Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

10 vụ IPO lớn nhất trong lịch sử thế giới

Ngày 18/5/2012 là ngày trọng đại đối với gã khổng lồ công nghệ của Mỹ Facebook - ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của hãng trên sàn Giao dịch chứng khoán New York (NYSE).

Chỉ trong một ngày giao dịch, Facebook đã bán được 421,2 triệu cổ phiếu với giá 38 USD/cổ phiếu, huy động 16 tỷ USD vốn (nguồn: Bel Bruno). IPO của Facebook đã trở thành vụ IPO lớn nhất của công ty công nghệ và lớn thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, đây chỉ là một vụ IPO nhỏ trong lịch sử chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu trên toàn cầu. Sau đây là 10 trong số những vụ IPO thành công nhất trong lịch sử thế giới.

10. AT&T Wireless



Ảnh: www.netleasesite.com

AT&T Wireless - bộ phận điện thoại di động của công ty viễn thông Mỹ AT&T đã đánh tiếng về việc thực hiện IPO của mình trước khi xảy ra vụ nổ bong bóng tài chính dot-com (dot-com bubble burst). Vào giữa tháng 3/2000, thị trường chứng khoán bắt đầu hạ nhiệt. Việc chào bán cổ phiếu lần đầu của AT&T Wireless bắt đầu vào ngày 26/4/2000. Trong khi những công ty công nghệ khác rút khỏi các vụ IPO của mình, AT&T vẫn tiếp tục tiến hành. Và họ đã được đền đáp.

Khi bắt đầu giao dịch trên NYSE, AT&T Wireless phát hành 360 triệu cổ phiếu với giá mở cửa là 30,12 USD/cổ phiếu và đóng cửa ở 31,75 USD/ cổ phiếu (nguồn: Portnoy và Jastrow).

Khi sàn giao dịch đóng cửa, AT&T Wireless đã thu về 10,62 tỷ USD vốn mới (nguồn: BusinessWeek), thiết lập kỷ lục IPO lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, và công ty đã nắm giữ kỷ lục này trong 6 năm.

9. OAO Rosneft   



Ảnh: money.howstuffworks.com

OAO Rosneft là công ty dầu khoáng thuộc sở hữu nhà nước ở Nga. Trong khi nhiều đợt phát hành IPO lớn là kết quả của quá trình tư nhân hóa một thực thể thuộc sở hữu nhà nước, OAO Rosneft thực hiện IPO trên việc bán cổ phần của chính công ty mình. Vào ngày 13/7/2006, công ty phát hành 1,38 tỷ cổ phiếu, với giá 7,55 USD/cổ phiếu, thu về 10,65 tỷ USD. Cổ phiếu được phát hành bởi các ngân hàng như JPMorgan và Morgan Stanley (nguồn: BusninessWeek).

8. Ngân hàng Bank of China (BOC)



Ảnh: money.howstuffworks.com

Bank of China (BOC) là ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước cho đến khi tách ra thành một ngân hàng tư nhân trong quá trình phát hành IPO vào ngày 23/5/2006. Chỉ sau một ngày, tổng số cổ phiếu bán được của BOC đứng đầu các chứng khoán niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông - thu hút tất cả mọi người từ các chủ tài khoản hàng ngày của ngân hàng cho đến những ngân hàng châu Âu như Ngân hàng Hoàng gia Scotland - huy động được 9,7 tỷ USD (nguồn: Lague). Theo tính toán sau cùng, BOC thu về con số khổng lồ 11,1 tỷ USD trong quá trình phát hành IPO (nguồn: BusinessWeek).

Ngân hàng phát hành 25,57 tỷ cổ phiếu với khoảng 38 cent/cổ phiếu (nguồn: Lague). Cổ phiếu được bán nhanh chóng, bất chấp 75 trường hợp gian lận và tham nhũng của các nhà lãnh đạo ngân hàng một năm trước đó.

7. Deutsche Telekom AG



Ảnh: images.zeit.de

Công ty viễn thông Đức Deutsche Telekom AG thực hiện việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu vào ngày 17/ 11/1996. Đây là vụ IPO lớn nhất trong lịch sử châu Âu vào thời điểm đó với hơn 713 triệu cổ phiếu và huy động được 12,48 tỷ USD trong ngày giao dịch đầu tiên (nguồn: BusinessWeek).

6. General Motors



Ảnh: gmvehiclefiredeaths.com

Tháng 12/2008, Tổng thống George W. Bush đã ném “chiếc phao cứu sinh” 50 tỷ USD cho General Motors (GM), gây nên những tranh cãi trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Thật không may, sự hỗ trợ này vẫn không đủ giúp GM thoát khỏi việc nộp đơn phá sản vào tháng 6/2009. Là một phần của việc tái cơ cấu công ty sau khi nộp đơn phá sản, Bộ Tài chính Mỹ đồng ý cho công ty vay thêm 30 tỷ đồng - để đổi lấy 60% cổ phần của công ty khi nó phục hồi (nguồn: ProPublica). Một tháng sau đó, GM đã sẵn sàng bắt đầu hoạt động trở lại.

Năm 2010, GM trở thành một trong những công ty “hot” nhất thế giới. Chưa đầy một tuần trước khi phát hành IPO vào tháng 11/2010, các cổ đông công ty đã tăng giá cổ phiếu ước tính từ 26 - 29 USD/cổ phiếu lên 32 - 33 USD/cổ phiếu (nguồn: Isidore). Khi đợt IPO chính thức phát hành vào ngày 19/11/2010, hãng huy động một con số đáng kinh ngạc 15,8 tỷ đồng - vụ IPO lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ.

5. Enel SpA



Ảnh: www.bloomberg.com

Enel SpA là công ty năng lượng của Ý có mặt tại 23 quốc gia châu Âu, Bắc - Nam Mỹ và châu Á. Đây là công ty năng lượng lớn thứ hai châu Âu, có 60,5 triệu khách hàng - tương đương dân số Vương quốc Anh (nguồn: Enel SpA, BBC). Công ty này còn nổi tiếng như là một hãng tiên phong trong lĩnh vực năng lượng xanh, với các khoản đầu tư vào thủy điện, địa nhiệt, năng lượng gió, năng lượng mặt trời...

Enel SpA thực hiện vụ IPO vào ngày 02/11/1999 với 3,8 tỷ cổ phiếu, huy động được 16,58 tỷ USD vốn đầu tư, đại diện cho 10% giá trị của chỉ số kinh doanh Milan-30 blue chip (nguồn: BusinessWeek).

4. Visa



Ảnh: www.sammobile.com

Vào ngày 18/3/2008, Visa thực hiện vụ IPO trên sàn chứng khoán New York. Mặc dù phát hành trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang bắt đầu, nhưng Visa đã huy động được 17,9 tỷ USD vốn đầu tư. Trong ngày đầu tiên, cổ phiếu của công ty được giao dịch ở mức 44 USD/cổ phiếu (nguồn: Benner). Một ngày sau, giá giao dịch tăng lên 66 USD/cổ phiếu (nguồn: Kaufman).

IPO của Visa đánh dấu sự chào bán cổ phiếu lần đầu lớn nhất trong lịch sử Mỹ vào thời điểm đó, phá kỷ lục mà AT&T Wireless nắm giữ trong 6 năm là 10,62 tỷ USD.

3. Công ty viễn thông di động NTT 



Ảnh: money.howstuffworks.com

Công ty viễn thông di động không dây NTT Nhật Bản thực hiện việc chào bán cổ phiếu lần đầu trên chỉ số trung bình Nikkei 225 vào ngày 12/10/1998. Kết thúc ngày giao dịch đầu tiên, hãng huy động được 18,4 tỷ USD vốn đầu tư. Hơn một thập kỷ trước đó, công ty mẹ của NTT - Nippon Telegraph and Telephone đã huy động được hơn 13 tỷ USD trong vụ IPO của mình vào năm 1986.

2. Ngân hàng Công Thương Trung Quốc



Ảnh: upload.wikimedia.org

Vào ngày 20/10/2006, Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) thực hiện việc chào bán cổ phiếu lần đầu trên thị trường Hồng Kông và Thượng Hải, huy động được 19,1 tỷ USD (nguồn: BusinessWeek). Con số này cao hơn cả tổng giá trị vốn hóa thị trường của Ngân hàng Bank of Ireland.

Thay vì tung ra một lượng cổ phiếu nhất định với giá cao, ICBC phát hành 48,39 tỷ cổ phiếu với giá khoảng 39 cent/cổ phiếu. Nhu cầu futures contract - thỏa thuận mua hoặc bán chứng khoán vào một ngày sau đó - cho các cổ phiếu của ICBC đạt tới 500 tỷ USD, gần bằng hai lần giá trị Citigroup là ngân hàng lớn nhất thế giới vào thời điểm đó (nguồn: Chan).

Các nhà đầu tư có lý do để đổ tiền của họ vào ICBC. Khách hàng bán lẻ của ngân hàng tại thời điểm IPO là 153 triệu người - cao hơn dân số Nga 10 triệu người (nguồn: Chan).

1. Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc



Ảnh: www.chinadaily.com.cn

Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) do Chủ tịch Mao Trạch Đông thành lập như là một nguồn tài chính hỗ trợ cho nông dân. Vụ IPO của ABC diễn ra vào ngày 6/7/2010 huy động 19,2 tỷ USD trong một ngày đã trở thành vụ phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên lớn nhất trong lịch sử. Kết thúc ngày giao dịch đầu tiên, giá trị ngân hàng đạt khoảng 128 tỷ USD - nhiều hơn so với Citigroup và Goldman Sachs (nguồn: Wines).

Trần Hồng Điệp
Theo money.howstuffworks.com

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán