Trang chủ»Khoa học - Công nghệ

Khoa học - Công nghệ

Đổi mới đào tạo kế toán trong kỷ nguyên số

Giới thiệu:

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0) đã thực sự lan tỏa đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, với việc ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối,..công nghệ số sẽ cho phép tối ưu hóa quy trình, cách thức hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Để ghi nhận, xử lý, cung cấp thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh, hẳn nhiên kế toán sẽ phải thay đổi căn bản, toàn diện từ các hoạt động, nghiệp vụ chuyên môn đến các phương pháp kế toán theo kịp với sự phát triển khoa học công nghệ. Đánh giá về nguồn nhân lực kế toán Việt Nam hiện nay, nhiều chuyên gia đồng tình rằng có một khoảng cách khá xa giữa yêu cầu của công nghệ số hóa với chất lượng nguồn nhân lực kế toán được cung cấp. Do đó, đổi mới công tác đào tạo kế toán được xem là nhiệm vụ trọng tâm của hầu hết các trường Đại học tại nhiều quốc gia nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Tổng quan về các mạng công nghiệp 4.0

Theo GS. Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, CMCN 4.0 được định nghĩa là “một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị” đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, internet kết nối vạn vật và internet của các dịch vụ. Bản chất của CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất.

Đặc điểm của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0:

Theo Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, (2017) đặc trưng của cuộc CMCN4 là sự hợp nhất công nghệ, làm mờ đi ranh giới giữa các các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học. CMCN4 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các nhà máy thông minh. Với sự phát triển của Internet vạn vật (Internet of Things - IoT), các hệ thống vật lý không gian ảo này tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực, phục vụ con người thông qua mạng Internet dịch vụ.

Các công nghệ chế tạo kỹ thuật số đang từng ngày tương tác với thế giới sinh học, các nhà thiết kế và kiến trúc sư đã kết hợp giữa thiết kế bằng máy tính, chế tạo cộng (additive manufacturing), kỹ thuật vật liệu và sinh học tổng hợp cho các hệ thống tiên phong có liên quan đến sự tương tác giữa các vi sinh vật, cơ thể người.

Trong thời đại kỹ thuật số, việc áp dụng thành công lĩnh vực khoa học robot, Internet vạn vật, dữ liệu lớn (Big data), điện thoại di động và công nghệ in 3D (3D printing) sẽ thúc đẩy năng suất lao động toàn cầu. CMCN4.0 còn dẫn tới những thay đổi trong khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị sản xuất, áp dụng công nghệ nhúng, công nghệ phái sinh để sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng mới.

Cơ hội và thách thức đối với nguồn nhân lực kế toán trong kỷ nguyên số

Cơ hội cho nguồn nhân lực:

Công việc kế toán được cải thiện năng suất, hiệu quả:

Trong một nghiên cứu của John và cộng sự (2012), khi ứng dụng công nghệ cao vào quản lý máy móc thiết bị sẽ giảm tải công việc của kế toán viên trong việc theo dõi giám sát hoạt động sản xuất. Faye (2013) cho rằng công nghệ có thể xử lý những nghiệp vụ phức tạp của kế toán. Bên cạnh đó, theo PGS TS Đặng Văn Thanh (2018), việc sử dụng chứng từ điện tử thay cho kiểm tra trên hồ sơ giấy sẽ đơn giản hơn cho kế toán trong việc phân loại chứng từ, ghi sổ kế toán hay xử lý từng nghiệp vụ riêng lẻ tiết kiệm đáng kể chi phí quản lý cho doanh nghiệp,.

Đơn giản hóa các thủ tục thanh toán và quyết toán thuế cho kế toán:

Nhiều chuyên gia đồng tình rằng mọi phương thức thanh toán, huy động vốn, thủ tục thanh quyết toán sẽ được thực hiện thông qua ứng dụng các công nghệ cao, phân phối liền mạch hay phân tích thông minh sẽ là những ứng dụng phổ biến trong hoạt động phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính, báo cáo thuế. Do đó, thay vì phải thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán rườm rà kế toán sẽ chỉ cần thao tác trên máy là có thể thực hiện được.

Giảm tải cho kế toán trong lưu trữ, bảo quản hồ sơ:

Công nghệ Blockchain được xem như một sổ cái phân quyền, có khả năng ghi chép lại và xác minh các giao dịch, hồ sơ kế toán được lưu trữ trên nền dữ liệu lớn, sẽ không thể chỉnh sửa hay thay đổi một khi đã được lưu vào Blockchain.

Thách thức cho nguồn nhân lực kế toán

Hạn chế về trình độ ứng dụng công nghệ thông tin:

Khi toàn bộ các dữ liệu kế toán trở thành thông tin điện tử, kế toán viên phải am hiểu và có kỹ năng về CNTT để xử lý các nghiệp vụ kế toán trong điều kiện tin học hóa. Song song đó, một yêu cầu không thể thiếu đối với kế toán đó là kiến thức về bảo mật thông tin, theo ông Phạm Sỹ Danh - Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), cùng với sự phát triển ngày càng nhanh của công nghệ số và xu hướng điện toán đám mây, những lỗ hổng bảo mật cũng sẽ tăng theo đòi hỏi kế toán phải được trang bị những kiến thức về an toàn, bảo mật thông tin.

Vai trò kế toán sẽ phải được nhìn nhận lại:

Trong báo cáo gần đây nhất của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) (2014), thừa nhận rằng Big Data sẽ tác động đến vai trò tương lai của kế toán, theo đó, kế toán có thể tham gia với vai trò là người phân tích dữ liệu theo nhiều cách khác nhau như: sử dụng mô hình dự đoán và các nguồn dữ liệu khác để cải thiện nguồn lực và dự báo, sử dụng phân tích ngoại lệ để cải thiện kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro hơn là ghi nhận nghiệp vụ phát sinh.

Kế toán phải phát triển khả năng tư duy theo kịp với sự thay đổi nhanh của khoa học công nghệ (KHCN)

Công nghệ Blockchain sẽ loại bỏ một số nghiệp vụ, nhưng đồng thời cũng tạo ra những công việc mới, hoặc nghiệp vụ mới, đòi hỏi kế toán viên không chỉ nắm rõ lý thuyết, thành thạo thực hành, am hiểu công nghệ mà còn phải nắm bắt được các xu thế, hình dung được các quy trình kế toán mới trong quá trình làm việc.

Yêu cầu cho việc đổi mới công tác đào tạo kế toán

Theo Hellen (2016), CMCN 4.0 đặt ra nhiều vấn đề cho giáo dục đào tạo nhân lực kế toán, bởi vì khi công cụ kỹ thuật số thay thế công việc thủ công, các mô hình mới, phương thức sản xuất và phương pháp quản lý mới áp dụng cho kinh doanh, tài trợ và thanh toán sẽ được triển khai, kéo theo hệ thống quản lý, kiểm soát và cung cấp thông tin cũng phải được thay đổi do đó kế toán cần được trang bị những kỹ năng mới về công nghệ thông tin (CNTT), phân tích, xử lý dữ liệu. Gary và cộng sự (2016), cho rằng kế toán phải đối mặt với dòng dữ liệu tài chính theo thời gian thực, vì thế cần được trang bị trình độ chuyên môn về kỹ thuật số để thích ứng với yêu cầu mới này.

Đổi mới tư duy trong đào tạo nguồn nhân lực kế toán:

Chương trình đào tạo phải theo hướng tiếp cận với chương trình đào tạo của khu vực và thế giới, đào tạo phải gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp. Cần thiết tạo nên sự kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp cho người học rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, đây cũng chính là cơ hội để đơn vị đào tạo có cơ sở điều chỉnh chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo khi cần thiết.

Phương pháp giảng dạy cũng phải được thay đổi theo hướng rèn luyện khả năng tự học, tự tìm hiểu cập nhật kiến thức mới như đào tạo qua hệ thống E- learning, phương pháp dự án PBL, thực hành mô phỏng,..tăng cường giảng dạy các kỹ năng như kỹ năng tư duy, phân tích và xử lý thông tin, đây là những kỹ năng quan trọng trang bị cho người học khả năng làm việc trong môi trường ứng dụng công nghệ cao.

Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên vừa có năng lực chuyên môn sâu vừa có phẩm chất đạo đức và kinh nghiệm trong thực tiễn. Giảng viên cũng phải chủ động trong việc cập nhật các kiến thức chuyên môn thông qua các tổ chức nghề nghiệp như ACCA, chương trình đào tạo kế toán quản trị Hoa Kỳ, CIA… và cập nhật các phương pháp giảng dạy tiên tiến.

Tăng cường đào tạo công nghệ thông tin cho kế toàn

Nhiều chuyên gia dự báo rằng từ 3 đến 10 năm tới, các phần mềm và hệ thống công nghệ thông minh sẽ thay thế công việc thủ công, tự động hóa các quy trình phức tạp và đa diện. Mô hình nhà máy thông minh ra đời, mọi quy trình hoạt động được thực hiện qua máy tính và được theo dõi bằng một ứng dụng phần mềm tiên tiến, làm thay đổi mọi mặt của hoạt động kế toán trong quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, đánh giá kết quả.

Kế toán viên tương lai cần được trang bị kiến thức, kỹ năng về bảo mật thông tin để có thể làm chủ thiết bị, cần nâng cao nhận thức cho kế toán về an ninh mạng, thường xuyên tham gia các khóa đào tạo về bảo mật dữ liệu.

Do đó, kế toán cần được trang bị kiến thức khám phá cách để quản lý dữ liệu, có khả năng hiểu ngôn ngữ của hệ thống và an toàn thông tin.

Nâng cao năng lực và nhận thức của kế toán:

Pandula (2016), cho rằng vai trò của kế toán sẽ thay đổi từ báo cáo và tuân thủ sang tư vấn kinh doanh cho tương lai, kế toán sẽ dành nhiều thời gian hơn để tăng giá trị cho doanh nghiệp. Theo đó, Big Data sẽ tác động đến vai trò tương lai của kế toán, kế toán có thể tham gia với vai trò là người phân tích dữ liệu theo nhiều cách khác nhau như: sử dụng mô hình dự đoán và các nguồn dữ liệu khác để cải thiện nguồn lực và dự báo. Do đó cần thiết nhìn nhận lại vai trò kế toán. Nghiên cứu của Murray (2018) cho thấy, kế toán viên ngày nay cần phải có khả năng “tạo ra giá trị kinh doanh từ số liệu”. Kế toán phải có trình độ chuyên môn cao, nắm bắt được các xu thế, hình dung được các quy trình kế toán mới trong quá trình làm việc.

Một số kiến nghị:

Chương trình đào tạo ngành kế toán nên xây dựng theo mục tiêu đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp như: chuyên viên kế toán phải giỏi ngoại ngữ, sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các phần mềm tin học trong đó có phần mềm kế toán, có kỹ năng phân tích tài chính, sử dụng các phần mềm bảo mật thông tin...

Tăng cường hợp tác với tổ chức ACCA, CPA Úc, CIMA để kế toán viên Việt Nam có chứng chỉ hành nghề quốc tế, chương trình đào tạo cần đưa môn học An ninh mạng, bảo mật thông tin kế toán vào giảng dạy. Tăng cường giảng dạy ngoại ngữ và ngoại ngữ chuyên ngành để sinh viên có thể chuyển đổi sang bằng cấp quốc tế dễ dàng hơn, đồng thời tăng cường đào tạo các kỹ năng mềm cho sinh viên.

Giảng viên phải có đủ năng lực để tham gia vào công cuộc đổi mới chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kế toán. Giảng viên vừa nâng cao năng lực giảng dạy, năng lực nghiên cứu khoa học và năng lực chuyên ngành.Thường xuyên cập nhật các luật, các chuẩn mực kế toán mới được ban hành để giảng dạy cho sinh viên. Áp dung các phương pháp giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm và gắn liền với những vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp.

TS CAO THỊ CẨM VÂN – ĐẠI HỌC QUỐC TẾ SÀI GÒN

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán