Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Chiến lược kinh tế của Trung Quốc 2015-2025 và những thách thức

Được khởi xướng vào năm 2015, Made in China 2025 là kế hoạch 10 năm của chính phủ Trung Quốc để nâng cấp cơ sở sản xuất bằng cách nhanh chóng phát triển mười lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Những ngành được ưu tiên gồm xe điện, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin tương lai (CNTT), viễn thông, robot và trí tuệ nhân tạo. Các ngành chính khác bao gồm công nghệ nông nghiệp; kỹ thuật hàng không; vật liệu mới; thiết bị điện; khoa học y sinh; hạ tầng đường sắt cao cấp; và kỹ thuật hàng hải công nghệ cao. Những lĩnh vực này là trọng tâm của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, trong đó đề cập đến việc tích hợp dữ liệu lớn, điện toán đám mây và các công nghệ mới nổi khác cho chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. 



Mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh là giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và thúc đẩy các nhà sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu. Chất bán dẫn là một lĩnh vực được ưu tiên đặc biệt do vai trò quan trọng của chúng đối với gần như tất cả các sản phẩm điện tử. Trung Quốc sử dụng khoảng 60% nhu cầu về chất bán dẫn toàn cầu nhưng chỉ sản xuất khoảng 13% nguồn cung trên toàn cầu. China 2025 đặt ra những mục tiêu cụ thể: đến năm 2025, Trung Quốc đạt 70% khả năng tự cung tự cấp trong các ngành công nghiệp công nghệ cao. Những cải cách kinh tế trong những năm 1990 đã làm giảm vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, nhưng các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi đó, 2/3 doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Những công ty công nghệ toàn cầu như Huawei và ZTE, tuy do tư nhân điều hành nhưng vẫn được chính phủ hỗ trợ.

Trong khi đó, các công ty nước ngoài than phiền rằng để đầu tư hoặc kinh doanh tại Trung Quốc chính phủ yêu cầu họ phải liên doanh với các công ty Trung Quốc theo các điều khoản như chia sẻ tài sản sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ tiên tiến. Trung Quốc sử dụng các quy tắc liên doanh của mình để có được những công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Các nhà hoạch định chính sách, quan chức an ninh Hoa Kỳ và các nước phát triển quan ngại rằng chính sách của Trung Quốc trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến là một vấn đề ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Năm 2017, Lầu Năm Góc cảnh báo, đầu tư của Trung Quốc do chính phủ dẫn đầu vào các công ty Mỹ trong các công nghệ như nhận dạng khuôn mặt, in 3-D, hệ thống thực tế ảo, và động cơ tự lái… là một mối đe dọa về an ninh. Tháng 4 năm 2018, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ cho biết, Trung Quốc tuyển dụng các nhà khoa học nước ngoài, trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và các vụ mua lại các công ty Mỹ đã tạo thành một mối đe dọa đối với cơ sở công nghiệp của Mỹ. Các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng mô hình do nhà nước đứng đầu của Trung Quốc và tham vọng kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng như ngành công nghiệp coban, cung cấp năng lượng cho hầu hết các thiết bị điện tử hiện đại nhằm kiểm soát sức mạnh địa chính trị. Một báo cáo của Nhà Trắng vào tháng 6 năm 2018 cảnh báo rằng các động thái của Trung Quốc đe dọa “không chỉ nền kinh tế Mỹ mà cả hệ thống đổi mới toàn cầu”.

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang bóp méo thị trường toàn cầu bằng cách ưu tiên các cân nhắc chính trị hơn là khuyến khích kinh tế. Các khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc làm lệch thị trường, việc sản xuất quá mức dẫn đến bán phá giá các sản phẩm trên thị trường toàn cầu. Tháng 3 năm 2018, một cuộc điều tra của chính quyền Tổng thống Trump đã được đưa ra theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, kết luận rằng các hành động của Trung Quốc là không thể chấp nhận được. Trong khi đó, các công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ, Châu Âu và các nơi khác phàn nàn về sự bất cân xứng, theo đó Trung Quốc tự do đầu tư vào nước ngoài, nhưng các công ty nước ngoài kinh doanh và hoạt động ở Trung Quốc bị hạn chế rất nhiều bởi các yêu cầu đầu tư và các quy định khác của Trung Quốc.

Nhưng chính quyền Trung Quốc cho rằng chính sách công nghiệp do nhà nước lãnh đạo là cần thiết để tăng thu nhập cho người dân và cạnh tranh trong thị trường toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng. Trung Quốc so sánh thu nhập bình quân đầu người của họ vẫn còn thấp hơn nhiều so với những nước phát triển, khoảng 8.000 USD/năm, trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Hoa Kỳ là 56.000 USD. Trung Quốc cho rằng mình đang làm những gì mà các nước phát triển khác đã làm. Hoa Kỳ đã sử dụng thuế quan và các hỗ trợ khác của chính phủ để phát triển các ngành công nghiệp nội địa trong những ngày đầu công nghiệp hóa. Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc cũng đang lấy ý tưởng từ các chính sách công nghiệp gần đây của các nước như Nhật Bản và Đức, những nước đã tìm cách tích hợp các công nghệ thông tin mới vào các lĩnh vực sản xuất.



Tàu điện ở Trung Quốc

Tuy nhiên, nhiều nhà hoạch định chính sách Châu Âu và Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc là một trường hợp khác. Các doanh nghiệp Châu Âu lập luận rằng có sự khác biệt rõ rệt giữa China 2025 và kế hoạch Công nghiệp 4.0 của Đức. Cụ thể là, trợ cấp nhà nước của Đức nhỏ hơn nhiều, và gần như hoàn toàn dành riêng cho nghiên cứu cơ bản. Hơn nữa, nền kinh tế của Đức mở cửa cho sự tham gia và cạnh tranh từ bên ngoài. Các quan chức Đức cũng như những nhà hoạch định chính sách phương Tây than phiền trong khi nền kinh tế của họ mở cửa cho đầu tư của Trung Quốc thì việc tiếp cận thị trường các công ty của Châu Âu ở Trung Quốc lại bị hạn chế rất nhiều.

Nhận thức mối đe dọa từ chính sách công nghiệp của Trung Quốc đã làm lu mờ ranh giới giữa chính sách thương mại và an ninh quốc gia, Hoa Kỳ tận dụng Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962, Đạo luật thương mại năm 1974 và các đạo luật khác được trao cho tổng thống quyền đánh thuế và các biện pháp thương mại khác nếu xác định rằng điều đó là cần thiết cho an ninh của quốc gia. Washington đã sử dụng những công cụ này và các công cụ khác để chống lại việc hoạch định chính sách kinh tế của Trung Quốc.

Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (The Committee on Foreign Investment in the United States - CFIUS) là một cơ quan liên ngành xem xét các khoản đầu tư và mua lại nước ngoài và có thể đề nghị tổng thống chặn các giao dịch nếu chúng đe dọa đến lợi ích an ninh của Hoa Kỳ. Số lượng giao dịch bị CFIUS chặn đã tăng tốc dưới thời Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, chính quyền Trump lập luận rằng cơ quan này không đủ thẩm quyền để đối phó với quy mô của mối đe dọa từ các khoản đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là khi một số công ty cố tình cấu trúc các thỏa thuận để che giấu sự tham gia của các quỹ nhà nước Trung Quốc. Vào tháng 6 năm 2018, Tổng thống Trump đã sử dụng các quyền hành pháp để cấm các vụ mua lại liên quan đến công nghệ của các công ty có ít nhất 25% quyền sở hữu của Trung Quốc và áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với các lĩnh vực công nghệ quan trọng. Trong khi đó, Quốc hội đã thông qua luật năm 2018 nhằm tăng quyền hạn của CFIUS trong phạm vi rộng hơn. Vào tháng 7 và tháng 8 năm 2018, Hoa Kỳ đã áp dụng mức thuế 25% đối với hàng hóa trị giá 50 tỷ đô la của Trung Quốc, và vào tháng 9, nước này đã áp dụng mức thuế 10% đối với hàng hóa trị giá hơn 200 tỷ đô la. Washington đã tăng mức thuế quan lên 25% vào tháng 5 năm 2019, sau khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung chưa có tiến triển. Tổng thống Trump cũng đe dọa sẽ mở rộng mức thuế 25% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc.

Chính phủ Hoa Kỳ đã nhắm mục tiêu các công ty công nghệ Trung Quốc liên quan đến an ninh quốc gia. Một báo cáo năm 2012 của Ủy ban Tình báo tuyên bố các mối đe dọa của Huawei và ZTE đối với an ninh quốc gia do tiềm năng Bắc Kinh sử dụng mạng lưới kinh doanh để làm gián điệp hoặc phá hoại, và Bộ Thương mại đã hạn chế khả năng bán sản phẩm, hợp đồng với các cơ quan chính phủ.

Hành động của Tổng thống Trump đã nảy sinh tranh luận về vai trò của WTO. Chính quyền Trump tin rằng diễn đàn WTO không đủ để giải quyết các hành vi lạm dụng của Trung Quốc, Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc đã làm suy yếu các nguyên tắc thương mại mở ngay cả khi đã tuân thủ pháp luật. Một số chuyên gia cho rằng nền kinh tế của Trung Quốc đã phát triển vượt qua những gì WTO đã hình dung và do đó các quy định của WTO không đủ để giải quyết các hành động của Bắc Kinh, có những ý kiến khác cho rằng với nỗ lực ngoại giao phối hợp của WTO có thể cải cách mô hình kinh tế của Trung Quốc.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

123456789[10]...45  

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán