Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Hội nhập kinh tế của UAE

Bất chấp những biến động của giá dầu và sự suy thoái kinh tế toàn cầu, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vẫn duy trì một nền kinh tế ổn định. Có vị trí chiến lược giữa châu Á, châu Âu và châu Phi, UAE duy trì dự trữ tài chính mạnh và có một hệ thống ngân hàng an toàn cho các nhà đầu tư. Theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự trữ của UAE là 76,8 tỷ USD năm 2015 sẽ tăng lên 118,4 tỷ USD vào năm 2020.

Thặng dư tài khoản vãng lai sẽ tăng từ 17,6 tỷ USD năm 2015 lên 33,4 tỷ USD vào năm 2020. Standard & Poor's đã xếp hạng Abu Dhabi với chỉ số AA, cho thấy khả năng đáp ứng các cam kết tài chính rất mạnh trong thời gian dài hạn. Theo số liệu vào tháng 6 năm 2016 của Quỹ Tài chính Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi là quỹ đầu tư có chủ quyền lớn nhất ở Trung Đông và đứng thứ 5 trên thế giới với 792 tỷ USD. Theo Báo cáo Đầu tư Thế giới của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) năm 2014, UAE đứng thứ 11 với tư cách là nhà đầu tư hứa hẹn nhất về kinh tế.

Chính sách đa dạng hóa kinh tế đã dẫn tới sự phát triển ấn tượng trong các ngành then chốt như du lịch, vận tải hàng không, thương mại, dịch vụ tài chính, sản xuất và năng lượng thay thế. UAE đã có những tiến bộ trong việc chấm dứt sự phụ thuộc về kinh tế đối với hydrocarbon. Ngành dầu khí chiếm khoảng 30% GDP trong năm 2014, giảm từ 79% năm 1980.



UAE có nhiều khu thương mại tự do đặc biệt đa dạng, có nhiều ưu đãi về kinh tế như miễn thuế doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu. Có khoảng 35 khu thương mại tự do thuộc UAE. Theo báo cáo của Gulf News, các khu vực tự do đóng góp 33% lợi nhuận phi dầu mỏ của UAE vào năm 2014. Theo báo cáo kinh tế năm 2015, UAE thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài 37,07 tỷ AED (10,1 tỷ USD) trong năm 2014 với tốc độ tăng trưởng trung bình 16,4% trong giai đoạn 2010-2014. UAE được xếp hạng nhất trong số các quốc gia hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài ở khu vực Trung Đông và châu Phi.

Theo Báo cáo Năng suất Thế giới của IMD, UAE được xếp thứ nhất trong khu vực và đứng thứ 12 trên toàn cầu trong số 61 quốc gia được đánh giá về khả năng quản lý nguồn lực để tạo ra giá trị lâu dài.

Theo Cơ quan Thống kê và Năng suất Liên bang UAE, UAE được xếp hạng:

• Thứ nhất về chất lượng đường giao thông (Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu)

• Thứ nhất về tầm quan trọng của ICT đối với tầm nhìn của chính phủ (Báo cáo Công nghệ Thông tin Toàn cầu)

• Thứ nhất về chất lượng không khí và vận tải (Niên giám Năng lực cạnh tranh Thế giới)

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về đánh giá hiệu quả của 189 quốc gia trong việc “tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư”, UAE được xếp thứ nhất trong thế giới Ả Rập năm thứ 3 liên tiếp.

UAE đã phát triển một số chiến lược để thúc đẩy vị trí kinh tế và xã hội, đa dạng hóa thu nhập quốc gia dựa trên nền kinh tế tri thức và bền vững. Chính phủ UAE đã nhận ra tầm quan trọng của khu vực kinh tế Hồi giáo do sự gia tăng dân số Hồi giáo trên toàn thế giới, ước tính khoảng 1,6 tỷ người. Theo Chỉ số Kinh tế Hồi giáo Toàn cầu (GIEI) gồm 73 quốc gia, UAE nằm trong số 3 quốc gia hàng đầu về môi trường kinh tế Hồi giáo lành mạnh nhất thế giới.

Theo chương trình Tầm nhìn 2021 của UAE (UAE Vision 2021), UAE đang phấn đấu đa dạng hóa nguồn thu nhập mà không phụ thuộc vào dầu mỏ. Tháng 1 năm 2012, Phó Tổng thống - Thủ tướng Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Sheikh Mohammed đã khởi xướng chương trình “Sáng kiến Kinh tế xanh” theo phương châm “Một nền kinh tế xanh cho phát triển bền vững”. UAE tìm cách trở thành trung tâm toàn cầu và là mô hình thành công của nền kinh tế xanh nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo tính bền vững và bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai. UAE muốn dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này và được nhìn nhận là một trung tâm xuất khẩu và tái xuất các sản phẩm xanh về công nghệ, duy trì một môi trường bền vững để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế dài hạn. Sáng kiến bao gồm một loạt các chương trình và chính sách trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, đầu tư và vận tải bền vững cùng với các chính sách môi trường.

Năm 2015, chính phủ UAE đã đầu tư 300 tỷ AED để thúc đẩy nền kinh tế tri thức nhằm chuẩn bị cho một nền kinh tế UAE không phụ thuộc vào dầu mỏ. Chính sách Khoa học, Công nghệ và Sáng kiến của UAE đã khởi động 100 sáng kiến với các khoản đầu tư lớn vào giáo dục, y tế, năng lượng, giao thông, các lĩnh vực như người máy, năng lượng mặt trời, phát triển sở hữu trí tuệ, nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ sinh học.



Bộ trưởng Bộ Kinh tế UAE Sultan bin Saeed Al Mansoori

Hội nghị UAE ở giai đoạn hậu dầu mỏ được tổ chức vào ngày 30 và 31 tháng 1 năm 2016 tại Bab Al Shams ở Dubai. Các quan chức chính phủ liên bang và địa phương đã tham gia thảo luận các ý tưởng và sáng kiến góp phần đa dạng hóa nền kinh tế của UAE nhằm đảm bảo tính bền vững bằng cách nhấn mạnh vào nguồn lực con người, kiến thức và đổi mới. Hiện tại, UAE đang tiến hành lộ trình cho tương lai hậu dầu mỏ. Chiến lược sẽ bao gồm các ý tưởng và sáng kiến, tăng cường khả năng cạnh tranh của các khu vực kinh tế hiện tại và dần đưa vào các ngành mới, tạo sự đột phá về kinh tế của UAE theo tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Các nỗ lực của UAE nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ đang mang lại kết quả. Một loạt các ngành phi dầu mỏ tăng trưởng như phát triển cơ sở hạ tầng, du lịch, thương mại, hàng không, y tế, bảo hiểm, bất động sản và sản xuất. Động lực kinh tế này dự kiến sẽ cải thiện triển vọng nghề nghiệp và khả năng cạnh tranh của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán GDP thực sẽ tăng 3,4% trong năm 2018 (năm 2017 là 1,3%). GDP phi dầu mỏ có thể sẽ tăng lần lượt 3,3% năm 2017 và 3,4% năm 2018. Kinh tế dự kiến sẽ tăng dần trong những năm tới với giá dầu hồi phục khi tình hình chung toàn cầu được cải thiện. Các chính sách được cải cách đạt kết quả khả quan trong bảng xếp hạng toàn cầu, UAE hiện nằm trong số 10 nền kinh tế cạnh tranh nhất trên thế giới và đứng đầu trong khu vực. Các yếu tố đa dạng kinh tế đã bắt đầu đi vào thực tế và chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm 2017 đã chứng kiến sự cải thiện đáng kể nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của cả đơn hàng và sản lượng. Tương tự, sân bay Dubai đã đón 43 triệu hành khách trong nửa đầu năm 2017, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2016. Theo Oxford Economics, nền kinh tế UAE đang hưởng lợi từ sự phục hồi của thương mại toàn cầu và tăng trưởng trong ngành du lịch với tốc độ cao hơn các nền kinh tế vùng Vịnh khác. Theo BNC Network, hiện có 7.488 dự án xây dựng trị giá 228 tỷ USD đang được thiết kế, đấu thầu, và thi công trong 6 tháng đầu năm 2017, phần lớn các dự án ở Dubai dự kiến sẽ hoàn thành trước Triển lãm Quốc tế World Expo 2020. Với sự đầu tư của chính phủ về cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế đẳng cấp quốc tế, UAE đã nổi lên như một điểm đến đáng tin cậy để điều trị y tế ở khu vực Trung Đông và châu Phi, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và tài chính sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Nền kinh tế đa dạng của UAE sẵn sàng phục hồi vào năm 2018 bất kể yếu tố giá dầu, UAE đã trở thành trung tâm toàn cầu cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp tìm kiếm một hệ sinh thái đầu tư an toàn và hiệu quả. UAE là một trong số những nước được tìm kiếm nhiều nhất bởi các nhà đầu tư trên thế giới. Sự phụ thuộc kinh tế của UAE vào dầu mỏ đang giảm xuống mỗi năm. Ngoài các khu vực truyền thống tập trung vào logistics, thương mại, du lịch…, UAE hiện đang tìm kiếm các lĩnh vực mới như tài chính, công nghệ thông tin và truyền thông..., và cơ hội lớn phát sinh từ World Expo 2020.

Nhìn chung, nền kinh tế đã sẵn sàng cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao. UAE đang tích cực tăng trưởng theo khuôn khổ của UAE Vision 2021 với một chương trình nghị sự quốc gia cụ thể, và mục tiêu là UAE trở thành một trong những quốc gia tốt nhất trên thế giới. Ngoài ra, nhiều sáng kiến và dự án đang triển khai dự kiến sẽ là động lực phát triển thị trường và mang lại nhiều cơ hội tốt cho nền kinh tế. Điều này có nghĩa là cơ hội việc làm được tạo ra nhiều hơn cho người dân UAE, và nhiều người nước ngoài sẽ vào UAE để tìm kiếm cơ hội việc làm. UAE luôn là một nền kinh tế thân thiện với người tiêu dùng và tạo sự công bằng cho các nhà đầu tư. Bất cứ sự độc quyền nào từ các nhà đầu tư sẽ dẫn đến tăng giá, khuynh đảo thị trường…, chính phủ sẽ can thiệp để vô hiệu hóa những hành động này. Chi tiêu của chính phủ ngày càng tăng cho cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục, mang lại sự tự tin cho khu vực kinh tế tư nhân và cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài vào UAE. Ngành dịch vụ dự kiến sẽ phát triển tốt hơn so với các lĩnh vực khác trong kịch bản kinh tế vĩ mô hiện tại. Các chính sách về ngân hàng và quản lý sẽ chặt chẽ hơn trong lĩnh vực thuế (VAT) vào năm 2018. Trong số 300.000 công ty đăng ký, hiện ước tính khoảng 50% không có sổ sách kế toán thích hợp. Đây là một cơ hội việc làm rất lớn cho những người có chuyên môn về lĩnh vực này. Sự gia tăng hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) và một số lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế có dấu hiệu gia tăng cao dẫn tới sự tăng trưởng ổn định trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và tài chính. “UAE dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng GDP từ 3,5% đến 4% trong năm nay”, Bộ trưởng Kinh tế của nước này Sultan bin Saeed Al Mansoori cho biết.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán