Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Ngân hàng Trung ương Châu Âu cảnh báo về gánh nặng nợ

Các khoản nợ của chính phủ và của các công ty có thể dẫn đến tình trạng bán tháo, làm chậm tiến độ phục hồi kinh tế.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vừa đưa ra cảnh báo mức tăng nợ của các chính phủ và công ty trong khu vực đồng tiền euro khiến dư chấn từ cơn đại dịch dễ dàng gây ra bất ổn về tài chính hơn.



Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cảnh báo rằng giá thị trường bất động sản lao dốc sẽ đe doạ tới cân đối tài chính ở các ngân hàng - Ảnh: Bloomberg

Tuy ngọn lửa hy vọng có thắp lên sau khi mức lạm phát giảm và tốc độ tiêm vắc-xin tăng, nhưng theo báo cáo nửa năm của ECB vào hôm 19 tháng 5 thì viễn cảnh an toàn cho khối Liên minh vẫn còn quá xa vời.

Luis de Guindos, Phó chủ tịch ECB, có phát biểu: “Chúng tôi tin tình hình kinh tế và tài chính sẽ phục hồi. Tuy nhiên, thực tế là cơn đại dịch sẽ để lại một khoản nợ lớn và một bảng cân đối tài chính không mấy đẹp đẽ; nếu không khắc phục ngay, những vấn đề đó có thể dẫn đến can thiệp mạnh về giá hoặc căng thẳng tài chính hoặc khiến cho nền kinh tế phục hồi ngày càng chậm.”

ECB cho biết tổng nợ của các chính phủ đồng tiền euro tăng từ con số 86% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2019 lên 100% vào năm ngoái. Song, lãi suất cho vay thấp đã phần nào giảm chi phí cho việc tài trợ các khoản nợ. Mức nợ công quốc gia vẫn còn cao trong năm tới, bởi quá nửa trong số 19 nước sử dụng đồng tiền euro vẫn chịu thâm hụt ngân sách cao hơn 3% GDP, theo dự đoán của ECB.

De Guindos cho biết ECB sẽ tiếp tục giữ vững “tình trạng tài chính thuận lợi” cho các chính phủ, các doanh nghiệp, và các hộ gia đình và việc rút lại các gói hỗ trợ tài chính “cần phải diễn ra từ tốn và cực kỳ thận trọng”, theo đúng tiến độ phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng một khi nền kinh tế sử dụng đồng euro quay lại mức trước đại dịch - vốn được ECB dự báo sẽ diễn ra vào giữa năm sau - “các chính phủ cần phải đặt ra các kế hoạch củng cố tài chính khả thi” để hạ mức nợ.

Theo ECB, việc chính phủ bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ ngầm các doanh nghiệp lớn, như các hãng hàng không chẳng hạn, sẽ càng làm tăng mức nợ công. Điều này sẽ tạo ra “quan hệ lòng vòng giữa nhà nước - ngân hàng - doanh nghiệp”. ECB cũng cho biết bảo lãnh vay vốn cho khu vực công có thể chiếm đến 14% GDP nhưng hiện số vốn vay được nhận chỉ khoảng 4% GDP.

Cũng theo ECB, mức nợ doanh nghiệp tăng nhanh nhất ở các công ty sử dụng đòn bẩy tài chính. Đối với các công ty có mức nợ lớn hơn 90% các doanh nghiệp khác, tỷ lệ nợ/cổ phần đã gia tăng từ 220% trước đại dịch lên 270% vào năm ngoái.

Số lượng doanh nghiệp tuyên bố phá sản trong khối đồng tiền chung euro giảm 20% trong vừa rồi, nhưng Guindos cho rằng con số đó sẽ tăng vào năm nay. Mức độ gia tăng sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ chính phủ thu hồi các khoản trợ cấp.

Thị trường cho thuê mặt bằng bị ảnh hưởng nặng nề khi công việc và dịch vụ mua sắm chuyển sang kênh trực tuyến. ECB cho rằng giá bất động sản sẽ tiếp tục lao dốc, đe doạ nhiều ngân hàng trong khối đồng tiền euro bởi mảng này chiếm đến 7% tổng mức cho vay trong khu vực tư nhân.

Thấy được các thị trường vốn “vô cùng năng động” mặc cho hàng loạt trái phiếu bị bán tháo tại Mỹ vào đầu năm nay, ECB phát biểu: “Giá biến động bất ổn như vậy đặt ra nghi vấn về mức độ minh bạch và số lượng đòn bẩy sử dụng trong các thị trường tài chính.”

Ngân hàng Trung ương cũng cho rằng đợt tăng kỷ lục của bitcoin vừa qua “cao hơn hẳn những bong bóng tài chính trước đó như “bong bóng hoa tu-líp” thế kỷ 17 và “bong bóng công ty South Sea” thế kỷ 18. Tuy gọi đầu tư tiền ảo là “việc đầu cơ đầy rủi ro”, ECB vẫn kết luận “hiện tại thì rủi ro bất ổn về tài chính” của loại hình này “vẫn khá thấp”.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán