Trang chủ»Giáo dục

Giáo dục

10 mẹo nhỏ giúp cải thiện kỹ năng viết cho trẻ



Ảnh minh họa: wall321.com

Không cần phải là một nhà văn lớn, bạn vẫn có thể giúp đỡ con khi chúng gặp khó khăn với môn Viết. WriterCoach Connection (WCC) là chương trình hỗ trợ kỹ năng viết thuộc tổ chức phi chính phủ Community Alliance for Learning. Chương trình này đã đào tạo những người chưa có kinh nghiệm giảng dạy như sinh viên đại học, luật sư, người về hưu và nhiều thành viên khác trong cộng đồng trong vòng 6 tiếng trước khi gửi họ đến các trường học ở Albany, Berkeley và Oakland để làm việc trực tiếp với từng học sinh.

Nhiệm vụ của những người này là hướng dẫn cho học sinh hiểu cách viết một bài luận. Họ học các chiến lược giúp học sinh biết cách tổ chức các ý tưởng và chỉnh sửa lại các bản nháp.

Tuy nhiên, WCC không có "phép thần thông" hay là vật thay thế cho môn Viết tại trường của trẻ. Cách tốt nhất để viết tốt hơn là thực hành, thực hành và thực hành. Trẻ cần phải có thời gian để luyện tập hàng ngày ở trường và cả ở nhà.

Bạn sẽ làm gì khi trẻ thậm chí còn không biết phải bắt đầu bài tập như thế nào? Dựa trên kinh nghiệm của các tình nguyện viên WCC, bạn có thể áp dụng những mẹo nhỏ dưới đây để giúp trẻ phát huy tốt nhất kỹ năng viết của mình.

1. Hiểu rõ bài tập

Sẽ rất khó để bắt đầu viết nếu không hiểu rõ được yêu cầu của bài tập. Hãy bảo trẻ tự mình phân tích nội dung của bài tập về nhà. Nếu trẻ không biết, bạn hãy giải thích để trẻ hiểu.

2. Lên kế hoạch trước

Nhiều học sinh gặp phải khó khăn với môn Viết vì chúng không có đủ ý tưởng về những gì mình muốn nói. Hãy bảo con nêu ra những ý chính mà chúng muốn viết trong bài. Nếu trẻ có thể làm được điều này thì việc viết bài sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Trẻ cần đưa ra những ví dụ cụ thể để bổ sung cho luận điểm hay các ý chính trong bài viết. Điều này sẽ giúp trẻ biết cách sắp xếp các lập luận của mình một cách hợp lý. Nếu trẻ phản ứng một cách tiêu cực với một dạng bài nào đó, hãy để trẻ được trình bày nguyên nhân vì sao. Nếu bạn có thể giúp trẻ đưa ra được quan điểm của mình, bài viết của trẻ sẽ trở nên thuyết phục hơn.

3. Dẫn chứng sự thật

Những chứng cớ, sự việc rõ ràng, cụ thể sẽ giúp cho bài viết có sức thuyết phục cao. Liệu những ví dụ đưa ra có giúp làm sáng tỏ ý chính của bài viết hay không? Chúng có chính xác không? Có sinh động không? Nếu con bạn đang băn khoăn, hãy bảo con bỏ ra một phút để thử đóng vai là nhà báo, mô tả lại sự việc bằng cách sử dụng 5 câu hỏi "Wh": who (ai?), what (cài gì?), where (ở đâu?), when (khi nào?) và why (tại sao?).

4. Sắp xếp các ý tưởng

Tổ chức tốt các ý tưởng sẽ tạo điều kiện để có được một bài văn hay. Tìm hiểu thử xem trẻ có học được cách viết mở bài, thân bài và kết bài hay chưa. Kiểm tra lại trật tự các ý tưởng trong mỗi đoạn văn. Bạn có bắt kịp được dòng suy nghĩ của con không? Hay có lỗ hổng nào trong cách lập luận? Những từ chuyển ý có được dùng để liên kết các đoạn văn hay không?

5. Giúp đỡ

Vai trò của bạn là phải lắng nghe và hiểu trẻ muốn nói gì. Hãy để trẻ nói ra hết những ý tưởng của mình. Bạn có thể giúp con sắp xếp lại chúng và đưa ra thêm các ví dụ bổ sung.

6. Đọc lớn tiếng

Bằng cách đọc lớn những gì vừa viết, trẻ sẽ dễ dàng nhận thấy những lỗi sai cơ bản. Nhưng hãy nhớ rằng việc đọc này đòi hỏi sự tập trung, vì vậy cố gắng đừng làm gián đoạn. Nếu không, bạn sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình tư duy của trẻ.

7. Bắt đầu từ những điểm mạnh

Luôn luôn khởi đầu bằng những điều tốt đẹp. Hãy chỉ ra ba điểm mạnh nhất trong bài viết của con. Tìm ra những chi tiết cụ thể, những câu văn rõ ràng, những từ ngữ sinh động và đưa ra những lời khích lệ kịp thời dành cho trẻ. Giải thích vì sao bạn cảm thấy thích thú với bài viết của con, ví dụ như "Mẹ nghĩ con đã thật sự hiểu rõ về nhân vật chính trong quyển sách này" hay "Bố rất thích những chi tiết đầy màu sắc trong câu văn đó"… Hãy để trẻ hiểu rằng viết không phải là một quá trình bí ẩn, chỉ cần một số kỹ năng cần thiết là bất kỳ ai cũng có thể viết hay được.

8. Hỏi thêm thông tin

Bạn cần hỏi để hiểu những gì trẻ đang viết. Đừng ngại khi nói với con rằng bạn muốn biết thêm về một điều gì đó, ví dụ như một ý tưởng trong bài vẫn chưa được làm sáng tỏ. Đừng chỉ trích hay đưa ra câu trả lời, hãy giúp trẻ tự tìm ra đáp án cho mình. Nếu bạn đóng vai trò là một độc giả, hãy cho trẻ thấy rằng viết cũng là một cách để truyền tải thông tin.

9. Bỏ qua ngữ pháp trong các bản nháp

Đôi khi, trẻ có thể tự mình sửa lỗi khi đọc lại bài, đặc biệt là khi bạn khuyến khích con đọc lớn tiếng. Nếu con không thể tự mình sửa lỗi, bạn có thể giúp đỡ bằng cách đưa ra những phương pháp sửa lỗi thích hợp.

10. Xem trẻ như là một nhà văn

Cần sửa lại những gì và sửa như thế nào, đó là quyết định của trẻ, không phải là của bạn. Nói rộng ra, "giọng văn" cũng phải là của trẻ. Bạn chỉ là người đưa ra những gợi ý khi cần thiết chứ không phải là người làm bài thay con. Hãy nhớ rằng trẻ phải học cách tư duy và viết bài theo chính suy nghĩ của mình.

Mỹ Hằng
Theo greatschools.org

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán