Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh Việt Nam

Toàn cảnh Việt Nam

Đề xuất cơ chế thu học phí mới

Nghị định 49 về cơ chế thu, sử dụng học phí với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân sẽ kết thúc vào năm 2015. Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ quan chức năng đề xuất khung học phí mới cho giai đoạn 2016-2020, hoặc 2016-2025.

Khung học phí cho giai đoạn tiếp theo được đề xuất dựa trên một biến số nào đó như: chỉ số giá, mức lương cơ sở... và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội.

Để có cơ sở đề xuất cơ chế thu học phí cũng như chính sách miễn giảm học phí cho giai đoạn tiếp theo, Bộ GD&ĐT đề nghị các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo, tổng hợp báo cáo của những cơ sở đào tạo trực thuộc để đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 49.

Báo cáo cần nêu rõ số thu học phí và kinh phí thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ kinh phí học tập theo từng năm của các trường. Trong đó, cần có đánh giá mặt tích cực, hạn chế, khó khăn khi thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, mức độ phù hợp của khung học phí với điều kiện kinh tế xã hội thực tế, có đánh giá tác động với xã hội và người học.

Giai đoạn 2010-2015, mức trần học phí đối với đào tạo trình độ đại học tại trường công lập được quy định theo các nhóm ngành đào tạo, tăng dần từng năm từ 290.000 đến 800.000 đồng/tháng/sinh viên. Học phí của giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà cũng điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm.



Khung học phí giáo dục mầm non và phổ thông theo Nghị định 49 năm 2010 của Chính phủ.

Theo PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khung học phí hệ đào tạo công lập hiện tại “nhẹ cho người học nhưng khó cho các nhà trường và lạc hậu với các cơ sở đào tạo dân lập”. Mức thu 450.000 đồng/tháng/sinh viên, chỉ đủ để Học viện trả lương cải thiện đời sống cho cán bộ giáo viên. Việc xây dựng, đầu tư trang thiết bị phục vụ đào tạo, nhất là máy móc đào tạo báo chí, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ ngân sách Nhà nước.

“Không phải lúc nào Nhà nước cũng bao cấp cho các trường được. Theo tôi nên để nhà trường tự chủ tài chính. Tăng học phí là hợp lý nhưng cần có lộ trình và phải tùy thuộc vào thu nhập hàng năm của xã hội, phù hợp với điều kiện kinh tế của số đông người học. Đây là bài toán cần tính kỹ lưỡng”, PGS Ngọc Nam nói.

Theo QUỲNH TRANG
(Vnexpress)

1[2]3456  

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán