Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Shell – Tập đoàn dầu khí đa quốc gia

Royal Dutch Shell, thường được biết đến với tên gọi Shell, được thành lập vào năm 1907. Đây là tập đoàn dầu khí đa quốc gia liên kết giữa Hà Lan và Anh và là một trong những tập đoàn năng lượng tư nhân lớn nhất trên thế giới. Trụ sở của Shell đặt tại The Hague - Hà Lan, trụ sở đăng kí đặt tại London (Shell Centre). Người sáng lập ra Shell là Marcus Samuel. Cha ông là người Do Thái sang định cư tại Anh. Marcus Samuel sinh năm 1851 tại London và mang quốc tịch Anh. Marcus đã khởi nghiệp kinh doanh từ những chiếc vỏ sò, vỏ ốc trai... Ông thừa hưởng từ người cha mang dòng máu Do Thái sự thông minh và khả năng nhìn nhận sự việc. Lúc nhỏ, Marcus Samuel cùng cha đi khắp nơi trên thế giới cũng như cùng ngồi đàm phán với khách hàng và người dân bán vỏ sò. Tuổi thơ của ông gắn bó với những chiếc vỏ sò, chính vì vậy mà sau này Marcus Samuel đã đặt tên công ty là Shell.



Marcus Samuel, người sáng lập ra Công ty Vận tải và Thương mại Shell

Sự ra đời của động cơ đốt trong vào năm 1886 dẫn đến nhu cầu sử dụng dầu lửa làm nhiên liệu tăng nhanh. Với kinh nghiệm vận chuyển hàng hải, Marcus cùng anh trai điều hành đội tàu chạy bằng hơi nước để vận chuyển dầu với khối lượng lớn và làm thay đổi ngành vận chuyển dầu bằng hàng hải. Chuyến tàu chở dầu đầu tiên mang tên Murex được thực hiện vào năm 1892. Murex cũng là tàu chở dầu đầu tiên trên thế giới đi qua kênh đào Suez. Năm 1897, công ty gia đình Samuel lấy tên là "Shell Transport and Trading Company" với logo đặc trưng mang hình vỏ sò. Trước sự thống trị của Standard Oil, Shell Transport liên kết với Công ty Royal Dutch Petrolem năm 1903. Năm 1907, hai công ty sát nhập để thành lập Tập đoàn Royal Dutch Shell, logo hiện nay do nhà thiết kế Raymond Loewy giới thiệu vào năm 1971.

Chủ tịch của Shell là Jorma Ollila và CEO là Peter Voser. Peter Voser bắt đầu làm việc cho Shell năm 1982. Năm 2004, ông được bổ nhiệm làm giám đốc tài chính và đảm nhiệm vị trí CEO vào năm 2009. Tháng 5 vừa qua, có thông tin cho rằng Peter Voser sẽ nghỉ hưu vào năm 2014.



Peter Voser - Ảnh: AP Photo/Kirsty Wigglesworth

Ở cương vị cao nhất, Peter Voser đã biến Shell trở thành công ty dầu khí với doanh thu 467,2 tỉ USD (số liệu năm 2012) và lớn thứ 2 thế giới với 87.000 nhân viên và có chi nhánh ở 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với 11 dự án đang triển khai, Shell đặt mục tiêu triển khai 30 dự án mới đến năm 2020. Jorma Ollila cho biết, với sự điều hành của Peter Voser, thành tích đạt được trong 4 năm qua của Shell rất ấn tượng. Peter Voser tiến hành tái cơ cấu công ty, triển khai một chiến lược với danh mục vốn đầu tư mạnh mẽ. Doanh thu Shell quý 3 năm 2013 đạt 118,26 tỷ USD. Lợi nhuận ròng vào khoảng 4,677 tỷ USD. Shell tăng cổ tức thêm 5% tới mức 0,45 cent/cổ tức. Trong năm 2012, Shell đã chi 11 tỷ USD để thưởng cho các nhà đầu tư (Theo The Guardian tháng 5/2013).

Vào những năm 1920, Shell trở thành công ty dầu khí hàng đầu thế giới. Sản xuất chiếm 11% lượng dầu thô của thế giới và sở hữu 10% trọng tải tàu chở dầu. Những năm 1950, 5 năm sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, nền công nghiệp ô tô bùng phát mạnh mẽ. Shell mở rộng thị trường sang các nước châu Phi và Nam Mỹ. Vận chuyển đường biển được mở rộng và nâng cấp đáp ứng cho nhu cầu vận chuyển lớn. Năm 1947, Shell khoan giếng dầu thương mại đầu tiên ngoài khơi Vịnh Mexico, năm 1955 Shell đã có được 300 giếng dầu và năm 1958 Shell bắt đầu khai thác ở Nigeria. Thập niên 1970 ghi nhận về sự hiện diện và phát triển các giếng dầu của Shell ở North Sea và Nam Mỹ, điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì nguồn cung cấp ở Trung Đông bị giảm sút(*). Năm 1978, Shell hoàn thành giàn khoan và khai thác Cognac ở Vịnh Mexico, đây là giàn khoan cao nhất thế giới với chiều cao 335,2m.

Thập niên 1990, thế giới ngày càng chú ý đến vấn đề môi trường, Shell bị chỉ trích về kế hoạch phá bỏ giàn khoan Brent Spar và gặp không ít khó khăn tại Nigeria. Vì vậy, công ty mở rộng hoạt động sang Trung quốc và Nga. Từ năm 2005, Shell bắt đầu quan tâm đến các sản phẩm khí thiên nhiên hóa lỏng và các sản phẩm từ khí hóa lỏng, phát triển nhiên liệu sinh học bền vững và tham gia vào các dự án năng lượng gió.



Sản phẩm của Shell có mặt ở khắp nơi trên thế giới

Trong suốt quá trình phát triển với các chương trình marketing và tầm nhìn của ban lãnh đạo, Shell được biết đến như là một trong 100 nhãn hiệu dễ nhận biết nhất trên thế giới với logo con sò màu vàng sọc đỏ. Theo báo cáo hàng năm về các nhãn hiệu toàn cầu, trị giá thương hiệu của Shell hiện nay là 29 tỷ USD (tăng 35% so với năm 2012). Cơ cấu tổ chức của Shell bao gồm các ngành kinh doanh: Thượng nguồn châu Mỹ (Upstream Americas), Thượng nguồn Quốc tế (Upstream International), Hạ nguồn (Downstream) và Dự án & Công nghệ (Projects & Technology). Các cơ sở này chi phối tất cả các hoạt động của Shell từ sản xuất đến kinh doanh trên toàn thế giới.

Bên cạnh những mục tiêu tài chính Shell cam kết đảm bảo môi trường và những yếu tố xã hội trong bất cứ hoạt động nào của công ty. Năm 1997, Shell xuất bản cuốn "Báo cáo của Shell" công khai các hoạt động về môi trường, đạo đức và xã hội. Báo cáo của tổ chức diễn đàn doanh nghiệp toàn cầu (Management & Excellence) đánh giá Shell là công ty kinh doanh đạo đức nhất trong ngành công nghiệp dầu nhớt 2005, tiếp đến là Exxon/Mobil và BP. Những đánh giá về đạo đức này chủ yếu dựa trên đánh giá các lĩnh vực của đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, trong sạch, bảo vệ môi trường và hợp tác với chính quyền.

Tập đoàn Shell ngày nay có tới hàng trăm công ty con có mặt khắp nơi trên thế giới với hơn 40.000 cửa hàng cung ứng các sản phẩm như: xăng xe, dầu nhớt, sản phẩm chăm sóc xe, thực phẩm, nước uống, rau quả, sản phẩm du lịch,... Tất cả đều mang lại lợi nhuận cao, những sản phẩm và dịch vụ mới vẫn tiếp tục ra đời.

Shell là thành viên chính của dự án "Mobility 2030" do Hiệp hội Phát triển nhiên liệu Thế giới. Tháng 5/2013, Shell đầu tư vào một số dự án bao gồm dự án nước sâu ở Nigeria và một dự án lọc dầu ở Oman. Hãng cũng đã nhất trí mua một phần danh mục đầu tư khí gas thiên nhiên hóa lỏng của Repsol bên ngoài khu vực Bắc Mỹ. Ở Anh, hãng tiếp tục tăng lượng cổ phần đáng kể trong mỏ dầu ngoài khơi Schiehallion ở phía Tây quần đảo Shetland.

Shell hiện có hơn 1 triệu cổ đông, người Anh chiếm đa số với khoảng 40%, người Hà Lan 20% và người Mỹ là 15%. Tính quốc tế của Shell không chỉ thể hiện trong cơ cấu cổ đông mà còn trong Hội đồng quản trị và Ban điều hành. Các thành viên lãnh đạo chủ chốt của Shell đến từ nhiều nước khác nhau như: Anh, Hà Lan, Pháp, Mỹ, Ailen... Hiện nay, Shell có 3 công ty hoạt động tại Việt Nam bao gồm: Shell Việt Nam, Shell Gas (LGP) Việt Nam và Shell Gas (LGP) Hải Phòng.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

(*) Khủng hoảng dầu mỏ

Kể từ khi Gaddafi lên nắm chính quyền ở Libya vào năm 1969, sản lượng dầu bị cắt giảm và giá dầu tăng cao. Các nhà sản xuất dầu khác cũng đe dọa làm điều tương tự. Chiến tranh Yom Kippur 1973 xảy ra dẫn đến khủng hoảng dầu mỏ. Trong vòng vài tuần, các quốc gia khối OPEC tăng giá dầu lên gấp bốn lần.

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán