuyên: “Các thầy cô có thể nói, các em hoàn thành bài nhanh thì lớp mình nghỉ sớm khoảng 5 phút, rồi các bạn muốn nghe nhạc hay nói chuyện riêng thì tha hồ nha.” Vậy là giờ các bạn trẻ đã có mục tiêu và động lực để hoàn thành nhanh bài tập.”

Phản ứng phù hợp

Quail cũng đề xuất phương pháp hòa nhịp: “Chúng ta cần có những cách phản ứng khác nhau phù hợp với các tình huống khác nhau.” Theo bà, hòa nhịp với trẻ rất khác với cách ép buộc cưỡng chế mà nhiều bậc phụ huynh thường làm.

Hòa nhịp tức là tìm cách phản ứng phù hợp với nhu cầu và mong muốn của trẻ. Chẳng hạn như phụ huynh có thể nói như thế này khi thấy con mình không dọn dẹp sau khi bày đồ ra chơi: “Sau khi con dọn dẹp đồ chơi xong thì chúng ta cùng xem ti vi nhé.”

Cách nói trên không phải là kiểu doạ nạt mà là lời khích lệ, tạo cho trẻ động lực thực hiện những gì cha mẹ mong muốn. Bà cũng cẩn thận khuyên rằng cha mẹ không nên to tiếng khi nhắc nhở con mình: “Bạn cần thể hiện mình đứng về phía con và khiến con cảm thấy rằng mình cũng muốn những gì các con muốn, chỉ là bạn nhắc nhở các bé phải hoàn thành xong nhiệm vụ nào trước khi có được thứ mình muốn mà thôi.” Quail nhận xét phương án này sẽ giúp trẻ rèn luyện tính tự kỷ luật bản thân, tạo động lực để hoàn thành các nghĩa vụ trong tương lai.

Sử dụng thời gian đúng cách

Theo Quail, sử dụng thời gian đúng cách có thể hạ nhiệt các tình huống căng thẳng. Đây là cách luyện cho trẻ khả năng tự chủ; nó phù hợp hơn nhiều so với việc dọa nạt. Một trong những cách sử dụng thời gian đúng đắn là đặt ra một thời hạn nhất định, nhất là khi đối mặt với những tình huống căng thẳng.

Song, Quail cũng nhấn mạnh phụ huynh không nên kỳ vọng mình nói gì con sẽ nghe và làm theo ngay. Cha mẹ có thể nói “dậy đi nào, đừng nằm trên giường nữa” và một số trẻ sẽ nghe nhưng nhiều trẻ khác thì không. Nếu vậy, cha mẹ có thể giới hạn thời gian con mình có thể “nằm nướng” bằng cách đếm đến ba.

Quail tin rằng trẻ sẽ sớm bật dậy khỏi giường trước khi bạn đếm hết bởi chúng biết rõ sau khi đếm đến ba, bạn cũng sẽ đến lay chúng dậy: “Cần lưu ý là khi đếm đến ba, ta phải tỏ thái độ dò xét chứ không phải đếm theo kiểu dọa nạt.”

Quail phân biệt rõ việc đếm đến ba như một lời dọa nạt và đếm đến ba chỉ để dò xét. Nếu phụ huynh vẫn ngầm mong muốn con làm theo đúng ý mình, cố gắng hối thúc con ngả theo mình, thì hành vi đó cũng chỉ là cưỡng chế mà thôi. Nhưng nếu đếm đến ba chỉ được dùng để dò xét, thì con trẻ vẫn còn lựa chọn rời khỏi giường hoặc là không.

Bạn không cần phải lo lắng bọn trẻ sẽ chọn “ngủ nướng” vì các bạn đã biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Đếm đến ba thực chất chỉ là để rèn luyện tính tự chủ nơi trẻ.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán