Trang chủ»Khoa học - Công nghệ

Khoa học - Công nghệ

Nhiều loài thực vật mới được tìm thấy tại Lâm Đồng

Bốn loài thực vật chi Trà my, tức Camellia (các loài thực vật nở hoa thuộc họ Chè, hay Theaceae), và chi Thu hải đường, tức Begonia (các loài thực vật nở hoa thuộc họ Thu hải đường, hay Begoniaceae), vừa mới được tìm thấy tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng.



Trà my Bidoup (Camellia Bidoupensis) - Ảnh: Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà

Tiến sĩ Lê Văn Hương, giám đốc vườn quốc gia, cho biết bốn loài thực vật mới được phát hiện - gồm trà my hoa tí hon (Camellia Flosculora), trà my Bidoup (Camellia Bidoupensis), thu hải đường Hòn Giao (Begonia Hongiaoensis), và thu hải đường Lâm Đồng (Begonia Lamdongiana) - được công bố trên tạp chí thực vật học Phytotaxa, tạp chí thực vật học bình duyệt Brittonia, cũng như Hội Trà my Quốc tế.

Ông Hương cho biết bốn loài thực vật mới được tìm thấy trong chuyến thực địa của nhân viên vườn quốc gia cùng các nhà khoa học từ Viện Sinh thái học Miền Nam, Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia), và Trung tâm Bảo tồn Thực vật Tiến sĩ Cecilia Koo (KBCC), một tổ chức phi chính phủ tại Đài Loan. Chuyến thực địa kéo dài từ năm 2018 đến năm 2020.



Thu hải đường Hòn giao (Begonia hongiaoensis) - Ảnh: Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà

Phát hiện này cũng minh chứng độ đa dạng sinh học tại khu vườn và tầm quan trọng của việc hợp tác quốc tế trong tìm kiếm các loài sinh vật mới, theo ông Hương.

Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, với diện tích khoảng 70.000 hecta, 91% trong số đó là rừng nguyên sinh, là môi trường sinh sống của nhiều loài động thực vật. Khoảng 2.075 loài thực vật (bằng 1/6 tổng các loài thực vật tại Việt Nam) cùng 301 loài chim (bằng 30% tổng các loài chim) được tìm thấy tại đây.

Hiện có khoảng 90 loài thu hải đường khác nhau được ghi nhận xuất hiện tại Việt Nam, trong đó chỉ có 3 loài được phát hiện tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Con số này thấp hơn nhiều so với những gì phát hiện được trong các chuyến khảo sát thực địa. Bởi diện tích vườn quốc gia quá rộng lớn, nhiều loài thu hải đường hơn chắc chắn sẽ được phát hiện trong các đợt thực địa tiếp theo.

Hiện vườn quốc gia đang hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), JICA, USAID, và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Cộng hoà Liên bang Đức (GIZ) nhằm triển khai nhiều chương trình nghiên cứu và bảo tồn các loài động thực vật tại vườn, đồng thời hỗ trợ sinh kế bền vững cho cộng đồng người thiểu số trong khu vực.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán