Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Nền công nghiệp dầu khí Indonesia

Indonesia là nước chiếm vị trí quan trọng và lâu đời trong ngành công nghiệp dầu khí quốc tế. Tuy nhiên gần đây sản xuất đã không đáp ứng đủ nhu cầu nên phải nhập khẩu dầu trong những năm đầu thập niên 2000.

Là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) từ năm 1962 đến năm 2008, sau 7 năm bị đình chỉ tư cách thành viên, ngày 09/8/2015, Indonesia đệ trình lên tổ chức này đơn xin tái gia nhập. Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia Sudirman Said sẽ tham dự phiên họp thường kỳ tiếp theo vào ngày 04/12 /2015 của OPEC tại Vienna nhằm xem xét các thủ tục tái gia nhập.

Indonesia xếp hạng thứ 20 trong số các nước sản xuất dầu mỏ trên thế giới năm 2011, sản lượng chiếm khoảng 1%/ngày của thế giới về nhiên liệu lỏng. Ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt, bao gồm cả quá trình lọc dầu, đóng góp khoảng 7% GDP trong năm 2010 (theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Indonesia). Là quốc gia giàu tài nguyên, trong chế độ Suharto, Indonesia đạt sản lượng dầu đỉnh cao (khoảng 1,6 triệu thùng/ngày) vào giữa năm 1990. Tuy nhiên, khi bắt đầu cải cách những năm 2000 sản lượng dầu của Indonesia đã ở trong tình trạng suy giảm do quản lý yếu kém của chính phủ, kết hợp những yếu tố khách quan dẫn đến việc giảm đầu tư và khai thác trong ngành công nghiệp dầu mỏ. Trong năm 2014, Indonesia sản xuất trung bình 794.000 thùng dầu/ngày, thấp hơn mục tiêu của chính phủ đề ra là 818.000 thùng/ngày.

Trong khi đó, lượng dầu tiêu thụ tăng mạnh ở Indonesia do tăng trưởng kinh tế. Nhu cầu nhiên liệu ngày càng tăng đã được kích thích bởi chính sách của chính phủ vì các khoản trợ cấp nhiên liệu hào phóng (cho đến khi các khoản trợ cấp nhiên liệu bị hủy bỏ vào tháng 01/2015). Do nhu cầu nhiên liệu cao trong nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á nên hiện nay Indonesia nhập khẩu khoảng 350.000 thùng dầu/ngày để đáp ứng nhu cầu trong nước. Giảm sản lượng dầu và tăng mức tiêu thụ nhiên liệu biến Indonesia thành một nước nhập khẩu dầu ròng giữa những năm 2000 và dẫn đến việc chính thức rời khỏi OPEC vào tháng 01/ 2009. Tuy nhiên, sản lượng dầu của Indonesia dự kiến sẽ tăng trở lại trong năm 2015 khi các lĩnh vực dầu Bukit Tua (một phần của khối Ketapang ở Đông Java, điều hành bởi Petronas Carigali) đã đi vào hoạt động vào tháng 3/2015, trong khi sản lượng tại Cepu Block (cũng nằm trong khu vực Đông Java) dự kiến sẽ đạt tỷ lệ sản xuất cao vào tháng 10/ 2015. Sự phát triển này giúp chính phủ Indonesia có đủ sự tự tin để gửi yêu cầu đến OPEC để kích hoạt tư cách thành viên đầy đủ trong năm 2015. Indonesia có kế hoạch khai thác 21 lô dầu khí trong phiên đấu thầu vào năm 2016 nhằm thu hút đầu tư từ các nhà khai thác lớn trên thế giới gồm các mỏ dầu, khí đốt, đá phiến và khí metan vỉa than (CBM), Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản (MEMR) cho biết trong một buổi điều trần tại Hạ viện Indonesia (theo Jakarta Post).

Ngành dầu mỏ của Indonesia phần lớn do các tập đoàn dầu khí quốc tế chi phối như Chevron, Total, ConocoPhiliips, Exxon và BP. Các Tập đoàn CNOOC của Trung Quốc và KNOC của Hàn Quốc cũng có cổ phần đáng kể tại đây. Chevron là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất ở Indonesia, chiếm khoảng hơn 45% tổng sản lượng dầu thô của nước này trong năm 2012. Kế đến là PT Pertamina, công ty cung cấp năng lượng thuộc sở hữu nhà nước Indonesia, chiếm khoảng 17% sản lượng dầu thô và condensate trong nước theo báo cáo tháng 3/2012 của PwC về dầu mỏ và khí đốt tại quốc gia có nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Luật Dầu mỏ và khí đốt 2001 của Indonesia đã cơ cấu lại đáng kể lĩnh vực dầu và khí ở thượng nguồn của Indonesia, chuyển giao vai trò điều tiết thượng nguồn từ PT Pertamina sang BPMigas, một pháp nhân thuộc sở hữu nhà nước quản lý và triển khai thực hiện các hợp đồng phân chia sản lượng. Ngoài các hoạt động thượng nguồn, PT Pertamina hoạt động gần như toàn bộ công suất của nhà máy lọc dầu ở Indonesia. Với quyết định tháng 12/2010 xóa bỏ trợ cấp nhiên liệu, Pertamina phải cân bằng các nhu cầu của mình, bao gồm gia tăng lợi nhuận xuất khẩu so với nhiệm vụ là một công ty dầu mỏ quốc gia chịu trách nhiệm đáp ứng nhu cầu trong nước.

Theo Oil & Gas Journal (OGJ), Indonesia có trữ lượng khoảng 3,9 tỷ thùng dầu tính đến tháng 01/2012. Tổng sản lượng dầu khai thác giảm từ mức cao gần 1,7 triệu thùng/ngày năm 1991 xuống dưới 1 triệu thùng/ngày năm 2011. Trong đó, khoảng 900.000 thùng/ngày là dầu thô và condensate, trong khi sản lượng các sản phẩm lọc dầu tăng lên từ năm 1998 thì sản lượng dầu thô và condensate đã giảm với tốc độ hàng năm là 3,8% từ năm 1998 đến 2011. Hai mỏ dầu lâu đời và sản lượng lớn nhất ở Indonesia là Duri và Minas, ở lưu vực Nam Sumatra. Duri bắt đầu cho sản lượng vào năm 1952 và hiện nay trung bình khoảng 185.000 thùng/ngày. Mỏ Minas đi vào hoạt động năm 1955 và hiện đang sản xuất khoảng 70.000 thùng/ngày.

Tháng 11/2011, ExxonMobil đã phát hiện mỏ dầu mới tại Cepu với sản lượng sẽ đạt 165.000 thùng/ngày. Mặc dù được phát hiện vào năm 2001, dự án này đã nhiều lần trì hoãn trong quá trình phát triển. Banyu Urip hiện là mỏ dầu sản xuất duy nhất trong hợp đồng phân chia sản lượng Cepu và đạt mức khoảng 20.000 thùng/ngày. BPMigas cho biết, Cepu khai thác 90.000 thùng/ngày năm 2014, và tăng công suất sau năm 2015. Ngoài lưu vực Sumatra, Indonesia còn sản xuất lượng dầu lớn từ lưu vực Đông Java với thỏa thuận hợp tác giữa PT Pertamina và PetroChina, sản xuất khoảng 43.000 thùng/ngày. BPMigas và chính phủ Indonesia đưa ra các chính sách nhằm mục đích tăng cường đầu tư trong lĩnh vực thượng nguồn của nước này, các nhà máy lọc dầu ở Indonesia chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, nhưng chỉ đáp ứng khoảng 70% tiêu thụ nội địa. Indonesia cũng là nước đầu tiên đưa ra mô hình hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) còn đang được áp dụng rộng rãi trong quan hệ giữa nước chủ nhà với các công ty dầu khí nước ngoài và mô hình này đã có nhiều cải tiến để phù hợp với điều kiện của từng nước. Trong quản lý nhà nước, từ sau ngày giành được độc lập (1945), các đời tổng thống đã ban hành luật số 44-1960, trong đó quy định các nguyên tắc quan hệ giữa nhà nước và các công ty dầu khí hoạt động ở Indonesia thay thế luật dầu mỏ thời thuộc địa do Hà Lan ban hành năm 1899 và Luật dầu khí 2001.

Indonesia không còn là nước xuất khẩu dầu và đã tiết kiệm được 8 tỷ USD tiền nhập khẩu xăng (theo Financial Times), nhờ giá dầu rẻ, giảm được 1/3 số tiền trợ cấp nhiên liệu cho người dân theo chính sách năng lượng nội địa, giúp gia tăng 1,1% GDP năm 2014 và sẽ là 1,5-2% năm 2015. Lạm phát tính năm 2014 đã giảm từ 8% xuống còn 1,5%. Đầu năm 2014 cung - cầu dầu mỏ trên thị trường thế giới gần ở mức 93 - 94 triệu thùng/ngày, cung vượt cầu 800.000 thùng/ngày nên giá dầu vẫn ở mức cao và nói chung vẫn có khuynh hướng tăng nhẹ theo thời gian. Tuy nhiên, ngoài dự kiến của các nhà kinh tế thế giới, bắt đầu từ quý 3/2014 đến đầu năm 2015, giá dầu thế giới trượt dốc, đến tháng 01/2015 chỉ còn khoảng 45% giá trung bình của những tháng đầu năm 2014. Vì vậy, Hội Dầu khí Indonesia có thể phải giảm chi phí đầu tư đến 20% trong năm nay, riêng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Pertamina có thế cắt giảm đầu tư 50% vốn do thiếu ngân sách và do giá dầu xuống thấp nên đầu tư nước ngoài cũng bị giảm đáng kể. Năm 2014, thu nhập từ thuế dầu khí chỉ chiếm 14,4% ngân sách quốc gia trong lúc trợ cấp cho ngành điện và xăng dầu chiếm đến 20% (theo Stratfor).

Indonesia dự định sản xuất 825.000 thùng dầu/ngày năm 2015, tăng hơn 3,9 % so với 794.000 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Sudirman Said đề xuất một mục tiêu sản xuất 849.000/ngày trong cuộc gặp với Chủ tịch của BPMigas Kardaya Warnika, nhưng con số này đã được điều chỉnh giảm do giá dầu thấp như hiện nay, nguồn tài nguyên khí đốt quan trọng hầu hết nằm ở phía Đông trong khi các trung tâm tiêu thụ chính lại chủ yếu nằm ở phía Tây, đặc biệt là Java.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán