Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ Việt Nam

Khoa học & Công nghệ Việt Nam

Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh điện gió, hạn chế điện than và điện nhiệt

Chính phủ chọn đẩy mạnh điện gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác, hướng đến cam kết toàn cầu năm 2050. Song, con đường phía trước sẽ còn rất nhiều trắc trở, đặc biệt đối với nền kinh tế vẫn còn đang phát triển của Việt Nam.



Ảnh: Myriams-Fotos/pixabay

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu như sau tại hội nghị môi trường quốc gia đầu tháng 8/2022: “Bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu vừa là vấn đề toàn cầu vừa là vấn đề quốc gia.”

Tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên Hợp Quốc 2021 (COP26), Việt Nam cam kết sẽ giảm lượng khí thải ròng xuống còn không vào năm 2050. Đây là lời cam kết uy tín chứ không chỉ là lời hứa suông. Sau COP26, chính phủ lập tức chỉ đạo Bộ Công Thương điều chỉnh bản thảo kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia thứ 8 (KHNL8), trước đó đang chờ duyệt. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu: “Ta phải thực hiện kế hoạch này một cách triệt để, có trách nhiệm, với những mục tiêu, nhiệm vụ, và giải pháp cụ thể.”

Gia tăng điện gió và giảm thiểu điện than và điện nhiệt là trọng tâm của bản KHNL8 được sửa đổi. Theo Phó Thủ tướng, KHNL8 là bằng chứng cho thấy chính phủ Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết COP26 như thế nào. Chính phủ và Thủ tướng cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo vào năm 2021 nhằm kiểm tra kế hoạch, kêu gọi giảm thải điện nhiệt-than. Theo đó, hàng loạt dự án điện nhiệt-than với tổng công suất 20 MW được dự tính bị cắt giảm.

Trong báo cáo KHNL của Bộ Công Thương (BCT) trình lên Thủ tướng có nhiều thay đổi về khả năng lắp đặt các nguồn năng lượng thay thế từ đây cho đến 2030. Theo đó, cho đến năm 2030, sẽ có thêm các nguồn điện gió trên bờ tổng công suất 12.000 MW đi vào hoạt động. Số nguồn năng lượng thay thế ở miền Bắc dự tính có tổng công suất 2.800 MW, bắt buộc phải hoạt động vào năm 2024-2025.

Nguồn điện gió ngoài khơi đến năm 2030 phải đạt tổng công suất 7.000 MW; chỉ tiêu ở miền Nam là 3.000 MW còn ở miền Bắc là 4.000 MW. Các nguồn điện gió ngoài khơi tại hai miền phải đi vào hoạt động kể từ năm 2027 và đảm bảo đủ nguồn điện cung cho các tỉnh thành phía Bắc.

Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng trực thuộc Bộ Công Thương, cho biết điện gió và điện mặt trời sẽ là hai nguồn năng lượng tái tạo chính giúp giảm lượng khí thải nhà kính.

Tuy cũng góp phần làm giảm lượng khí thải, điện mặt trời chỉ có thể được sản sinh vào ban ngày. Hệ thống lưới điện hiện tại chưa đủ mạnh, khó có thể truyền được điện mặt trời đi xa; trong khi các dự án điện mặt trời hầu hết tập trung tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Nói cách khác, tuy năng lượng điện sản sinh được rất lớn, điện mặt trời không thể truyền được đến các hộ dân. Lắp đặt thêm các đường dây truyền tải điện mặt trời là rất tốn kém. Nhằm tránh cung vượt cầu, chính phủ cần lập một lộ trình phát triển điện mặt trời phù hợp.

Vì vậy, theo ông Lâm, điện gió sẽ đóng vai trò chính yếu trong cam kết đưa khí thải nhà kính về không vào năm 2050.

Thách thức

Điện gió ngoài khơi là ngành công nghiệp mới ở Việt Nam, vì vậy các vấn đề về khung pháp lý, cơ cấu giá, và các cơ chế đi kèm đến nay vẫn chưa được chế định, đặc biệt là cơ chế đấu thầu. Được biết, 62 dự án điện gió trên bờ không thể đi vào hoạt động và phải đắp chiếu cho đến ngày 01/11/2021. Đây là bài học đắt giá cho những dự án năng lượng tái tạo theo sau.

Suốt nhiều tháng liền, các nhà đầu tư tư nhân như BayWa re Projects Vietnam, Trung Nam Group, Europlast, và Hà Đô Group trình hồ sơ lên Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn và Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn yêu cầu cấp phép nghiên cứu phát triển các dự án điện gió sở tại. Cuối năm 2020, GE Vietnam đề xuất giới chức trách các địa phương cấp phép khảo sát, triển khai hai dự án điện gió với công suất 418 MW.

Trong khi đó, các siêu dự án điện gió ngoài khơi với nguồn vốn khoảng 10 tỷ USD đang được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế khảo sát tại nhiều địa phương từ Bắc vào Nam. Thực tế này cho thấy đây là một ngành công nghiệp thu hút.

Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn chỉ thăm dò và chờ thời. Một nhà đầu tư cho biết: “Chúng tôi đang chờ KHNL8 được phê duyệt, khi ấy mới có thể tính đến kết quả kinh doanh. Hiện tại, các hoạt động đầu tư liên quan đến năng lượng tái tạo vẫn trong trạng thái “treo”. Với giới kinh doanh mà nói, thiếu đi dự án có thể rót tiền vào không phải là một cảm giác dễ chịu gì.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán