Trang chủ»Khoa học - Công nghệ»Khoa học & Công nghệ Việt Nam

Khoa học & Công nghệ Việt Nam

Phát triển nhân lực ngành khoa học - công nghệ

Nhân lực ngành khoa học - công nghệ nói chung và ngành kỹ thuật số nói riêng ngày một gia tăng. Chuyển đổi số và nền kinh tế kỹ thuật số là một phần tất yếu, không thể tách rời với xã hội thời Cách mạng công nghiệp 4.0.



Nhu cầu nhân lực ngành khoa học - công nghệ ngày càng tăng - Ảnh: en.nhandan.vn

Hiện các kỹ sư và lập trình viên đang được các công ty cật lực săn đón với mức lương thưởng đáng mơ ước. Thực tế này cho thấy ngành khoa học - công nghệ ngày càng hấp dẫn nhưng bên cạnh đó, nhân lực trong các hoạt động nghiên cứu và kinh doanh liên quan vẫn còn khá mỏng. Các tổ chức kinh doanh lớn trong nước cũng mời các chuyên gia người Việt đang công tác tại nước ngoài về đội ngũ của mình với mức lương hứa hẹn không kém cạnh các tập đoàn tư nhân trên khắp thế giới.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội cho biết các hình thức giáo dục và đào tạo tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, chưa bắt kịp nền kinh tế số và nền kinh tế sáng tạo. Vì vậy mà vấn đề đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng viễn thông tại các nước đang phát triển cũng không đủ sức lưu trữ và khai thác dữ liệu phục vụ cho phát triển nền kinh tế số.

Theo thống kê gần đây, Việt Nam có hơn 1.000 tổ chức khoa học và công nghệ trung ương (chiếm 66,1%) và 512 tổ chức khoa học công nghệ địa phương (chiếm 33,9%). Tuy Việt Nam có nhiều tổ chức khoa học - công nghệ, số lượng các tập thể khoa học - công nghệ chuyên nghiệp, có phương pháp làm việc hiệu quả vẫn còn ít ỏi.

Nguồn nhân lực ngành khoa học - công nghệ tuy nhiều nhưng năng lực lại không cao. Yếu kém về chuyên môn và khả năng phát triển không cao có thể bắt nguồn từ nguồn đầu tư hạn chế. Đội ngũ nhân lực, vì thế, tập trung chủ yếu ở các tổ chức cấp trung ương. Còn đối với các tổ chức cấp địa phương, bên cạnh thiếu thốn nhân lực thì nguồn ngân sách, chế độ lương lưởng, và tình hình quản lý vẫn còn là vấn đề lớn cần giải quyết. Hệ thống chính sách chưa hoàn chỉnh, chưa có chiến lược ngắn hạn, trung hạn, dài hạn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội được cho là nguyên do.

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Bắc từ Học viện Chính trị Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiện tại phương pháp ngắn hạn nhằm phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ là chiêu mộ nhân viên và chuyên viên đang học tập và làm việc tại nước ngoài. Vì vậy mà các doanh nghiệp và tổ chức cũng cần đưa ra chế độ lương thưởng hợp lý. Nếu trong điều kiện kinh tế hiện tại mà các doanh nghiệp không có các chính sách thực tiễn về cơ hội và lộ trình thăng tiến rõ ràng để giữ chân nhân tài, chảy máu chất xám là điều không tránh khỏi.

Nhiều chuyên gia cho biết trong dài hạn, hệ thống giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, cần tạo ra được đội ngũ có khả năng thích ứng cao, cơ cấu đào tạo nghề cần tập trung vào hướng ứng ụng các mô hình kinh tế số. Các chương trình đào tạo khoa học - công nghệ cần tập trung xã hội hoá nhiều hơn.

Các thành tựu, khám phá, và những sản phẩm khoa học - công nghệ mới nhất cần được tích hợp vào chương trình giáo dục phổ thông các cấp, tạo điều kiện cho các em tiếp xúc với công nghệ từ sớm. Các cơ sở giáo dục và đào tạo khắp cả nước cần áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả dạy học và trang bị cho người học kiến thức nền tảng nhằm nắm bắt các công nghệ thời trước và quan trọng hơn, theo kịp các tiến bộ về khoa học - kỹ thuật hiện tại. Các cơ sở giáo dục đại học cũng cần phối hợp với các doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh đào tạo và thực hành trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin.

Thế hệ trẻ cũng rất cần được khuyến khích theo đuổi các nghề nghiệp và lĩnh vực liên quan đến khoa học và công nghệ thông qua hỗ trợ về tài chính, học bổng, trợ giúp đào tạo và tìm việc làm. Những điểm nêu bên trên đều là các giải pháp dài hạn hiệu quả được nhiều quốc gia trên thế giới ưu tiên hàng đầu. Một giải pháp khác cũng không kém phần quan trọng là khắc phục các hạn chế về ngân sách Nhà nước nhằm tạo ra môi trường làm việc tốt nhất, điều kiện phát triển thuận lợi nhất cho nhân lực nhóm ngành khoa học - công nghệ.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán