Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Định hướng nền nông nghiệp Úc

Trong lịch sử, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Úc với sự thống trị về lúa mì và cừu trên thị trường thế giới trong nhiều thập kỷ. Gần đây, nông nghiệp Úc ngày càng trở nên đa dạng. Sự mở rộng đáng kể của đất trồng trọt đã giúp Úc trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về ngũ cốc, thịt và len. Ngũ cốc (chủ yếu là lúa mì, lúa mạch) và len trên toàn thế giới đều bị chi phối bởi xuất khẩu của Úc. Nông nghiệp đóng góp khoảng 3% GDP và sử dụng khoảng 4% tổng lực lượng lao động trực tiếp. Úc xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn là nhập khẩu. Sản xuất chăn nuôi chính là cừu (len và thịt cừu), thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm và các sản phẩm từ sữa. Xuất khẩu chiếm hơn 90% sản lượng len và bông, gần 80% lúa mì, hơn 50% lúa mạch và gạo, hơn 40% thịt bò và các loại đậu, 30% sản phẩm từ sữa và gần 20% sản lượng trái cây.



Sự phân bố sản xuất nông nghiệp ở Úc được quyết định bởi môi trường và khí hậu. Hệ thống trang trại truyền thống lớn sản xuất lúa mì và cừu được phân bổ khá đồng đều giữa các vùng của New South Wales, Victoria, Nam Úc và Tây Úc. Queensland, New South Wales và Victoria sản xuất phần lớn thịt bò. New South Wales sở hữu nhiều nhất các trang trại gia cầm lớn nhất. Mía và rau được trồng với quy mô lớn ở bang nhiệt đới Queensland, trong khi bông được sản xuất ở cả New South Wales và Queensland. Trái cây nhiệt đới như xoài và chuối được trồng ở New South Wales, Queensland, Tây Úc và các vùng lãnh thổ phía Bắc.

Theo số liệu thống kê được công bố vào tháng 9 năm 2017 từ Cục Nông nghiệp và Kinh tế tài nguyên & Khoa học Úc (Australian Bureau of Agricultural and Resource Economics and Sciences - ABARES) cho thấy, nông nghiệp Úc đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng GDP quốc gia trong năm 2016-2017 - 0,5% trong tổng mức tăng trưởng 1,9% của cả nước (62,8 tỷ USD vào năm 2016-2017). Ngành nông nghiệp tăng trưởng nhanh nhất trong số 19 ngành công nghiệp trong năm 2016-2017 với 23%, đặc biệt là ngũ cốc và chăn nuôi. Giá trị xuất khẩu nông sản được ABARES ước tính đã đạt 48 tỷ USD trong năm 2016-2017, cộng với xuất khẩu thủy sản khoảng 1,4 tỷ USD, lâm sản hơn 3 tỷ USD, rượu vang 2,4 tỷ USD, các loại hạt 822 triệu USD, và cam quýt hơn 330 triệu USD. Xuất khẩu hạnh nhân đã tăng hơn 50% trong nửa đầu năm 2017. Xuất khẩu đậu gà (chickpea) sang Ấn Độ đã tăng gần 90% trong năm 2016-2017, đạt giá trị kỷ lục lên tới 1,1 tỷ USD. Sự tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu rượu vang đã vượt qua Hoa Kỳ, đạt 596 triệu USD trong năm 2017. Sự phát triển ở thị trường Trung Quốc đã làm thay đổi một số ngành công nghiệp làm vườn đang gặp khó khăn ở Úc, bao gồm rượu vang, nho và cam quýt. 

Số liệu quốc gia tháng 9/2018 đã chứng minh tầm quan trọng của ngành nông nghiệp đối với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và là ngành tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2016-2017. Tốc độ tăng trưởng thay đổi theo mùa nhưng có xu hướng mạnh mẽ và ổn định. Ưu tiên của chính phủ Úc là thực hiện các chính sách hướng tới các ngành nông nghiệp có lợi nhuận, năng suất cao và bền vững trong tương lai. Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp như nghiên cứu và phát triển dịch vụ an toàn sinh học, quản lý tài nguyên nước, môi trường, hỗ trợ tiếp cận thị trường, và công nghệ kỹ thuật số vào nông nghiệp… Xuất khẩu nông sản của Úc đã được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, việc đàm phán tiếp cận thị trường được cải thiện ở các quốc gia này đối với hàng hóa của Úc để tối đa hóa giá trị của các hiệp định thương mại tự do. 

Một trong những lợi thế thương mại quan trọng của Úc là nhà cung cấp đáng tin cậy các sản phẩm nông nghiệp sạch, xanh và đẳng cấp thế giới. Quản lý tài nguyên nước là ưu tiên hàng đầu của Úc. Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ nông dân gặp khó khăn, quản lý các chương trình cho vay ưu đãi đối với những doanh nghiệp nông nghiệp, chính sách tiền gửi và tài trợ cho dịch vụ tư vấn tài chính nông thôn. Việc thành lập Tập đoàn Đầu tư Khu vực (Regional Investment Corporation - RIC) nhằm cung cấp các khoản vay ưu đãi cho doanh nghiệp nông nghiệp. RIC sẽ cung cấp các khoản vay trực tiếp cho nông dân, cung cấp và mở rộng một chương trình cho vay nông nghiệp mới, và áp dụng quy trình phê duyệt thống nhất trên toàn quốc. Chính phủ tài trợ cho việc nghiên cứu, phát triển và mở rộng nông thôn (Research Development & Extension - RD&E). Chính phủ đầu tư hơn 600 triệu USD hàng năm vào RD&E thông qua các tập đoàn nghiên cứu và phát triển nông thôn, cung cấp tài trợ các dự án thiết thực cho nông dân, bao gồm quản lý dịch sâu hại, sử dụng các công nghệ hiện đại để cải thiện chất lượng đất và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cao cấp. Năm 2017-2018, thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Úc là Trung Quốc với 11,8 tỷ USD, Nhật Bản (4,9 tỷ USD), Hoa Kỳ (3,9 tỷ USD) và Hàn Quốc (2,9 tỷ USD). Châu Á là thị trường lớn nhất của Úc đối với hàng nông sản, chiếm khoảng 67% trong năm 2017-2018, Châu Mỹ chiếm khoảng 10%, Châu Âu và Trung Đông lần lượt là 7% và 6%.



Trái cây của Úc

Công nghiệp 4.0 đang thúc đẩy sự đổi mới trong sản xuất, nông nghiệp 4.0 đang biến nông nghiệp kỹ thuật số thành hiện thực. Với dân số ngày càng tăng, tác động của biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp đang tìm cách để phát triển hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí. Thực hiện việc canh tác chính xác, máy kéo thông minh, máy bay không người lái, động thực vật được giám sát bởi các cảm biến, ngành nông nghiệp áp dụng công nghệ của Úc đang chuyển mình. Các nhà đầu tư và nhà nghiên cứu Úc đang phát triển các công nghệ nông nghiệp (agtech) và thực phẩm (foodtech) trong tương lai. Sự kết nối với các thị trường đang phát triển nhanh ở Châu Á, Úc đang tận dụng những lợi thế này để trở thành một trung tâm đổi mới của agtech và foodtech.

Chính phủ Úc đã đầu tư hơn 600 triệu đô la Úc vào nghiên cứu, phát triển nông nghiệp và hỗ trợ sáng kiến của Liên đoàn Nông dân Quốc gia (National Farmers’ Federation) để phát triển nông nghiệp thành ngành công nghiệp trị giá 100 tỷ đô la Úc vào năm 2030. Chính phủ Úc đã tìm kiếm đầu tư từ Vương quốc Anh để giúp thúc đẩy xuất khẩu và đổi mới nông nghiệp 4.0 tại Úc.

Theo tờ Australia Financial Review, nông nghiệp 4.0 ở Úc phát triển mạnh với hơn 300 công ty khởi nghiệp đưa ra các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề như hạn hán, bệnh cây trồng và quản lý chăn nuôi.



Để thúc đẩy sự tiến bộ trong nông nghiệp 4.0, Úc đã phát triển một nền tảng kỹ thuật số mới cho ngành agtech và foodtech, và kết nối các nhà đầu tư, xuất khẩu, đối tác nghiên cứu với chính phủ, khu vực tư nhân, các nhà lãnh đạo và các bên liên quan trong lĩnh vực này. Sáng kiến này sẽ kết nối các nhà đầu tư với nông dân Úc và các công ty khởi nghiệp agtech cũng như tạo ra nhiều cơ hội nghiên cứu và phát triển hợp tác hơn. Các phát minh, ứng dụng được thiết kế để làm thế nào các công nghệ mới có thể được áp dụng vào nông nghiệp ở Úc và có thể được xuất khẩu.

Dự án được xây dựng dựa trên thành tích ấn tượng của đất nước trong đổi mới nông nghiệp để tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và hợp tác trong cả agtech và foodtech. Mục đích của sáng kiến này nhằm biến Úc trở thành trung tâm toàn cầu cho đổi mới nông nghiệp và thực phẩm (agtech và foodtech), và nêu bật những tiến bộ công nghệ độc đáo, sự xuất sắc trong nghiên cứu, thành tích mạnh mẽ về chuyên môn đổi mới, cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ và các kênh xuất khẩu. Ngoài ra, Úc còn có sự hỗ trợ và quan tâm của chính phủ và những ngành công nghiệp khác với nỗ lực hợp tác nghiên cứu có lợi cho ngành công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp, cũng như cơ sở hạ tầng để phát triển và thử nghiệm các sản phẩm và công nghệ mới.

Úc có thể thành công với các sản phẩm và công nghệ mới thông qua các ngành công nghiệp thực phẩm, kinh doanh nông nghiệp và định hướng xuất khẩu, bao gồm chuỗi cung ứng được thiết lập tại thị trường châu Á - nơi nhu cầu thực phẩm dự kiến sẽ tăng. Năm 2016, Úc đã phát triển các nguồn lực hỗ trợ tập trung vào thương mại hóa, tăng trưởng và mở rộng quốc tế về nghiên cứu và đổi mới của agtech và foodtech. Nông nghiệp 4.0 rất quan trọng để nuôi sống dân số của thế giới đang gia tăng đồng thời đối phó với tác động của biến đổi khí hậu. Vai trò hợp tác giữa chính phủ và ngành nông nghiệp là rất quan trọng. Úc là nhà xuất khẩu nông sản đứng thứ 12 trên thế giới. Vì vậy, chính phủ hỗ trợ cho các nỗ lực nghiên cứu, đổi mới, đầu tư và thương mại hóa agtech và foodtech. Chính phủ muốn thấy sự tăng trưởng liên tục của thực phẩm từ cây trồng và sản phẩm từ agtech và foodtech của Úc được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Nông nghiệp 4.0 ở Úc có thể phát triển mạnh ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhờ các yếu tố như lao động giá rẻ và nguồn cung cấp nước được đảm bảo. Môi trường nông nghiệp thuận lợi và quỹ đất rộng lớn của Úc chắc chắn là mảnh đất màu mỡ cho sự đổi mới.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán