Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Đạo luật FATCA

FATCA (Foreign Account Tax Compliance Act) là Đạo luật tuân thủ thuế đối với tài khoản nước ngoài. Đạo luật này được đưa ra tháng 10/2009 và đã thành luật vào tháng 3/2010, là một phần của Đạo luật Hiring Incentives to Restore Employment (HIRE). FATCA được sử dụng để ngăn chặn việc trốn thuế của công dân hoặc cư dân Mỹ có tài khoản nước ngoài hoặc đầu tư ra nước ngoài. Theo quy định FATCA, các tổ chức tài chính nước ngoài (FFIs) cần phải xác định chủ tài khoản cũng như các tổ chức dưới sự kiểm soát của nước Mỹ và cung cấp cho Sở Thuế vụ Mỹ (Internal Revenue Service - IRS) thông tin về tài sản, thanh toán thu nhập và dòng tiền thương mại trong năm tài khóa. Theo đó, FATCA yêu cầu tất cả định chế tài chính bên ngoài nước Mỹ gửi thông tin thường xuyên trên tài khoản tài chính của cá nhân hoặc pháp nhân Mỹ cho IRS.



Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ

FATCA yêu cầu các công dân Mỹ, bao gồm cả các cá nhân sống bên ngoài nước Mỹ báo cáo về các tài khoản tài chính của họ bên ngoài nước Mỹ và yêu cầu các tổ chức tài chính nước ngoài báo cáo cho IRS về khách hàng người Mỹ của họ. Không giống như nhiều quốc gia phát triển khác, Mỹ áp thuế thu nhập với mọi công dân Mỹ, bất kể nơi cư trú, những người Mỹ sống ở nước ngoài phải nộp thuế Mỹ trên các khoản thu nhập ở nước ngoài. Theo đó, FATCA yêu cầu công dân Mỹ có tài sản tài chính nước ngoài với giá trị trên 50.000 USD phải báo cáo chi tiết thông tin về các tài sản đó theo một mẫu đơn được gắn cùng với tờ khai thuế hàng năm của những người nộp thuế. Việc báo cáo này được áp dụng cho các tài sản nắm giữ trong năm tài chính bắt đầu sau ngày 18/3/2010. Nếu không, công dân Mỹ sẽ bị phạt 10.000 USD, và tăng tiếp lên 50.000 USD nếu tiếp tục vi phạm sau thông báo của IRS. Ngoài ra, khoản thuế còn thiếu do các tài sản tài chính nước ngoài không khai báo sẽ chịu mức phạt bổ sung 40%. Nếu không tham gia vào thỏa thuận với IRS, thì các khoản thanh toán có nguồn gốc liên quan tới Mỹ của một tổ chức tài chính nước ngoài (FFI), bao gồm cổ tức và lợi nhuận do các doanh nghiệp Mỹ chi trả, sẽ chịu mức thuế khấu trừ 30%. FFI cũng sẽ chịu mức thuế 30% với toàn bộ tiền thu được từ việc bán tài sản liên quan tới Mỹ. Để tuân thủ FATCA, các tổ chức tài chính nước ngoài có thể ký thỏa thuận trực tiếp với IRS hoặc các nước đối tác ký thỏa thuận liên chính phủ (IGA) với Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ đưa ra 2 mô hình IGA để giảm bớt gánh nặng và hỗ trợ việc thực hiện FATCA tại các nước đối tác. Dạng mô hình tương hỗ cho phép các FFI báo cáo lên cơ quan chính phủ của nước sở tại trước, sau đó báo cáo lên IRS. Dạng mô hình không tương hỗ cho phép các FFI báo cáo trực tiếp lên IRS. Theo Ủy ban Phối hợp Quốc hội Mỹ về Thuế ước tính FATCA sẽ tăng nguồn thu từ thuế mỗi năm khoảng 792 triệu USD trong 10 năm tới. Trong khi đó, chi phí để tuân thủ FATCA của các tổ chức tài chính ước tính vào khoảng 8 tỷ USD mỗi năm, gấp gần 8 lần doanh thu ước tính.

Có ý kiến cho rằng FATCA là một thảm họa trong khi những người khác cho rằng, FATCA thể hiện tính minh bạch, chống hành động trốn thuế của những đối tượng Mỹ ở nước ngoài. Trên thế giới, một số nước cũng đang nghiên cứu áp dụng một số đạo luật tương tự để ngăn chặn hành vi trốn thuế của công dân nước mình, hoặc trao đổi thông tin song phương. Như vậy, trong tương lai, ngoài FATCA, hệ thống ngân hàng các nước sẽ phải làm quen với việc tuân thủ các đạo luật tương tự, nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi trong nền kinh tế toàn cầu.

Ngày 02/6/2014 Mỹ công bố danh sách hơn 77.000 ngân hàng và các thể chế tài chính khác thuộc gần 70 quốc gia trên toàn thế giới tham gia cuộc chiến chống trốn thuế do nước này khởi xướng. Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết các thực thể trên đã cam kết tham gia Đạo luật về việc tuân thủ thuế đối với các chủ tài khoản nước ngoài (FATCA) của Mỹ. Từ tháng 3/2015, các tổ chức tài chính này sẽ chia sẻ thông tin đầy đủ về các "tài khoản Mỹ" cho Sở Thuế vụ Mỹ (IRS). Phó Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách về thuế quốc tế - ông Robert B. Stack khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của quốc tế đối với FATCA là rất rõ ràng, và thành công này sẽ giúp chấm dứt nạn trốn thuế đồng thời thu hẹp các kẽ hở về thuế. Hiện Chính phủ Mỹ đã ký thỏa thuận thực thi FATCA với 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nước lớn như Pháp, Anh, Italy, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Đức, Ireland, Nhật Bản, Mexico, Na Uy, Thụy Sĩ, hay các "thiên đường thuế" như Jersey, Guernsey và đảo Man của Vương quốc Anh. Mỹ đang nỗ lực đàm phán để ký tiếp thỏa thuận với hơn 50 quốc gia khác trên thế giới.



Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS)

Mỹ và Singapore đạt được thỏa thuận nhằm ngăn chặn hành vi gian lận thuế của các công dân có tài khoản ở nước ngoài. Hai bên đã đạt thỏa thuận liên chính phủ (IGA), yêu cầu các ngân hàng, quỹ đầu tư của Singapore phải cung cấp thông tin về các cá nhân là công dân Mỹ có tài khoản hoặc khoản đóng góp từ 50.000 USD trở lên cho cơ quan thuế vụ nước sở tại và Sở Thuế vụ Mỹ (IRS). Với sự tham gia của Singapore, FATCA của Mỹ đã vươn tới một trong những trung tâm tài chính lớn nhất châu Á. Tương tự từ ngày 02/7/2014 các định chế tài chính Canada sẽ chính thức cung cấp các thông tin cá nhân cho Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS). Những chi tiết cá nhân của các khách hàng là công dân hoặc thường trú nhân Hoa Kỳ sẽ được gửi đến Thuế vụ Canada (Canada Revenue Agency - CRA) và CRA sẽ tự động chuyển cho IRS.

Việt Nam đã đăng ký với Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS) và được cấp mã GIIN và tham gia vào thỏa thuận FFIs. Ngày 30/6/2014, thỏa thuận FFIs bắt đầu có hiệu lực thi hành, cập nhật thông tin khách hàng để xác định chủ tài khoản Hoa Kỳ là công dân Hoa Kỳ hoặc có dấu hiệu Hoa Kỳ (U.S indicia). Đối với khách hàng là tổ chức có sở hữu đáng kể bởi Hoa Kỳ, việc thu thập thông tin đối với khách hàng mới sẽ tiến hành từ ngày 01/01/2015. Các tổ chức tín dụng cần yêu cầu chủ tài khoản Hoa Kỳ kê khai các mẫu biểu và cung cấp các tài liệu chứng minh phù hợp theo hướng dẫn.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán