Trang chủ»Văn hóa xã hội»Sức khỏe - Thực phẩm

Sức khỏe - Thực phẩm

Phẩm màu nhân tạo và vấn đề hành vi ở trẻ

Các bậc phụ huynh nói không với các phẩm màu nhân tạo như Red 40 cho rằng đó là quyết định đúng đắn, trong khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) lại không tìm thấy ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em.



Một thượng nghị sĩ tại California hy vọng các loại thực phẩm có chứa phẩm màu nhân tạo tại tiểu bang mình phải được dán khuyến cáo cho biết chúng có khả năng gây mất tập trung hoặc các rối loạn hành vi tiêu cực khác ở trẻ - Ảnh: MileA/iStockphoto/Getty Images

Nhà Snow sinh sống tại Utah có một quy định rất đơn giản. Nếu cậu con trai Evan học lớp 1 không đập phá, giãy nãy hay cắn lung tung, cậu sẽ được mẹ Emily tặng 3 viên kẹo dẻo đỏ - món cậu thích nhất. Nhưng hiếm khi Evan được thưởng kẹo.

Emily Snow nói: “Cứ mỗi tối là cậu lại quấy phá. Chúng tôi cứ thấp thỏm không biết khi nào cậu bé ‘bùng nổ’ cả.” Vì chứng tăng động của mình mà Evan từng phải dùng hai loại thuốc khác nhau, cũng như phải tham gia các buổi trị liệu tâm lý hàng tuần ngay từ khi còn mẫu giáo.

Đến khi Evan lên lớp 2, tức tháng 10 năm 2020, mẹ cậu mới được người thân khuyên nên bỏ các thực phẩm có phẩm màu - trong số đó là các món ăn vặt và nước ngọt khoái khẩu của cậu bé. Điều kỳ diệu đã xảy ra. Không cần tốn hàng nghìn USD cho các buổi trị liệu tâm lý, Emily quan sát con mình điềm tĩnh và vui vẻ hơn chỉ sau 4 tuần. Cô nói: “Con tôi không còn quậy phá nữa mà trở thành một cậu bé ngoan ngoãn.”

Nhà Snow chỉ là một trong số các gia đình, các bác sĩ khoa nhi, các nhà khoa học, và các nhà lập pháp tin tưởng mạnh mẽ vào mối quan hệ giữa phẩm màu nhân tạo và rối loạn hành vi ở trẻ - một kết luận mà FDA không hoàn toàn đồng ý. Vào năm 2011, FDA có tìm hiểu về vấn đề phẩm màu nhân tạo và chứng tăng động, nhưng không tìm thấy tác động đáng kể của phẩm màu đến những trẻ chưa từng được chẩn đoán mắc các rối loạn hành vi. Cục có tiến hành một nghiên cứu tương tự vào năm 2019 nhưng vẫn giữ vững lập trường.

Trong khi đó, một thượng nghị sĩ tại bang California cho biết nghiên cứu mới nhất chứng minh phẩm màu nhân tạo - thường được biết dưới các tên gọi Red 40, Yellow 5, hay Blue 1,… - có ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ, và các bậc phụ huynh có quyền được biết thông tin này.

Thượng nghị sĩ Bob Wieckowski, Đảng viên Dân chủ, cũng thảo ra dự luật yêu cầu các thực phẩm bày bán tại California phải dán nhãn cảnh báo nếu có sử dụng phẩm màu nhân tạo. Ông hy vọng dự luật này sẽ được thông qua vào năm 2022 và có hiệu lực tại California từ năm 2023.

Ông cho biết dự luật này không cấm hoàn toàn phẩm màu mà chỉ nêu thông tin khuyến cáo về các phẩm màu có sử dụng trong sản phẩm mà thôi. Ông đặt câu hỏi: “Tại sao bố mẹ không được phép biết thức ăn mà con họ đang ăn có thể gây hại đến bọn trẻ chứ?”

Giới khoa học nói gì?

Trong khi tại Mỹ, phẩm màu nhân tạo tràn ngập trong bánh kẹo, ngũ cốc, cũng như nhiều loại thực phẩm khác, chúng lại hiếm được sử dụng tại Châu Âu. Đó là do phần lớn đã bị loại bỏ khỏi thực phẩm sau khi một nghiên cứu tại Anh năm 2007 tìm thấy mối liên quan giữa phẩm màu nhân tạo và chứng tăng động ở trẻ, kể cả ở những trẻ không bị chẩn đoán tăng động giảm chú ý (ADHD).

Từ năm 2007 trở đi, tuy không cấm các phẩm màu nhân tạo, Liên minh Châu Âu yêu cầu mọi sản phẩm có sử dụng chúng phải có nhãn khuyến cáo trẻ em có thể bị tăng động và giảm chú ý khi tiêu thụ các loại sản phẩm như thế.

Nhiều nhãn hàng chọn cách loại bỏ hoàn toàn phẩm màu khỏi thành phần các sản phẩm xuất sang thị trường Châu Âu thay vì dán nhãn khuyến cáo. Một số khác lại sử dụng phẩm màu tự nhiên từ tinh chất thực vật như quả lý chua đen hay tảo xoắn.

Dự luật của Wieckowski hướng đến mục tiêu tương tự, nếu không thì ít nhất là có thể nâng cao nhận thức ở các bậc phụ huynh. Wieckowski có dẫn chứng báo cáo được Văn phòng Đánh giá Hiểm họa Sức khoẻ Môi trường của ông thu thập. Báo cáo này tổng hợp các nghiên cứu từ những năm 1970 đến hiện tại về ảnh hưởng của phẩm màu lên sức khoẻ của người và động vật. Báo cáo đã được bình duyệt và công bố hồi tháng 4 năm 2021.

Nhóm nghiên cứu cho biết 64% trường hợp trong số 27 nghiên cứu khác nhau xác nhận có mối liên hệ giữa phẩm màu và các vấn đề hành vi ở trẻ. Các nghiên cứu càng gần thời điểm hiện tại càng cho thấy rõ mối liên hệ đó: 5 trong 6 bài nghiên cứu sau năm 1990 xác nhận mối tương quan đáng kể giữa hai biến số được nghiên cứu.

Được biết trong khoảng thời gian đó, số lượng trẻ được chẩn đoán ADHD tại Mỹ cũng tăng lên, cụ thể là từ 6,1% trẻ em và thanh thiếu niên vào năm 1997 đến 10,2% vào năm 2016. Nhưng nhóm nghiên cứu tại California cũng đi đến kết luận tương tự nghiên cứu tại Anh, rằng có một số trẻ mẫn cảm hơn với phẩm màu dù có được chẩn đoán ADHD hay không.

Trong một thông cáo báo chí gửi đến NBC News, FDA thừa nhận “dữ liệu công bố một số nơi cho thấy đối với những trẻ đặc biệt dễ mắc ADHD và các vấn đề hành vi, việc tiêu thụ một vài loại thực phẩm, trong đó có phẩm màu nhân tạo, có thể khiến các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng”. Song, Cục vẫn bảo lưu quan điểm phẩm màu không phải nguyên nhân gây ra hành vi tăng động ở trẻ và chỉ khuyên các bậc phụ huynh nên đọc kỹ thành phần sản phẩm trước khi sử dụng nếu muốn giảm lượng phẩm màu nhân tạo trong khẩu phần ăn của con mình.

Lisa Lefferts là nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học của Public Interest, tổ chức đặt mục tiêu vì người tiêu dùng và an toàn sản phẩm, đồng thời là đồng tài trợ cho dự luật tại California. Nhiều năm qua, bà đã kêu gọi FDA hoặc cấm sử dụng phẩm màu trong thực phẩm, hoặc bắt buộc dán nhãn khuyến cáo người tiêu dùng về độ nguy hiểm của chúng. Bà nói: “Đây không phải là vitamin hay dưỡng chất gì cả. Chúng chỉ là phụ gia làm các thực phẩm gây hại cho sức khoẻ trở nên hấp dẫn với trẻ mà thôi.”

Song, xác định rõ ràng hậu quả của các loại phẩm màu là điều không hề dễ dàng, cả trong những thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt nhất, theo Tiến sĩ Sheela Sathyanarayana, Giáo sư nhi khoa và sức khoẻ môi trường tại Đại học Washington và Viện Nghiên cứu Trẻ em Seattle. Các loại thực phẩm có phẩm màu nhân tạo thường cũng chứa các chất phụ gia khác có ảnh hưởng đến hành vi của trẻ, như đường chẳng hạn.

Tiến sĩ cho biết: “Tôi nghĩ các nghiên cứu chưa thể tách bạch được tác động từ các loại phẩm màu với tác động từ thực phẩm đã qua chế biến hay các loại thức ăn chứa nhiều đường.” Trong khi đó, Lefferts lại cho rằng nhận định trên chỉ đúng với các thực nghiệm quan sát đối tượng chứ chưa phản ánh các thử nghiệm lâm sàng có thể phân lập được tác động của phẩm màu nhân tạo.

Sathyanarayana cũng cho biết mọi nghiên cứu đều có hạn chế khó tránh khỏi: “Vì đạo đức khoa học, ta không thể cứ cho trẻ tiêu thụ một loạt các phẩm màu rồi quan sát biểu hiện.”

Dù sao đi nữa, nhiều gia đình vẫn một mực tin rằng phẩm màu là nguồn cơn của mọi vấn đề xảy đến với con cái họ. Françoise Dragonetti, hiện sinh sống tại New Jersey, đã cấm con bà - Oliver - ăn uống các loại thực phẩm chứa phẩm màu vào khoảng 5 năm trước. Trước kia cậu bé khá bốc đồng, dễ nổi giận, lại còn bị chẩn đoán mắc Tourette - hội chứng khiến một số nhóm cơ co giật không kiểm soát. Sau khi bỏ phẩm màu, cậu bé bình tĩnh hơn và cũng không còn bị co giật cơ nhiều nữa.

Đáng chú ý là Dragonetti vẫn cho Oliver - hiện đã 11 tuổi - ăn những loại thực phẩm chế biến sẵn nhưng nhất quyết không có phẩm màu. Bà nói: “Tôi đặt cho mình trọng trách giới hạn các loại kẹo mà cậu bé có thể ăn.” Chọn được thực phẩm không có phẩm màu là điều không hề dễ dàng, song kết quả cho thấy công sức bà bỏ ra là xứng đáng.

Phong trào ngày càng lan rộng

Những năm gần đây, người dân Mỹ ngày càng ý thức hơn về tác hại của các phẩm màu nhân tạo. Nhiều hội nhóm được tạo lập trên Facebook nhằm khuyến cáo khẩu phần ăn không phẩm màu cho trẻ; số thành viên ở một vài nhóm có khi lên tới gần 10.000. Nhiều hãng thực phẩm như Trader Joes’s, Whole Foods, và Adi cũng loại bỏ hoàn toàn phẩm màu trong các sản phẩm của họ.

Phong trào phản đối phẩm màu nhân tạo không phải lúc nào cũng thành công. Vào năm 2016, General Mills cho ra mắt loại ngũ cốc Trix sử dụng màu tự nhiên từ cà rốt và củ nghệ để nhuộm ngũ cốc, khiến chúng không còn màu bắt mắt đặc trưng. Điều này khiến những “tín đồ” của Trix dậy sóng, buộc General Mills quay về loại ngũ cốc khi xưa. Theo phát ngôn viên của thương hiệu thì khi các gói Trix có dùng màu nhân tạo trở lại thị trường, chúng được “hưởng ứng vô cùng tích cực”.

Lefferts lại cho rằng phẩm màu tự nhiên vẫn có chỗ đứng trên thị trường Mỹ như các nước Châu Âu nếu người tiêu dùng hiểu rõ tác hại của phẩm màu nhân tạo đối với con em. Bà cũng nhấn mạnh khách hàng khó có thể biết sản phẩm nào ở Mỹ chứa phẩm màu. Ví dụ như Blue 1 được sử dụng trong kẹo marshmallow để tăng sắc trắng của sản phẩm, trong khi Yellow 5 và Yellow 6 có mặt trong hầu hết các món dưa chua. Các loại thuốc men cũng có sử dụng phẩm màu, kể cả những loại thuốc chữa trị ADHD.

Lefferts cùng nhiều người khác hy vọng dự luật tại California sẽ tạo được làn sóng thúc đẩy việc ngăn cấm sử dụng phẩm màu nhân tạo trong thực phẩm. Bà cho rằng nhãn cảnh báo chỉ là “điều nhỏ nhặt” và hy vọng các cơ quan thẳng tay ngăn cấm toàn bộ phẩm màu nhân tạo.

Emily Snow cũng hưởng ứng lời kêu gọi này. Chỉ trong vòng vài tháng không còn ăn những thực phẩm chứa phẩm màu, cậu bé Evan - giờ đã lên lớp 3 - đã có thể ngưng thuốc và cũng không cần phải tham gia trị liệu mỗi tuần nữa. Giờ đây, thay vì cảm thấy Evan như một “tên quỷ nhỏ” chuyên gây rối các thành viên trong gia đình, Emily hạnh phúc khi cậu bé có thể hoà nhã hơn với anh chị mình.

Đó không phải điểm khác biệt duy nhất. Sau khi thay đổi khẩu phần, Evan không còn bốc đồng và vì vậy, làm quen được nhiều bạn hơn, lại còn mời được bạn đến dự sinh nhật nữa. Mẹ cậu nói: “Giờ thằng bé có bạn khắp mọi nơi.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán