Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Sân khấu & Điện ảnh

Sân khấu & Điện ảnh

Những bộ phim có kinh phí sản xuất lớn nhất trong lịch sử điện ảnh

Với kinh phí đầu tư khổng lồ, các bộ phim bom tấn đã mang đến sự mãn nhãn cho khán giả với những đại cảnh hoành tráng, dàn diễn viên siêu sao hay khung cảnh siêu thực, huyền ảo cùng công nghệ làm phim tối tân.

Pirates of the Caribbean: On Stranger Tides (2011)

Phần bốn của loạt phim "Cướp biển vùng Caribbe" nắm giữ danh hiệu bộ phim có kinh phí sản xuất cao nhất lịch sử với 378,5 triệu USD.

Hãng Disney đã phải chi trả một khoản thù lao lớn cho một dàn sao như Johnny Depp, Penelope Cruz, Geoffrey Rush hay nhà soạn nhạc lừng danh Hans Zimmer. Bên cạnh đó, phim áp dụng công nghệ máy quay 3D, Motion Captures, Imocap… Đây được xem là khoản đầu tư “đắt xắt ra miếng” khi bộ phim thu về 1 tỷ USD trên toàn cầu.


Cướp biển vùng Caribbe - Ảnh: www.fanpop.com

The Avengers: Age of Ultron (2015)

Bộ phim được trình làng trong tháng 5/2015 là một trong những bộ phim có kinh phí khổng lồ với chủ đề nóng bỏng, những trận chiến long trời lở đất cùng với sự góp mặt của hàng loạt siêu sao điện ảnh hạng A của Hollywood. Câu chuyện về các siêu anh hùng của Marvel với những cái tên như: Captain American, Hulk, Iron Man, Thor, Black Window có khoản đầu tư 279,9 triệu USD. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng đã mang về 1.159 triệu USD, phim trở thành con gà đẻ trứng vàng của Marvel Studios - một công ty con của Walt Disney.


The Avengers - Ảnh: www.coolwallpaperhq.com

John Carter (2012)

Không phải lúc nào, những khoản đầu tư khủng cũng hiệu quả. "John Carter" chính là một ví dụ điển hình. Với kinh phí đầu tư lên đến 263,7 triệu USD, nhưng bộ phim "khoa học viễn tưởng" này đã trở thành quả bom xịt khi chỉ mang về cho nhà sản xuất 281,1 triệu USD từ phòng vé. "John Carter" đã trở thành một thất bại thảm hại, bởi ngoài số tiền đầu tư vào sản xuất, Walt Disney đã bỏ ra không dưới 300 triệu USD tiền quảng bá giới thiệu bộ phim đến với công chúng trên khắp thế giới.

Dàn diễn viên thiếu sức hút, nhiều chi tiết thừa... là những nguyên nhân khiến "John Carter" không thể thành công như kỳ vọng.


John Carter - Ảnh: disney.wikia.com

Spider-Man 3 (2007)

Năm 2007, "Spider-Man 3" trở thành tác phẩm điện ảnh đắt giá nhất trong lịch sử làm phim của Hollywood, với những màn kỹ xảo điện ảnh hoành tráng tiêu tốn số tiền 258 triệu USD. Dù được đánh giá rất cao về mặt hiệu quả hình ảnh so với 2 phần trước, nhưng ở phần 3 này, kịch bản của bộ phim lại bị cho là không tạo ra sức thu hút với khán giả. Nhưng với lợi thế và danh tiếng, bộ phim cũng đã mang về cho nhà sản xuất doanh thu khả quan với 890 triệu USD.


Spider Man - Ảnh: en.wikipedia.org

Harry Potter and the Half-Blood Prince (2009)

Phần 6 của "Harry Potter" với câu chuyện về cuốn sách kỳ bí của "Hoàng tử lai" đã tiêu tốn 250 triệu USD để hoàn thiện, nhưng bù lại đạt hơn 900 triệu USD doanh thu.

Những màn ma thuật và cảnh chiến đấu, đặc biệt là trường đoạn cụ Dumbledore (Michael Gambon) dùng lửa đánh bại những thây ma... đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả. Phim còn nhận giải Oscar ở hạng mục "Quay phim đẹp nhất".


Harry Potter and the Half-Blood Prince - Ảnh: www.imdb.com

The Hobbit: The Battle of The Five Armies (2014)

Nhà sản xuất không tiếc tiền đầu tư cho những bối cảnh kỹ xảo hoành tráng, ứng dụng những công nghệ quay phim 3D tiên tiến và một chất lượng hình ảnh vượt trội. Phần cuối cùng trong series nổi tiếng "The Hobbit" được chuyển thể từ cuốn sách nổi tiếng của nhà văn Tolkien, đạo diễn Peter Jackson đã ứng dụng gần như tất cả những tinh hoa từ nhân lực cho đến kỹ thuật của Hollywood. Phim có chi phí lên tới 250 triệu USD, và mang về cho nhà sản xuất 955,1 triệu USD.


The Hobbit - Ảnh: www.themarysue.com

Avatar (2009)

Vốn đầu tư cho bộ phim "Avatar" được thông báo chính thức là 237 triệu USD nhưng trên thực tế, con số này lên tới 300 triệu USD.

"Ông hoàng phim bom tấn" James Cameron đã ấp ủ thực hiện "Avatar" từ năm 1994, song vào thời điểm đó công nghệ điện ảnh vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của ông. Đến năm 2006, Cameron mới triển khai dự án. "Avatar" được quay hoàn toàn bằng máy quay 3D, sử dụng công nghệ nắm bắt chuyển động motion-capture để đưa những người Na’vi lên màn ảnh rộng.

"Avatar" trình chiếu đã xô đổ hàng loạt kỷ lục về doanh thu và là bộ phim đầu tiên trong lịch sử có doanh thu 2,7 tỷ USD. "Avatar" hiện vẫn nắm vững vị trí "Phim ăn khách nhất trong lịch sử". Không chỉ thành công về doanh thu, bộ phim còn là một "kỳ quan điện ảnh" xét về mặt công nghệ và là bước đột phá trong lĩnh vực làm phim với hình ảnh hành tinh Pandora đẹp huyền ảo. Đạo diễn James Cameron đã trở thành một huyền thoại, tượng đài tiêu biểu cho thế hệ làm chủ công nghệ số trong điện ảnh.


Avatar - Ảnh: en.wikipedia.org

Titanic (1997)

Câu chuyện cảm động của đạo diễn James Cameron có kinh phí 285 triệu USD nhưng doanh thu thu về kỷ lục 1,8 tỷ USD và đoạt được 11 giải Oscar.

Phim lấy ý tưởng dựa trên vụ đắm tàu RMS Titanic nổi tiếng trong lịch sử vào năm 1912, với sự tham gia của các diễn viên chính Leonardo DiCaprio và Kate Winslet trong vai hai con người đến từ hai tầng lớp khác nhau trong xã hội, họ đem lòng yêu nhau trên chuyến ra khơi đầu tiên của con tàu xấu số. Quá trình sản xuất phim bắt đầu từ năm 1995, khi Cameron bắt đầu quay cảnh xác chiếc Titanic đắm nằm dưới đáy đại dương. Một con tàu Titanic mới cũng đã được dựng lại ở Playas de Rosarito thuộc Baja California. Các mô hình thu nhỏ và công nghệ mô phỏng hình ảnh trên máy tính được sử dụng để tái tạo cảnh tàu chìm. Kinh phí thực hiện bộ phim do Paramount Pictures và 20th Century Fox cung cấp. Vào thời điểm đó, đây là bộ phim có kinh phí cao nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới.


Một cảnh trong phim Titanic - Ảnh: www.telegraph.co.uk

Hương Thùy
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán