Trang chủ»Khoa học - Công nghệ

Khoa học - Công nghệ

Tính chủ thể trong tâm lý người và ứng dụng trong giáo dục ngày nay

Trương Á Bình – Đại học Quốc tế Sài Gòn

Tính chủ thể hay nói cách khác là “cái tôi”, ở đây có thể được hiểu đó là một cá nhân hay một nhóm người, ở đó cá nhân (hay nhóm người) thể hiện những nét đặc trưng, bản sắc riêng của mình và cá nhân (hay nhóm người) có quyền hành động dựa vào sở thích, hứng thú, suy nghĩ, tình cảm, vốn sống, vốn trải nghiệm …của họ.

Sự khác biệt này có được là do mỗi con người ngay từ khi mới sinh ra đã mang trong mình những nét đặc trưng về bẩm sinh di truyền, về giải phẫu sinh lí thần kinh và não bộ, bên cạnh đó mỗi người chịu sự tác động của môi trường xã hội, của giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình khác nhau và trên hết chính là mỗi cá nhân tham gia vào quá trình giao tiếp, hoạt động với các mức độ tích cực rất khác nhau… Ngay cả khi hai anh em sinh đôi cùng trứng (hình thức bên ngoài giống nhau) thì tính cách, suy nghĩ, lời nói vẫn khác nhau và có khi mâu thuẫn lẫn nhau.

Ông bà ta thường nói “Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một tính” hay “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” khẳng định từ khi sinh ra mỗi người đã là một cá thể rất riêng, không ai giống ai, mình là một, mình là duy nhất. Bản thân tôi là một thế hệ gen Y, tuy nhiên do được giáo dục trong một môi trường học hiện đại, bố mẹ tôi cũng khá tâm lý nên tư tưởng tôi cũng khá mở và sẵn sàng tiếp thu, học hỏi, đi theo thời đại. Bây giờ, theo con đường giáo dục, giao lưu tiếp xúc với nhiều em sinh viên, tôi càng thấy rõ sự khác biệt trong tư duy của các em thế hệ gen Z. Nếu như trước đây, thế hệ của ông bà ta hay thế hệ của tôi thể hiện rõ cái ta hơn cái tôi, sống theo hướng luôn vì người khác, xây dựng tính cộng đồng, ít chú trọng đến suy nghĩ của bản thân thì giới trẻ ngày nay, đặc biệt là thế hệ gen Z ngày càng bộc lộ rõ cá tính con người của các em trong từng hành vi, sở thích, tính cách, lối sống và tư duy,… Vẫn nằm trong giới hạn của phạm vi đạo đức và các chuẩn mực xã hội, tuy nhiên, các em có thể tự sáng tạo ra các từ ngữ mới lạ giao tiếp với nhau (ví dụ: chằm zn, fishu, khum,…), các em thoải mái bộc lộ những sở thích, những cách nghĩ có thể hơi khác biệt một chút nhưng cũng rất độc lập, sáng tạo, bật lên được sự chênh lệch thế hệ rõ ràng. Do đó, giáo dục ngày nay cũng đã khác xưa, tính “áp đặt” đã giảm nhiều, thay vào đó là tính “định hướng” đang dần được chú trọng. Điều này cũng minh chứng rằng giáo dục rất cần quan tâm đến tính chủ thể trong tâm lý người học. Ngày nay, người giảng viên phải chú ý đến những cái riêng trong tâm lý của mỗi sinh viên, quan tâm và tôn trọng những nét riêng đó để có phương thức tác động cho phù hợp. Giảng viên không còn bắt người học một ngày phải làm những bài tập nào, đọc những nội dung gì, phải gọi lên bảng kiểm tra bài thường xuyên mà giảng viên là người gợi mở các nội dung, chỉ dạy các phương pháp học, quan sát và đánh giá kết quả, từ đó tiếp tục thay đổi phương pháp nếu phương pháp cũ không phù hợp hoặc tiếp tục định hướng, liên tục tăng cường độ để người học tiếp tục phát huy những thế mạnh của mình.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là mình hoàn toàn nương theo người học, bỏ mặc người học tự thích ứng, tự tư duy, tự bơi trong môi trường giáo dục đại học hoàn toàn mới. Tôn trọng tính chủ thể của từng em sinh viên nhưng chúng ta vẫn là người hướng dẫn những điều ban đầu, gợi mở tư duy, phát triển tính sáng tạo, truyền cảm hứng và luôn thúc đẩy các em về phía trước. Giảng viên mà là người thiếu kiến thức thì sẽ rất thiệt thòi cho sinh viên nhưng giảng viên quá cứng nhắc thì cũng không mang lại lợi ích cho người học.

Tóm lại, tính chủ thể trong tâm lý người là một nội dung quan trọng người dạy cần chú trọng quan tâm. Tôn trong tính chủ thể của người học nhưng uyển chuyển, linh hoạt trong cách nhìn nhận và có phương pháp dạy phù hợp, phát huy những mặt tích cực nhất mà tính chủ thể mang lại.


SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán