Trang chủ»Khoa học - Công nghệ

Khoa học - Công nghệ

Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (ifrs) và vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo kế toán của các trường đại học

TS Cao Thị Cẩm Vân


Áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (International Financial Reporting Standards - IFRS) là hướng đi đúng để Việt Nam hội nhập hoàn toàn với khuôn khổ pháp lý về kế toán – kiểm toán thế giới, mở ra một thời kỳ mới cho việc ghi nhận và trình bày thông tin trên báo cáo tài chính theo thông lệ quốc tế. Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những bước đi tích cực để sẵn sàng cho việc áp dụng IFRS. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng vẫn còn nhiều thách thức để đưa IFRS vào thực tiễn, trong đó, đáng lo ngại nhất chính là nguồn nhân lực có chất lượng có thể áp dụng IFRS. Bài viết này trên cơ sở đánh giá thực trạng và phân tích những yêu cầu đặt ra cho việc đổi mới công tác đào tạo kế toán, để thực hiện lộ trình đến 2025 áp dụng bắt buộc IFRS cho toàn bộ các doanh nghiệp Việt Nam mà Bộ Tài Chính đã đề ra.

Yêu cầu về trình độ nhân viên kế toán để vận dụng IFRS

Việc lập và trình bày báo cáo tài chính đòi hỏi sự tuân thủ các chuẩn mực kế toán cũng như chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC). Trong khi đó, IFRS được nhìn nhận là rất phức tạp, thậm chí đối với cả chuyên gia về tài chính kế toán và kiểm toán viên, áp dụng chủ yếu cho các công ty đại chúng, đòi hỏi người làm kế toán phải hiểu và vận dụng các nguyên tắc dựa trên khả năng xét đoán hơn là tuân thủ quy tắc kế toán (Đào Mạnh Huy và cộng sự, 2016 ; Nguyễn Thị Ngọc Lan và cộng sự, 2016). Nhân viên kế toán được yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp, tinh thần học hỏi, tiếp thu cái mới, kinh nghiệm làm việc, nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu là những yếu tố góp phần nâng cao khả năng áp dụng IFRS (Nguyễn Cửu Đỉnh và cộng sự, 2016; Nguyễn Thị Ánh Linh, 2019). Việc chuẩn bị tốt công tác đào tạo sẽ giúp doanh nghiệp có được một đội ngũ mạnh có kiến thức IFRS, sẵn sàng cho việc hội tụ IFRS ở Việt Nam cũng như chuyển đổi và lập BCTC theo IFRS tại doanh nghiệp (Hà Xuân Thạch và Nguyễn Ngọc Hiệp, 2018). Như vậy, năng lực đội ngũ kế toán, người sử dụng BCTC và các cơ quan quản lý là những thách thức cho việc áp dụng IFRS.

Yêu cầu đối với công tác đào tạo IFRS:

Katherine (2010) trong một nghiên cứu kinh nghiệm đưa IFRS vào đào tạo tại các trường Đại học Morgan State, tác giả cho rằng cần đưa IFRS vào chương trình đào tạo từ năm đầu tiên giúp cho sinh viên có những kiến thức cơ bản về IFRS làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, ở cấp độ cao sinh viên có thể hiểu biết, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề phức tạp hơn về BCTC. Nghiên cứu này cũng khuyến cáo việc giới thiệu IFRS cho các sinh viên ngành khác thuộc khối ngành kinh tế ở những năm đầu nhằm cung cấp kiến thức cho việc đọc hiểu BCTC của các quốc gia khác trên thế giới. Fay (2008), nghiên cứu việc đưa IFRS vào chương trình đào tạo sinh viên trung cấp tại trường đại học Công nghệ Virginia, theo tác giả sinh viên cần được tiếp cận chuyên môn một cách bài bản ngay từ những năm đầu tiên cho dù có hay không việc áp dụng IFRS sau này, vì đây là kiến thức quan trọng để sinh viên đọc hiểu BCTC các nước. Tác giả nhận định IFRS cần được thiết kế thành một bài giảng riêng biệt và xếp lịch học vào cuối năm thứ nhất vì khi đó sinh viên đã có kiến thức về GAAP để phân biệt giữa GAAP và IFRS.

Mai Ngọc Anh (2016), trong một nghiên cứu về cơ hội và thách thức trong đào tạo IFRS đối với các trường đại học Việt Nam, tác giả nhận định đào tạo theo IFRS là cơ hội tốt cho các trường đại học Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, nhiều vấn đề Việt Nam phải đối mặt như nhận thức về IFRS, hạn chế về nguồn giảng viên, công nghệ và kể cả rào cản về ngôn ngữ. Các đề xuất bao gồm tích hợp IFRS từ 2022 hoặc 2023; dựa trên việc phân khúc thị trường để đưa IFRS vào chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng coi trọng nguyên tắc hơn kỹ thuật hạch toán. Nguyễn Cửu Đỉnh cùng các cộng sự (2016) trong một nghiên cứu kinh nghiệm đưa IFRS vào chương trình đào tạo kế toán của các quốc gia và đề xuất giải pháp đưa IFRS vào chương trình đào tạo đối với các trường đại học Việt Nam. Đàm Bích Hà (2016), trong một bài viết phân tích sự cần thiết áp dụng và đào tạo IFRS tại Việt Nam, tác giả nhận định bối cảnh nền kinh tế trong quá trình hội nhập sâu rộng, sự phát triển thị trường chứng khoán, BCTC theo IFRS là một xu thế tất yếu. Từ đó, tác giả nhận định đào tạo IFRS là cần thiết cho việc chuyển đổi theo lộ trình của Bộ Tài chính ban hành.

Thực trạng đào tạo kế toán tại các trường Đại học

Kế toán Việt Nam đã trải qua chặng đường dài đổi mới theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế, quá trình đó công tác đào tạo kế toán của các trường đại học Việt Nam cũng được nhìn nhận là có sự thay đổi đáng kể. Nhìn chung, phần lớn các trường chú trọng đến đào tạo cả kiến thức kế toán quốc gia và kế toán quốc tế, việc giảng dạy tập trung vào thực hành xử lý tình huống, rèn luyện kỹ năng cho sinh viên. Song song đó, nhiều trường chủ động hội nhập về đào tạo kế toán như liên kết với các trường nước ngoài theo chương trình 2 + 2 hoặc tích hợp một số môn học, hoặc thậm chí toàn bộ các môn học theo yêu cầu của cấp độ chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế vào chương trình đào tạo, tạo cơ hội cho sinh viên tiến gần đến chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế ngay trong thời gian học đại học. Ngoài ra, xu hướng tăng chuẩn đầu ra về ngoại ngữ và chú trọng kỹ năng thông nghệ thông tin thực hành kế toán cũng là những tiêu chí được chú trọng. Mặt khác, áp dụng IFRS được khẳng định trong “Chiến lược phát triển Kế toán – Kiểm toán Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” thể hiện sự đồng thuận và quyết tâm của các cấp quản lý. Điều đó cho thấy, việc đưa IFRS vào chương trình đào tạo sẽ không còn là vấn đề đáng lo ngại đây chính là những yếu tố thuận lợi cho việc đưa IFRS vào chương trình đào tạo tại các trường đại học.

Tuy nhiên, nhận định về những thách thức để đưa IFRS vào đào tạo, nhiều nghiên cứu trước đồng tình rằng mặc dù chương trình đào tạo kế toán Việt Nam trong những năm qua có những cải tiến đáng kể về nội dung lẫn phương pháp giảng dạy, song cơ chế quản lý ràng buộc sự tuân thủ theo Chế độ kế toán, cộng thêm sự tác động từ cơ quan Thuế nên xu hướng chung chương trình tập trung vào việc hướng dẫn hiểu và chấp hành các quy định pháp lý hay nói khác hơn kế toán dựa trên quy tắc. Vì thế, khi phát sinh những tình huống phức tạp mà chưa có quy định cụ thể thì kế toán không biết xử lý thế nào. Hơn thế nữa, chính những quy định khắt khe đã tác động đến công tác giảng dạy người dạy chú trọng đến việc biết vận dụng những quy định để chấp hành, người học phải tuân thủ quy định chặt chẽ, chính điều này không phát huy được khả năng tư duy của người học. (Nguyễn Cửu Đỉnh, 2016).

Chương trình đào tạo kế toán tại các trường đại học hiện nay chủ yếu dựa trên Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và các Chế độ kế toán, mặc dù VAS được xây dựng trên cơ sở tiếp cận với IAS, song VAS vẫn còn khoảng cách nhất định để có thể hòa hợp với IAS (Nguyễn Cửu Đỉnh, 2016).

Thực trạng đào tạo IFRS tại các trường khá manh mún không đồng bộ, phần lớn các trường chưa giảng dạy IFRS cho toàn bộ sinh viên mà chỉ đưa vào các chương trình chất lượng cao hoặc chương trình liên kết còn các sinh viên khác chỉ tiếp cận với IFRS ở mức giới thiệu.

Những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo IFRS của các trường đại học:

Nếu như kế toán dựa trên quy tắc được thực hiện rập khuôn thì kế toán dựa trên nguyên tắc là một đặc điểm phổ biến của IFRS, theo đó, người học phải biết vận dụng các nguyên tắc để xử lý tình huống kế toán, nghĩa là người học phải hiểu biết và có kỹ năng xét đoán nghề nghiệp. Việc tập trung vào nguyên tắc đòi hỏi dạy và học phải chú trọng làm rõ các khái niệm, nắm bắt được các nguyên tắc để vận dụng phù hợp trong thực tế. Đến đây có thể thấy để áp dụng được IFRS công tác đào tạo tại các trường đại học phải được nhìn nhận lại, thay vì chỉ tập trung vào sự tuân thủ các quy định, sinh viên cần thấu hiểu các nguyên tắc, tăng khả năng xét đoán và đánh giá suy luận bản chất của vấn để và tự tìm ra các giải pháp (Nguyễn Ngọc lan và cộng sự, 2016).

IFRS rất phức tạp, nhiều thuật ngữ khó hiểu, các kỹ thuật áp dụng đánh giá khá phức tạp như xác định giá trị thu hồi của tài sản, việc đo lường tài sản vô hình tách biệt,…để tiếp cận đọc hiểu nội dung đòi hỏi người học phải có trình độ ngoại ngữ nhất định. Mặc dù, IFRS đã được chuyển ngữ nhưng không phải dễ dàng để hiểu đặc biệt là những nội dung chuyên sâu.

Nguồn nhân lực giảng viên đủ kiến thức giảng dạy IFRS khá hạn chế, một số giảng viên được cử đi học nước ngoài nay quay về tham gia đào tạo có kiến thức chuyên sâu về IFRS, số này khá hạn chế, còn lại giảng viên trong nước vừa hạn chế về trình độ ngoại ngữ vừa không có cơ hội tiếp cận với IFRS một cách bài bản nên chưa thể giảng dạy IFRS vì thế đây chưa là môn học phổ biến cho tất cả sinh viên.

Giải pháp cho việc đào tạo IFRS tại các trường đại học

Nâng cao nhận thức về lợi ích của IFRS, làm cho người học và cán bộ quản lý tại doanh nghiệp hiểu được IFRS tạo nên sự minh bạch thông tin, giúp nâng cao trách nhiệm giải trình bằng cách giảm bớt lỗ hổng thông tin giữa nội bộ và bên ngoài đơn vị. Áp dụng IFRS, các DN sẽ có thể được hưởng lợi từ hội nhập kinh tế như tiếp cận nguồn vốn, duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển một cách bền vững, việc đào tạo IFRS không còn là sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc nhằm nâng cao năng lực người làm kế toán, tạo tâm lý sẵn sàng để nhập cuộc.

Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tích hợp IFRS vào một số môn học qua việc liên kết đào tạo với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế. Ngoài ra, để nội dung IFRS đến với các đối tượng kế toán, có thể thông qua việc phân bổ thành nhiều môn học theo từng chuẩn mực có sự gắn kết kiến thức với nhau, tổ chức các buổi hội thảo, chuyên đề hoặc các công trình nghiên cứu để làm rõ nội dung.

Có thể thấy, trong một thời gian dài đào tạo kế toán theo Chế độ kế toán, dựa trên quy tắc đã làm cho lớp người kế toán luôn chỉ biết tuân thủ mà thiếu hẳn khả năng tư duy, xét đoán. Do đó, cần thay đổi nhận thức và phương pháp đào tạo theo hướng làm rõ khái niệm, nguyên tắc và các kỹ năng nghề để phát huy khả năng tư duy sáng tạo, người học ở thế chủ động tư khai phá kiến thức mới, biết vận dụng để xử lý các tình huống kế toán. Để thực hiện được điều này nhà trường cần có kế hoạch đào tạo IFRS cho giảng viên thông qua các tổ chức nghề nghiệp quốc tế, khi giảng viên hiểu biết chuyên sâu mới có khả năng chuyển tải kiến thức đến người học.

Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giảng viên và cả sinh viên là một yêu cầu cấp thiết để có thể tiếp cận đầy đủ IFRS. Bên cạnh đó, công tác dịch thuật cần được tổ chức chặt chẽ với những chuyên gia trong ngành giúp hiểu đúng bản chất của các nguyên tắc.

Kết luận

Đào tạo IFRS đặt ra nhiều thách thức đối với các trường đại học và các tổ chức nghề nghiệp, nhưng áp dụng IFRS là xu thế chung của hầu hết các quốc gia trong hội nhập toàn cầu bởi tính ưu việt và những lợi ích mang lại. Để đạt được hiệu quả trong đào tạo cần có sự tham gia đồng bộ từ các cơ quan quản lý, các trường đại học, sự chung tay của các tổ chức nghề nghiệp, sự nỗ lực của từng giảng viên.

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán