Trang chủ»Khoa học - Công nghệ

Khoa học - Công nghệ

Giáo dục đại học hà lan - bài học kinh nghiệm cho giáo dục việt nam

Trương Á Bình

Hà Lan nổi tiếng với nền giáo dục hiện tại, tiên tiến, đứng hàng top đầu thế giới. Năm 2020, Hà Lan có 12 đại học nghiên cứu nằm trong Top 200 các trường đại học chất lượng hàng đầu của thế giới do tổ chức uy tín Time Higher Education (THE) đánh giá dựa trên bộ tiêu chuẩn gồm 13 tiêu chí. Đại học công nghệ Delft đứng hạng 1 Hà Lan, hạng 58 thế giới, tăng 5 bậc so với kết quả xếp hạng của năm 2019; các vị trí tiếp theo thuộc về đại học Wageningen hạng 59, đại học Amsterdam hạng 62; cuối cùng là đại học Twente hạng 184. Thành tích này đưa Hà Lan đứng vị trí thứ 3 hệ thống các trường đại học danh giá trên thế giới (Đặng T. Nguyên và Văn T. Nguyên, 2020)

Bảng xếp hạng các đại học Hà Lan thuộc top 200 theo THE (2020)

Năm 2021, Bộ Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Hà Lan công bố khảo sát cho thấy, hơn 78% trong số 137.00 sinh viên đại học và 66% trong 195.000 học viên cao học bày tỏ hài lòng với hệ thống giáo dục đại học quốc gia (giaoducthoidai.vn).

Để làm được điều này thì hệ thống giáo dục đại học Hà Lan có những điểm nổi bật sau:

1. Hệ thống giáo dục đại học phân chia theo hướng nhị phân, xác định rõ định hướng nghề nghiệp

Theo nghiên cứu của Đặng T. Nguyên và Văn T. Nguyên (2020), một đặc điểm nổi bật của giáo dục trình độ đại học ở Hà Lan là việc tách biệt rõ ràng giữa đại học nghiên cứu và đại học ứng dụng, giúp sinh viên định hướng sớm hướng đi nghề nghiệp của mình sau này. Ngoài ra, một điểm cộng rất lớn nữa cho hệ thống giáo dục ở đây chính là các sinh viên có thể thay đổi định hướng của mình ở bậc trung học hay thậm chí đại học ngay cả khi đã chọn hướng đi cho riêng mình trước đó. Cụ thể hơn là, nếu sinh viên hoàn thành xong năm thứ nhất đại học ứng dụng, sinh viên có thể xin qua các trường nghiên cứu hoặc nếu sinh viên tốt nghiệp trung học với tấm bằng VWO, sinh viên hoàn toàn có thể học thẳng lên năm 2 các trường ứng dụng nếu không muốn tiếp tục học nghiên cứu. Sự chuyển đổi cũng tương tự đối với bậc trung học, nếu sinh viên đang cầm tấm bằng trung học HAVO trong tay thì có thể chuyển qua học thêm 1 năm dự bị đại học nếu muốn chuyển qua hướng nghiên cứu và nhiều con đường chuyển đổi khác cho sinh viên.

2. Phương pháp giảng dạy hiện đại

Tương tự như các quốc gia có nền giáo dục phát triển trên thế giới, các đại học Hà Lan chọn phương pháp giảng dạy lấy sinh viên làm trung tâm, theo đó các giáo sư, giảng viên sẽ lắng nghe, sinh viên có quyền tự do trình bày ý kiến và sáng tạo trong việc áp dụng kiến thức mới lĩnh hội được. Tôn trọng ý kiến và sức thuyết phục của từng cá nhân là một đức tính tốt của quốc gia này. Phần lớn chương trình học được dành cho các bài viết tiểu luận, làm việc theo nhóm để phân tích và giải quyết những vấn đề cụ thể, đòi hỏi sinh viên phải có kinh nghiệm làm việc thực tiễn qua thực tập và thực hành thí nghiệm. Phương pháp giáo dục Hà Lan chú trọng khả năng tự học và làm việc nhóm. Sinh viên vừa có thể trau dồi kiến thức chung, vừa trang bị được các kỹ năng mềm. Các đại học ứng dụng tại Hà Lan không tập trung nhiều về lý thuyết mà đẩy mạnh tính ứng dụng thực tiễn, chú trọng thực hành trong tình huống thật hoặc ứng dụng vào mô hình của nơi làm việc. Vì vậy, sinh viên sau khi tốt nghiệp được trang bị đầy đủ kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp, cùng với những trải nghiệm thực tế trong quá trình học giúp họ rút ngắn được thời gian làm quen, hòa nhập nhanh với môi trường làm việc quốc tế. Ngược lại, các đại học nghiên cứu tại Hà Lan lại trang bị cho sinh viên cơ sở lý thuyết vững vàng, nâng lực nghiên cứu tốt và tư duy sáng tạo, độc lập. Vì vậy, các đại học nghiên cứu Hà Lan rất mạnh về các công bố khoa học, theo kết quả thống kê từ trang Scimago 2019 thì Hà Lan có 64.539 bài báo ISI và đứng thứ 16 thế giới về số lượng các bài báo ISI (Đặng T. Nguyên và Văn T. Nguyên, 2020).

3. Hệ thống đánh giá, kiểm định giáo dục rất phát triển

Hà Lan có hệ thống đánh giá, kiểm định giáo dục rất phát triển được thực hiện từ 2002. Việc giám sát chất lượng của các chương trình hiện có, kiểm định chất lượng của các chương trình mới giúp nền giáo dục đào tạo của Hà Lan không ngừng được nâng cao chất lượng. Thành viên các Ủy ban kiểm định đến từ quản lý nhà nước và các chuyên gia độc lập nên sự kiểm định là nghiêm túc. Hệ thống kiểm định này tương tác chặt chẽ với Hệ thống kiểm định của Châu Âu nên chất lượng và sự công nhận được quốc tế hóa (Nuffic, 2015).

4. Học phí và hỗ trợ từ Chính phủ

Cũng theo Đặng T. Nguyên và Văn T. Nguyên (2020), mỗi năm, Hà Lan chi khoảng 5% của GDP cho nền giáo dục quốc gia. Giáo dục tiểu học và trung học là miễn phí, các trường yêu cầu phụ huynh chỉ cần đóng góp tự nguyện để chi trả cho các hoạt động ngoài chương trình học thông thường. Dù đại học ở Hà Lan không miễn phí, tuy nhiên cũng được trợ cấp phần nào bởi chính phủ Hà Lan giúp sinh viên trong nước có giá cả học tập phù hợp.

Hỗ trợ của chính phủ Hà Lan cho giáo dục và sinh viên Hà Lan (2010-2017)

Đối với sinh viên nước ngoài đến từ các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu hoặc Khu vực Kinh tế Châu Âu, chính phủ thường đài thọ chi phí học tập. Tuy nhiên, có một khoản học phí theo luật định khoảng € 2,006 (£ 1,784) mỗi năm (số liệu 2017/18), do chính phủ quy định. Sinh viên đến từ các quốc gia bên ngoài EU hoặc EEA có thể bị tính phí gấp đôi hoặc đôi khi gấp ba số tiền. Bằng cử nhân ở Hà Lan kéo dài bốn năm, vì vậy sinh viên EU/EEA nên ước tính chi tiêu tổng cộng € 8.024 (7.138 bảng Anh) cho học phí đại học, trong khi sinh viên không thuộc EU/EEA nên ước tính chi tối đa € 24.000 (21.349 bảng Anh).

Hỗ trợ của chính phủ Hà Lan cho giáo dục đại học so với các quốc gia khác trong khu vực EU (2004-2016)

Hiện nay Hà Lan là một trong những quốc gia tài trợ nhiều nhất cho bậc đại học ở Châu Âu. Năm 2016, chi tiêu trung bình cho giáo dục đại học trong tỉ lệ GDP chiếm 0,95% trong khu vực khối quốc gia Châu Âu. Với 1.8% GDP dành cho giáo dục đại học vào năm 2016, Hà Lan là một trong những quốc gia dẫn đầu trong việc đầu tư cho giáodục đại học

5. Cơ sở vật chất hiện đại

Các trường đại học ở Hà Lan đều được toạ lạc trên các khuôn viên xanh sạch và đẹp được thiết kế hiện đại với cơ sở vật chất trang bị đầy đủ như: Phòng thí nghiệm và thư viện, trung tâm thể thao, trung tâm tin học, nhà hàng cũng có sẵn trong khuôn viên của trường. Môi trường sống ở các khu học xá đều yên bình, thân thiện và luôn cởi mở với các sinh viên đến từ quốc gia khác. Các trang thiết bị đặc biệt ở các trường đại học ứng dụng hiện đại bậc nhất và luôn được cập nhật theo từng thay đổi của xu thế của thế giới. Ngoài ra, theo megastudy.edu.vn, các trường đại học ở Hà Lan còn có các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ & tinh thần cho sinh viên như:

• Bác sĩ sinh viên: Các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề sức khỏe của sinh viên và kiến thức về bối cảnh của trường.

• Văn phòng tư vấn tâm lý: Sinh viên học tại trường gặp vấn đề về tâm lý có thể nhận được sự giúp đỡ từ Văn phòng Nhà tâm lý sinh viên.

Trên đây là những điểm nổi bật từ nền giáo dục của Hà Lan. Xét về mặt hạn chế, Hà Lan đang phải đối mặt với Áp lực từ sinh viên quốc tế và già hoá dân số. Số liệu về tình hình già hoá dân số cho thấy khoảng một nửa dân số Hà Lan trên 50 tuổi vào năm 2019. Trong khi đó, dân số trên 60 tuổi của nước này dự kiến sẽ tăng từ 25% vào năm 2017 lên gần 34% vào 2050, dẫn đến việc sinh viên Hà Lan giảm sút và số lượng sinh viên quốc tế tăng lên. Vào năm 2018, sinh viên quốc tế chiếm phần lớn lực lượng sinh viên trong 210 chương trình đại học và chiếm không dưới 75% tổng số sinh viên trong 70 chương trình này. Nhu cầu quốc tế trong các ngành như khoa học máy tính hoặc kỹ thuật đã trở nên quá sức đến mức Đại học Công nghệ Delft gần đây đã phải ban hành lệnh cấm tuyển sinh đối với các công dân không thuộc EU. Sự gia tăng về số lượng sinh viên quốc tế có thể trở nên quá sức với một số ngành tại các trường đại học (Đặng T. Nguyên và Văn T. Nguyên, 2020).

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam được đúc kết từ những điểm nổi bật và hạn chế trong giáo dục đại học Hà Lan. Tuy nhiên, như đã trình bày giáo dục đại học Hà Lan hiện chỉ có một hạn chế đó là tình hình già hoá dân số và số lượng sinh viên quốc tế ngày càng nhiều, gây nên áp lực lớn cho các trường đại học. Trong khi đó, tại Việt Nam tình hình già hoá dân số trong những năm gần đây có xu hướng tăng nhưng dân số của Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” (Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, 2020). Do đó, những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam dưới đây chủ yếu được đúc kết từ những ưu điểm trong giáo dục đại học Hà Lan.

1. Định hướng rõ ràng ngay từ đầu 2 hệ thống đào tạo “Khoa học nghiên cứu” và “Khoa học ứng dụng” của bậc Đại học

Tuy có vẻ phức tạp vì tính đa dạng, nhưng nói chung, hệ thống giáo dục đại học của Hà Lan chia ra rất rõ là đại học định hướng khoa học nghiên cứu và đại học định hướng khoa học ứng dụng. Các Trường Cao đẳng và Đại học nghề tập trung đào tạo chuyên sâu về nghề nghiệp để cung ứng nhân lực trình độ cao cho nhu cầu phát triển của đất nước, mà nhu cầu đó được định hướng rất rõ từ quản lý nhà nước, ví dụ như tập trung vào nông nghiệp, y tế, kinh tế, nghệ thuật… Các trường này có một mối liên hệ rất hữu cơ từ cấp thấp trung cấp nghề lên cao đẳng nghề và đại học nghề với quy chuẩn rõ ràng đầu vào. Các Trường đào tạo nghiên cứu khoa học thì sẽ theo định hướng đầu vào khác và có các Viện trong Trường để đào tạo lên Tiến sĩ hay hậu Tiến sĩ, chuyên về nghiên cứu khoa học. Điều này giúp cho hiệu quả của các nghiên cứu khoa học có chất lượng và Tiến sĩ là để nghiên cứu khoa học chứ không phải để tiến thân.

Việt Nam chúng ta tuy giáo dục đại học cũng đa dạng và cũng có khối trường nghiên cứu khoa học và khối trường đào tạo ứng dụng. Tuy nhiên sự phân tách là không rõ ràng và vai trò nhiệm vụ của các trường này cũng không rõ ràng giữa 2 định hướng. Đồng thời hệ thống Trung cấp và Cao đẳng nghề nằm ngoài hệ thống giáo dục đại học, cũng như không có chính sách quy định mối liên hệ gắn kết hữu cơ giữa các cấp học định hướng nghề nghiệp như trên.

2. Đổi mới nội dung, chương trình học, phương pháp giảng dạy

Chúng ta cũng nên đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy. Các trường đại học ứng dụng cần tập trung đào tạo những thứ mà người học sẽ sử dụng trong công việc và cuộc sống như: Kỹ năng tư duy, kỹ năng sử dụng đa ngôn ngữ, kỹ năng tự học, kỹ năng phát hiện dấu hiệu của một vấn đề, kỹ năng thích nghi với sự thay đổi… Về phương pháp giảng dạy, tăng cường đổi mới phương pháp theo hướng tích cực, lấy sinh viên làm trung tâm, học luôn đi đôi với hành, hướng cho sinh viên sự độc lập, sự tự tin và làm chủ việc học tập của bản thân.

Ngoài ra để đảm chất lượng đầu ra của chương trình học thì cần tăng cường quy định rõ ràng tiêu chuẩn đầu vào của từng cấp học, năm học. Ở Hà Lan, những quy định này là rất nghiêm khắc và nếu không đạt sẽ không được phép tiếp tục học, không chỉ ở Trướng đó mà cũng không thể bảo lưu chuyển sang trường khác. Việt Nam cũng có đưa ra những quy định về lên lớp, chuẩn đầu vào của các cấp đào tạo Đại học, Thạc sĩ hay Tiến sĩ nhưng quy định là chưa chặt chẽ và sự tuân thủ còn lỏng lẻo nên dẫn đến nhiều kẻ hở cho việc chạy bằng cấp, mua bằng cấp, hay học giúp…

3. Nâng cao hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục, bao gồm đánh giá và tự đánh giá với nhiều tiêu chí, nhiều ủy ban

Tại Hà Lan, hành viên các Ủy ban đến từ quản lý nhà nước và các chuyên gia độc lập nên sự kiểm định là nghiêm túc và hệ thống kiểm định này tương tác chặt chẽ với Hệ thống kiểm định của Châu Âu nên chất lượng và sự công nhận được quốc tế hóa. Bên cạnh đó, Hà Lan cũng ký hiệp ước công nhận bằng cấp lẫn nhau với các quốc gia có chất lượng giáo dục đại học cao nên uy tín đầu ra của giáo dục đại học càng cao.

Việt Nam chúng ta nên có những Ủy ban kiểm định giáo dục đại học độc lập, thậm chí có thể thuê tổ chức trong khu vực. Đồng thời nên tiến hành Hiệp ước công nhận lẫn nhau, ít nhất là trong khu vực ASEAN.

4. Học phí và sự tài trợ của chính phủ đối với cấp bậc Đại học

Ông Lê Quân, Giám đốc ĐHQG Hà Nội, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, cho rằng quy định về miễn giảm học phí, học bổng cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và chính sách tín dụng vay học tập, trích học phí lập quỹ học bổng nước ta vẫn đang thiếu hành lang pháp lý. Hiện Chính phủ mới tập trung xây dựng mức sàn học phí mới mà chưa chú trọng sửa chính sách về miễn giảm học phí, học bổng, vay vốn (tuoitre.vn, 2020). Như vậy, học phí đại học đang tăng nhanh nhưng cơ hội theo học các trường chất lượng cho sinh viên nghèo có học lực khá, giỏi bị thu hẹp, cánh cửa đại học còn hạn chế với nhiều gia đình thu nhập thấp, cơ hội của thanh niên được tiếp cận kiến thức, tri thức để từ đó có thể trở thành nguồn nhân lực cho đất nước cũng bị hạn chế.

5. Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất

Đi đôi với sự phát triển đổi mới về chương trình, về thang điểm đánh giá sinh viên, giáo viên, thì các cơ sở giáo dục Đại Học của Việt Nam cũng cần được nâng cấp về cơ sở vật chất. Đặc biệt là đối với các chuyên ngành khoa học ứng dụng, nhà trường cần được đầu tư về phòng thí nghiệm, máy móc. Hiện nay, ĐH Bách Khoa HCM đang là một trong những trường Đại học hàng đầu của Việt Nam giảng dạy các chuyên ngành kỹ thuật (Ví dụ: Thực phẩm, kỹ thuật hóa, điện, điện tử) nhưng máy móc cũng hạn chế và cũ nên không thể thực hiện những thí nghiệm, nghiên cứu mới cập nhật trên thế giới (Ví dụ: Như muốn làm thí nghiệm đo quang phổ gạo thì trường không có máy đo quang phổ hấp phụ cận hồng ngoại, hoặc những thí nghiệm nghiên cứu có nhiều phương pháp giải quyết hiện đại nhưng máy của trường không đủ khả năng nên phải làm phương pháp thủ công hơn.) Một vấn đề khác của cơ sở vật chất là đầu tư thư viện đại học để sinh viên có thể tiếp cận. Hiện tại sinh viên Việt Nam chủ yếu đang sử dụng nguồn sách online, sách in lậu do không có điều kiện tiếp cận sách chính thống. Phần lớn lý do là nguồn sách ngoại văn, sách chính thống không được nhập về Việt Nam phổ biến rộng rãi trừ các thành phố lớn. Hơn nữa, chi phí để mua sách ngoại văn cũng cao nên các cá nhân sinh viên khó có thể tự trang bị cho bản thân. Việt Nam đã tham gia công ước Berne, công ước bảo hộ quyền tác giả, kể từ ngày 26 tháng 10 năm 2004. Tuy nhiên việc thực thi công ước này đến nay vẫn còn quá nhiều bất cập gây bức xúc cho rất nhiều người.

Cuối cùng, xây dựng các phòng tham vấn tâm lý hoặc chăm sóc sức khoẻ để hỗ trợ sinh viên về các vấn đề tâm lý hay sức khoẻ trong suốt quá trình học. Bên cạnh cung cấp cơ sở vật chất thì cung cấp các nền tảng vững chắc về tinh thần cũng giúp các em vững tin và có thêm nhiều kỹ năng mềm hoàn thành tốt chương trình học và củng cố hành trang trên con đường nghề nghiệp sau này.

Như vậy, thông qua quá trình tìm hiểu, giáo dục đại học Hà Lan hiện lên với 5 điểm nổi bật như sau: (1) Hệ thống giáo dục đại học phân chia theo hướng nhị phân, xác định rõ định hướng nghề nghiệp,
(2) Phương pháp giảng dạy hiện đại,
(3) Hệ thống đánh giá, kiểm định giáo dục rất phát triển,
(4) Học phí và hỗ trợ từ Chính Phủ,
(5) Cơ sở vật chất hiện đại và tồn tại một điểm hạn chế đó là tình hình già hoá dân số và áp lực sinh viên quốc tế. Rõ ràng, để trở thành Top 3 các nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới (Theo Time Higher Education), Hà Lan đã trải qua quá trình nghiên cứu, điều chỉnh cũng như tiếp thu để xây dựng nền giáo dục phù hợp, tiên tiến, đạt chất lượng cao. Dù hiện nay giáo dục đại học Hà Lan vẫn còn hạn chế nhưng Hà Lan vẫn đang nỗ lực để giải quyết vấn đề này và hằng năm vẫn mở cửa chào đón các sinh viên quốc tế tiềm năng. Việt Nam chúng ta cũng đang trên hành trình học hỏi nền giáo dục các nước để hoàn thiện hệ thống giáo dục nước nhà, trong đó hệ thống giáo dục nhị phân phân chia hướng hiện đại và nghiên cứu đang được Việt Nam học hỏi và áp dụng. Tóm lại, Hà Lan là một quốc gia có nhiều điểm nổi bật để nước ta học hỏi và phát triển, tất nhiên việc học hỏi nào cũng cần thời gian áp dụng và quá trình điều chỉnh cho phù hợp với nền văn hoá, đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Hy vọng, trong tương lai gần nền giáo dục đại học nước ta cũng có nhiều thay đổi tích cực, nâng tầm vị thế giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế.

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán