Trang chủ»Khoa học - Công nghệ

Khoa học - Công nghệ

Ứng dụng phương pháp problem-based learning (pbl) trong đào tạo kế toán tại siu


Cẩm Vân


Giảng dạy theo phương pháp PBL đang trở thành một xu thế giáo dục đào tạo của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tại Việt Nam, PBL đang ngày càng được áp dụng rộng rãi cho nhiều ngành học, trong đó có ngành kế toán bởi những hiệu ứng tích cực mà phương pháp này mang lại. Tại SIU, với mục tiêu hướng đến tính chuyên nghiệp và đẳng cấp quốc tế trong đào tạo kế toán, Nhà trường chủ trương ứng dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, trong đó PBL được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để nguồn nhân lực kế toán được đào tạo ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

1. Giới thiệu chung về phương pháp PBL:

Problem-based learning – Học qua vấn đề là phương pháp học tập dựa trên cơ sở nhận diện các vấn đề (Duch et al, 2001), người học làm việc theo nhóm nghiên cứu để giải quyết các vấn đề dựa trên những tình huống thực tế.

- Mục tiêu của phương pháp Problem-based learning:

Nếu như phương pháp giảng dạy truyền thống giảng viên là người truyền đạt tri thức, sinh viên chỉ tiếp nhận và vận dụng kiến thức đã học để giải các bài tập trong giáo trình thì PBL là một phương pháp giảng dạy hiện đại, tạo nên sự hấp dẫn, thôi thúc người học khai phá kiến thức mới. Theo Markham (2011), với phương pháp PBL người học sẽ chủ động tìm tòi đào sâu kiến thức và đọc nhiều nguồn tài liệu để có thể đưa ra câu trả lời trên cơ sở tư duy sáng tạo và có khả năng phản biện nhiều quan điểm khác nhau về một vấn đề nào đó. Quá trình thực hiện dự án sẽ giúp người học không những hoàn thiện về kiến thức theo mục tiêu đào tạo của nhà trường, mà còn rèn luyên cho họ kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề qua những tình huống thực tế. Hơn thế nữa, phương pháp này sẽ tạo cho người học tính độc lập, phát triển khả năng tư duy sáng tạo và kỹ năng hợp tác làm việc nhóm hiệu quả.

- Đặc điểm của phương pháp giảng dạy theo vấn đề:

Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Hằng (2015) đặc điểm của phương pháp này là:

(1) Vấn đề là yếu tố trung tâm của hoạt động dạy học: đây là những tình huống có thực mà người học sẽ gặp phải đối với ngành học của mình, chính việc giải quyết vấn đề sẽ lôi cuốn người học tự đi tìm câu trả lời, tạo nên sự hứng thú trong học tập qua đó cá nhân thu nhận được kiến thức học tập.

(2) Người học sẽ là trung tâm của hoạt động dạy học: Để giải quyết vấn đề, người học phải chủ động tìm kiếm thông tin thích hợp từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó phân tích và lựa chọn thông tin thích hợp để đưa ra đề xuất, quá trình này giúp người học tích lũy kiến thức mới.

(3) Làm việc theo nhóm nhỏ là hoạt động cốt lõi: Hiệu quả của việc học theo nhóm đó là sự chia sẻ thông tin cùng nhau thảo luận để nhận ra vấn đề quan trọng cần tập trung, chia sẻ những hiểu biết của cá nhân về vấn đề cần giải quyết và cùng nhau tìm ra giải pháp tối ưu. Đây là thời gian người học tự điều chỉnh những nội dung học tập mà cá nhân chưa hiểu kỹ. Ngoài ra, học nhóm sẽ là cơ hội để người học thể hiện bản thân khi trình bày những ý tưởng độc đáo giúp mọi người học hỏi lẫn nhau.

(4) Giảng viên đóng vai trò là người hướng dẫn hoặc hỗ trợ: Theo phương pháp này, giảng viên không phải là người cung cấp kiến thức cho người học mà chỉ đóng vai trò khuyến khích, gợi mở, định hướng cho người học để giải quyết vấn đề.

(5) Quan hệ với môi trường bên ngoài và kiến thức mang tính tích hợp: người học được khuyến khích tiếp xúc, cộng tác với người khác thông qua hướng dẫn, khuyến khích lối tư duy linh hoạt và phát triển kỹ năng sống trong cộng đồng. Song song đó, vấn đề nêu ra cần được tích hợp kiến nhiều lĩnh vực để giải quyết.

- Những yêu cầu cho việc thực hiện thành công của PBL:

Trước hết, dự án phải phù hợp với năng lực và mong muốn của người học; dự án phải đạt được mục tiêu giảng dạy cụ thể; người học được yêu cầu sử dụng nhiều nguồn thông tin đa dạng, biết phân tích, đánh giá thông tin; biết phối hợp giữa kiến thức, kỹ năng giải quyết các tình huống phát sinh, thực hiện kỹ năng phối hợp làm việc nhóm hiệu quả để dự án thành công. Giảng viên chỉ đóng vai trò là người động viên, gợi mở, định hướng cho người học để đạt kết quả mong đợi.

Sự khác biệt giữa hai phương pháp Học theo vấn đề (Problem-based learning) và phương pháp học theo dự án (project-based learning) đó là khía cạnh ứng dụng, nếu như Problem-based learning tập trung vào vấn đề và nhấn mạnh đến tiến trình thực hiện dự án thì project-based learning tập trung vào sản phẩm, thành quả mà dự án mang lại.

Khác với phương pháp giảng dạy truyền thống, PBL hướng tới những vấn đề có thực trong cuộc sống liên quan đến ngành học, gắn kết lý thuyết với tình huống thực tiễn. Thông qua quá trình thực hiện dự án, người học được phát triển kỹ năng và tư duy như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng phân tích, đánh giá để lựa chọn giải pháp khả thi. Tiếp theo đó, người học sẽ được rèn luyện kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống,..khả năng làm việc độc lập để hình thành kiến thức mới và cho ra những kết quả thực tế.

- Ưu điểm và hạn chế của phương pháp PBL:

Ưu điểm: Phương pháp giảng dạy theo PBL tạo cho người học cảm giác thích thú, tích cực học tập, người học được tiếp cận và học cách giải quyết những tình huống thực tế kết hợp với lý thuyết sẽ tạo nên kiến thức nền tảng chuyên sâu. Người học được rèn luyện những kỹ năng cần thiết để ứng dụng trong công việc và hoàn thiện bản thân.

Hạn chế: Phương pháp này đòi hỏi năng lực của giảng viên trong vai trò là cố vấn, trọng tài và khả năng thuyết phục để động viên người học thực hiện đúng tiến độ dự án. Bên cạnh đó, Giảng viên phải lựa chọn vấn đề phù hợp với năng lực của nhóm để phát huy khả năng của người học, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu thừa nhận rằng phương pháp này khó áp dụng đối với lớp đông sinh viên.

2. Vận dụng phương pháp PBL trong giảng dạy kế toán

Vận dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) để xây dựng Chuẩn mực BCTC quốc gia đã trở thành xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. Đối với Việt Nam, tháng 03/2020, Bộ Tài Chính đã phê duyệt Quyết định 345/QĐ-BTC với đề án từ năm 2020 đến năm 2025 sẽ hoàn thành và áp dụng đối với bộ dịch IFRS và Bộ chuẩn mực Báo cáo Tài Chính Việt Nam (VFRS) được biên soạn dựa trên IFRS. Trong bối cảnh áp dụng IFRS/VFRS kế toán sẽ không tập trung vào định khoản ghi nhận nghiệp vụ kinh tế phát sinh như hiện nay, công việc kế toán được dự đoán dựa trên những nguyên tắc, hướng dẫn chung, doanh nghiệp sẽ tùy vào đặc điểm của đơn vị để vận dụng (Phạm Quang Huy, 2017). Đến đây có thể thấy việc áp dụng IFRS/VFRS đòi hỏi khả năng tư duy, khả năng nhận định để giải quyết vấn đề là hết sức cần thiết, nếu sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống sẽ không còn phù hợp. Trách nhiệm của các cơ sở đào tạo kế toán là phải hướng người học đến những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu. Chính vì thế, đào tạo theo hướng phát huy năng lực người học là chủ trương của nhà trường trong đào tạo kế toán, theo đó, phương pháp PBL được để xuất để áp dụng trong giảng dạy kế toán tài chính tại SIU.

3. Tổ chức thực hiện giảng dạy Kế toán theo phương pháp PBL tại SIU

Hiện có nhiều mô hình tổ chức giảng dạy theo dự án được áp dụng trên thế giới như thông qua tình huống được dựng thành phim của ICAEW với bộ phim “False Assurance” và một số tổ chức khác.. Tuy nhiên, các đề xuất cho dự án đều trải qua 7 bước, trong phạm vi bài viết này qua nghiên cứu tài liệu của Nguyễn Thị Hằng (2015), tôi xin đề xuất phương án của Đại học Matricht, Hà lan:

- Bước 1. Làm rõ thuật ngữ khó, nhằm giúp thành viên hiểu rõ nhiệm vụ cần thực hiện.

- Bước 2. Xác định vấn đề nhằm giúp người học có cái nhìn tổng quan về vấn đề cần thảo luận.

- Bước 3. Động não: Mỗi thành viên tập trung phân tích các câu hỏi được liệt kê nhưng không đánh giá ngay những ý tưởng của các thành viên khác trong nhóm.

- Bước 4. Phân tích các giải pháp: Nhóm sẽ thảo luận về những điều còn chưa hiểu, còn nghi ngờ.

- Bước 5. Xây dựng mục tiêu học tập: Từ các giải pháp đã phân tích ở các thành viên trong nhóm thống nhất về các mục tiêu học tập diễn đạt dưới dạng câu hỏi hoặc yêu cầu.

- Bước 6. Tự nghiên cứu: Các cá nhân bắt đầu làm việc cá nhân ở nhà hoặc trong các thư viện, tìm nguồn tài liệu, giải quyết các mục tiêu học tập.

- Bước 7. Thảo luận: Nhóm tiếp tục họp để thảo luận về các câu hỏi mà các cá

nhân đã tìm thấy liên quan đến mục tiêu học tập, cá nhân trình bày tóm tắt tài liệu nghiên cứu được và những vấn đề cần làm rõ.

Trong quá trình thực hiện dự án, giảng viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, khơi gợi cho người học những ý tưởng, định hướng, động viên giám sát quá trình thực hiện dự án của các nhóm học tập.

Tóm lại, Mặc dù có nhiều phương thức được đề xuất để ứng dụng PBL song có thể nói thực hiện thành công ứng dụng phương pháp PBL lại phụ thuộc phần lớn vào những nỗ lực của giảng viên, do đó, nghiên cứu ứng dụng PBL vào giảng dạy được xem là nhiệm vụ trọng tâm đối với mỗi giảng viên trong giai đoạn hiện nay, chuẩn bị cho việc tiếp cận IFRS/VFRS.


SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán