Trang chủ»Khoa học - Công nghệ

Khoa học - Công nghệ

Kỹ sư Việt Nam đăng ký bằng sáng chế tại Mỹ

Tập đoàn Viettel đặt ra chiến thuật vươn ra sân chơi công nghệ cao thế giới, tạo tiền đề cho các kỹ sư của mình đăng ký thành công 4 bằng sáng chế được bảo vệ sở hữu trí tuệ tại Mỹ.

Nguyễn Trung Tiến hiện là một trong những kỹ sư trẻ tài năng làm việc tại Trung tâm Nguyên cứu Thiết bị Vô tuyến Băng rộng thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT).

Đối với anh, một kỹ sư truyền thông không chỉ có nhiệm vụ vận hành và bảo dưỡng các thiết bị, mà còn phải tham gia vào các dự án trọng yếu nhằm đưa tên tuổi Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới.

Nhiệm vụ Tiến và nhóm của anh hiện đang đảm nhận là tối ưu hoá các sản phẩm trạm thu phát eNodeB 4G do Viettel sản xuất, sao cho chất lượng các trạm sánh ngang với thành phẩm của các tập đoàn lớn như Ericsson, Nokia, Huawei, …



Nghiên cứu của các kỹ sư VHT đã góp phần không nhỏ vào việc sản xuất thành công của những sản phẩm Make in Vietnam - Ảnh: vietnamnet.vn

Đối với các hệ thống truyền thông, trong đó có eNodeB, công suất bộ thu rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng toàn bộ hệ thống. Các nhà sản xuất lớn kể trên đã đưa ra và áp dụng nhiều phương án điều khiển công suất.

Tuy nhiên, mạng 4G LTE do sử dụng phổ tần rộng trong một tế bào mạng, rất dễ xảy ra tình trạng nhiễu giữa các thiết bị thành phần. Thông thường mọi thiết bị trong một hệ thống được khởi lập với công suất ban đầu giống nhau dù địa hình và môi trường khác nhau. Do đó, khả năng điều khiển không đáp ứng kịp, dẫn đến mức độ nhiễu cao và tín hiệu thu yếu.

Trong khi đó, hệ thống do nhóm của anh Tiến phát triển lại có thể hiệu chỉnh và điều khiển công suất bộ thu, tối ưu hoá mọi phương tiện thu phát khác nhau, khắc phục nhược điểm các công nghệ đời trước. Đây chính là phương án giải được bài toán tối ưu hoá, đưa VHT trở thành một trong những “đại lý lớn” có khả năng tự tối ưu hoá mạng lưới do thiết bị chính công ty mình tạo ra.

Dấu ấn công nghệ Việt Nam trên trường thế giới



Nguyễn Trung Tiến cùng đồng nghiệp - Ảnh: vietnamnet.vn

Anh Tiến cho biết những trải nghiệm đáng nhớ nhất đối với anh là những lần thất bại chứ không phải những lúc thành công.

Có lần thành phẩm của nhóm anh thể hiện hiệu quả rõ rệt trong những buổi mô phỏng, nhưng lại không đạt được kỳ vọng trong những lần triển khai thực tế.

Anh Tiến cho biết: “Chúng tôi phải giải quyết các vấn đề trong vòng một tháng, nếu không toàn bộ dự án sẽ bị huỷ bỏ. Nhóm đã thức nhiều đêm đi xây dựng các mô hình mô phỏng và tính toán lại các thông số. May là những nỗ lực ấy cuối cùng cũng được đền đáp.”



Việt Nam là một trong 6 quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển thành công sản phẩm 5G - Ảnh: vietnamnet.vn

Mất 8 lần chỉnh sửa hồ sơ cùng 2 năm thử nghiệm, nhóm của anh Tiến mới được cấp bằng sáng chế. Theo anh, một sáng chế không chỉ dừng lại ở bước ứng dụng và triển khai, mà còn phải tính đến lúc sản phẩm đến với khách hàng, nhận được phản hồi tốt, và thể hiện được hiệu quả trong kinh doanh.

Anh Tiến cùng đồng nghiệp vẫn đau đáu ước mơ đưa các sản phẩm “Make in Vietnam” ra thị trường quốc tế. Tuy tham gia cuộc đua công nghệ muộn hơn, Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng bắt kịp với bạn bè năm châu, thậm chí còn có thể vượt lên phía trước với những sáng chế chưa ai từng tạo ra.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán