Trang chủ»Khoa học - Công nghệ

Khoa học - Công nghệ

Ưu điểm và hạn chế của công nghệ blockchain

Một số ưu điểm của công nghệ Blockchain

● Tính chính xác

Mạng lưới gồm hàng ngàn máy tính sẽ xét duyệt các giao dịch trong hệ thống. Vì vậy quá trình xác minh không chịu tác động bởi yếu tố con người, tránh được các lỗi do người sử dụng gây ra và ghi nhận một cách chính xác các thông tin. Ngay cả trong trường hợp một máy tính gây ra lỗi, thì lỗi này chỉ tạo ra một bản sao trên chuỗi và phải cần đến ít nhất 51% số lượng máy tính cũng tạo ra lỗi tương tự thì lỗi này mới lan tỏa ra toàn bộ chuỗi. 51% là tỷ lệ lớn và hầu như xác suất để xảy ra trường hợp này là bằng 0.

● Tiết kiệm chi phí

Thông thường, khách hàng phải trả cho ngân hàng phí để xác minh một giao dịch, trả cho công chứng viên để họ ký vào giấy tờ, làm chứng cho hôn nhân…Công nghệ blockchain không cần đến bên thứ ba thực hiện việc xác minh, do đó tiết kiệm được phần chi phí này. Các chủ cửa hàng, shop hay nhà hàng phải trả một khoản phí nhỏ khi họ chấp thuận thanh toán thông qua thẻ tín dụng vì đây là chi phí để ngân hàng và các tổ chức thanh toán quản lý, thực hiện và xác minh những giao dịch này. Bitcoin, vì không thuộc hình thức quản lý tập trung nên có thể cắt giảm các phí quản lý tương tự được đề cập phía trên.

● Tính phân tán

Công nghệ blockchain không lưu trữ thông tin tập trung một chỗ. Thay vào đó, blockchain sẽ sao chép và truyền thông tin đi đến tất cả các máy tính trong mạng lưới. Khi một khối mới được thêm vào chuỗi, tất cả các máy tính trên mạng lưới sẽ cập nhật thông tin này. Như vậy, việc giả mạo thông tin sẽ rất khó thực hiện. Nếu hacker có lấy được một bản sao của blockchain, họ hầu như không thể thực hiện hành vi sửa đổi vì rất khó lấy được sự đồng thuận của phần còn lại trong mạng lưới.

● Tính hiệu quả

Giao dịch thực hiện với mô hình tập trung truyền thống như ngân hàng phải mất vài ngày để hoàn thành. Ví dụ, nếu bạn nộp séc vào ngân hàng chiều thứ sáu, bạn sẽ không nhận được tiền vào tài khoản trước sáng thứ hai vì thông thường các ngân hàng có quy định giờ làm việc trong ngày, 5 ngày trong một tuần. Đối với blockchain, hệ thống hoạt động liên tục 24 giờ trong một ngày, 7 ngày trong một tuần và 365 ngày trong một năm. Các giao dịch sẽ hoàn tất trong vòng khoảng 10 phút và có thể được xem là an toàn sau vài giờ. Đặc điểm này vô cùng thuận lợi cho các giao dịch xuyên quốc gia, thường mất nhiều thời gian theo cách giao dịch truyền thống vì múi giờ khác nhau và cần nhiều bên có liên quan xác nhận thực hiện giao dịch.

● Tính riêng tư

Nhiều mạng lưới blockchain vận hành với dữ liệu công khai, có nghĩa là mọi người với kết nối internet có thể xem lịch sử danh sách các giao dịch. Tuy nhiên, người xem không thể xác minh được ai là người thực hiện các giao dịch này vì mạng lưới blockchain, ví dụ như Bitcoin là mạng lưới giao dịch ẩn danh, do đó bảo mật được thông tin cá nhân.

Điều này có nghĩa là, khi một người sử dụng thực hiện giao dịch, thông tin của họ, được gọi là “public key”, đóng vai trò tương tự như số tài khoản ngân hàng của một người, sẽ được ghi lại trên blockchain chứ không phải là thông tin cá nhân… Việc thực hiện các giao dịch Bitcoin sẽ liên kết với địa chỉ trên chuỗi hoặc ngay cả tên của người sử dụng nhưng hoàn toàn không để lộ bất kỳ thông tin cá nhân nào khác.

● Tính an toàn

Khi một giao dịch được ghi nhận, mạng lưới blockchain sẽ kiểm tra lại. Hàng ngàn máy tính sẽ đối chiếu và xác nhận chi tiết giao dịch là chính xác. Sau khi máy tính công nhận giao dịch, thông tin sẽ được ghi nhận vào khối. Mỗi khối trong chuỗi chứa mã thông tin riêng, tiếp theo mã của khối trước đó và đảm bảo không trùng lắp. Nếu có xảy ra trường hợp thông tin khối bị thay đổi đi chăng nữa thì mã thông tin của khối liền sau nó vẫn không đổi. Đặc tính này làm cho việc cố ý thay đổi thông tin bất hợp lệ sẽ không thực hiện được.

● Tính minh bạch

Hầu hết blockchain đều là mã nguồn mở, có nghĩa là bất cứ ai đều có thể đọc được. Điều này cho phép kiểm toán viên có thể xem xét tính đảm bảo của các loại tiền điện tử như Bitcoin. Đồng thời không ai là người duy nhất có quyền kiểm soát hay sửa đổi mã nguồn của Bitcoin. Như vậy, bất cứ người nào cũng có quyền đề nghị sửa đổi hay nâng cấp mã nguồn trên hệ thống và nếu được sự đồng ý của đại đa số người sử dụng thì việc cập nhật sẽ được thực hiện.

● Vai trò “dịch vụ ngân hàng” ở những nơi không có ngân hàng

Có lẽ điểm nổi trội nhất của công nghệ blockchain và Bitcoin là giúp cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, văn hóa…đều có thể sử dụng. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, có khoảng hai triệu người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng hay các phương tiện để cất trữ tiền và tài sản. Hầu hết những trường hợp này đều rơi vào các nước đang phát triển, nơi kinh tế còn non kém và đa số đều sử dụng tiền mặt.

Người dân nơi đây thường nhận lương, tiền công bằng tiền mặt. Sau đó họ sẽ cất tiền ở nhà hoặc bất cứ nơi nào họ cho là bí mật, và như vậy họ đối mặt với rủi ro về vấn đề trộm cướp. Trong công nghệ blockchain, chìa khóa của ví tiền có thể là một mảnh giấy, một điện thoại cầm tay rẻ tiền, và ngay cả là trí nhớ của con người, sẽ rất thuận tiện và an toàn hơn việc cuộn tiền mặt lại và cất dưới nệm!

Trong tương lai, công nghệ blockchain không chỉ là giải pháp để cất giữ tài sản mà còn là phương tiện để lưu trữ các thông tin y tế, quyền sỡ hữu tài sản, hay các loại hợp đồng khác.


Những điểm hạn chế của công nghệ Blockchain

Bên cạnh ưu điểm, công nghệ blockchain cũng gặp rất nhiều thách thức để được chấp thuận cho ứng dụng rộng rãi. Những trở ngại này không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn là yếu tố chính trị, luật pháp và rất nhiều công sức để có thể thiết kế và lắp đặt các chương trình để tích hợp công nghệ blockchain vào từng ngành nghề. Sau đây là một số thách thức chúng ta thường gặp khi triển khai công nghệ blockchain vào sử dụng

● Chi phí kỹ thuật

Mặc dù công nghệ blockchain giúp người dùng tiết kiệm được phí giao dịch nhưng cần vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật ban đầu. Đối với bitcoin, để xác minh các giao dịch, yêu cầu có số lượng lớn các máy tính trong mạng lưới và như vậy tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Trên thực tế, mức tiêu thụ năng lượng của hàng triệu máy tính trong mạng lưới bitcoin gần bằng mức tiêu thụ của nước Đan Mạch hàng năm. Giả sử mỗi kilo-watt điện/giờ tốn từ 0.03-0.05 đô la Mỹ, chi phí khai thác (chưa tính chi phí đầu tư vào thiết bị) rơi vào khoảng 5.000-7.000 đô la Mỹ/coin.

Ngoài chi phí khai thác coin, người dùng còn phải trả thêm hóa đơn tiền điện để xác minh các giao dịch trên chuỗi và dĩ nhiên giá trị coin mà họ thu được nhiều hơn chi phí và thời gian họ bỏ ra khi khai thác coin. Nếu ứng dụng công nghệ blockchain vào các lĩnh vực khác không phải tiền điện tử, những người khai thác sẽ được trả tiền hoặc các mức phí tương xứng để xác nhận các giao dịch.

Một vài giải pháp cho các vấn đề nêu trên, ví dụ như việc khai thác bitcoin có thể sử dụng năng lượng mặt trời, khai thác khí gas tự nhiên bằng phương thức khoan xuống mặt đất hay các cánh đồng gió để tạo ra điện.

● Hạn chế về tốc độ xử lý

Bitcoin là thí dụ điển hình cho hạn chế về tốc độ xử lý của blockchain. Hệ thống mất 10 phút để kết nối khối mới vào chuỗi. Người ta ước tính với tốc độ này thì mạng lưới chỉ có thể xử lý khoảng 7 giao dịch trong 1 giây. Mặc dù các loại tiền điện tử khác như Ethereum tốc độ xử lý nhanh hơn nhưng không khác biệt đáng kể. Trong khi đó, tổ chức Visa, có thể xử lý 24,000 giao dịch trong vòng 1 giây.

Nhiều giải pháp đã được đề ra trong những năm qua, hiện nay công nghệ blockchain ở 1 số lĩnh vực đã đạt tốc độ xử lý trên 30,000 giao dịch trong một giây.

● Kinh doanh bất hợp pháp

Song song với ưu điểm là độ bảo mật và an toàn cao, blockchain chưa tránh được việc bị lợi dụng để mua bán, trao đổi bất hợp pháp trên mạng lưới của mình. Một minh chứng được nhiều người biết đến cho trường hợp này là “Silk Road”, trang web giao dịch chợ đen hoạt động từ tháng 2 năm 2011 đến tận tháng 10 năm 2013 mới bị FBI đóng cửa.

Trang web này cho phép người sử dụng có thể truy cập, xem mà không bị lưu lại lịch sử, sử dụng trình duyệt Tor, và có thể giao dịch mua bán bằng Bitcoin hay các loại tiền điện tử khác. Theo luật hiện hành tại Mỹ, các tổ chức tài chính phải ghi nhận và xác minh được thông tin khách hàng khi họ mở tài khoản, đảm bảo khách hàng không nằm trong danh sách hay tổ chức khủng bố. Như vậy, blockchain đến thời điểm này vừa có ưu và khuyết điểm, người sử dụng có thể truy cập và giao dịch dễ dàng và do tính bảo mật không kiểm soát bởi luật lệ như chính phủ nên các tội phạm có thể lợi dụng để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp. Nhiều vấn đề xoay quanh công nghệ blockchain vẫn còn đang gây tranh cãi, nhiều người cho rằng các ưu điểm của tiền điện tử nhiều hơn khuyết điểm. Tuy nhiên, chúng ta cần cân nhắc và có giải pháp cho vấn đề như lợi dụng để thực hiện giao dịch bất hợp pháp mà không bị lưu dấu lại.

● Chưa được luật pháp công nhận

Nhiều người đã bày tỏ lo ngại về chính sách pháp luật của các chính phủ đối với tiền điện tử. Hiện tại, chính phủ nhiều nước đang đứng trước lựa chọn việc công nhận tiền điện tử hay không trong khi bitcoin vẫn đang gia tăng và không ngừng mở rộng.

Tuy nhiên, mối lo ngại này đã giảm dần khi các công ty lớn như PayPal đã công nhận và cho phép sử dụng tiền điện tử trên nền tảng của họ.

Huỳnh Thị Gia Lộc


SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán