Trang chủ»Giáo dục

Giáo dục

Trường tiểu học tại Perth cho phép trẻ đi chân trần

Theo một chính sách sẽ có hiệu lực vào năm tới, một trường tiểu học tại Perth sẽ cho phép học sinh mầm non đi chân trần nếu các em thích.



Trường Inglewood sẽ cho phép trẻ cởi giày, đi chân trần - Ảnh: Justin Benson-Cooper

Trong một thông báo gần đây, Trường Tiểu học Inglewood cho biết trẻ sẽ cải thiện được dáng đứng, phát triển các giác quan, cũng như rèn luyện sức mạnh đôi chân nói riêng cũng như thân thể nói chung khi được đi chân trần. Thông báo có đoạn: “Chúng tôi tin rằng trẻ em cần có cơ hội khám phá các môi trường khác nhau mà không cần phải mang giày.”

“Đi chân trần sẽ nuôi dưỡng, làm cứng cáp, nhưng đồng thời cũng cải thiện độ dẻo dai của đôi chân, mắt cá chân, khớp gối và hông của trẻ.”

Jo Hart, hiệu phó Trường Inglewood, cho biết trường đã được Sở Giáo dục Tây Úc chọn làm Cơ sở Học tập Khơi nguồn Cảm hứng trong hạng mục giáo dục những năm đầu đời, một dự án nhằm cải thiện chất lượng giáo dục trẻ em độ tuổi từ mẫu giáo đến năm lớp 2. Thể theo chương trình, nhà trường hiện đặt trọng tâm vào “tính tự chủ” ở trẻ - khả năng trẻ tự ra quyết định và tự lựa chọn sẽ ảnh hưởng đến đời sống của chính mình. Hiệu phó Hart cho biết việc cho phép trẻ cởi bỏ giày theo ý thích khi sinh hoạt tại trường cũng nằm trong định hướng này.



Ảnh: Justin Benson-Cooper/The West Australian

Trưởng ban giáo dục mầm non tại Đại học Murdoch, cô Sandra Hesterman, cho biết vui chơi với đôi chân trần từ lâu đã được xem là một điều tốt. Nhưng quy định đồng phục tại nhiều trường học và lo ngại về các nguy hiểm có thể xảy ra là nguyên nhân khiến mang giày trở thành luật bất thành văn. Cô nói: “Thông báo của nhà trường còn cho thấy nhiều trường hiện nay không cho phép học sinh đi chân trần. Nhiều người có quan niệm rằng vì trẻ mẫu giáo cần phải mặc đồng phục nên mang vớ và giày là chuyện tất yếu.”

Tổng giám đốc tổ chức Nature Play, Griffin Longley, khuyến khích các trường khác cân nhắc thực hiện những chính sách tương tự, vì cởi bỏ giày là “xúc tác” thúc đẩy trẻ tham gia các cuộc vui chơi. Ông nói: “Với hành động cởi giày, trẻ cũng “cởi bỏ” những quy định và chuẩn mực nghiêm khắc tại trường. Điều này cho các bé động lực sáng tạo và vận động nhiều hơn.”

Longley cũng cho rằng chính sách như thế cũng cho phụ huynh biết rõ những giá trị mà trường muốn lan toả: “Dễ hiểu vì sao chúng ta quan tâm đến vấn đề vệ sinh và đảm bảo không trẻ nào bị vấp chân hay dẫm phải gai, nhưng nhà trường đã ưu tiên phát triển sức khoẻ và phúc lợi toàn diện nơi trẻ.”

Song, Burke Hugo, trưởng ban y khoa và phẫu thuật các bệnh lý về chân tại Đại học Western Australia, cho biết hiện chưa có bằng chứng nào hỗ trợ luận điểm cho phép đi chân trần sẽ giúp trẻ cải thiện dáng đi, phối hợp chân tay, hay giữ thăng bằng. Hugo nói: “Nếu môi trường sinh hoạt được đảm bảo an toàn, trẻ chắc chắc sẽ không gặp phải thương tích gì và lại còn được tự do nữa. Nhưng hoàn toàn không có chứng cứ nào cho thấy lợi ích của việc đi chân trần so với việc mang giày vừa chân cả.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán