Trang chủ»Kinh tế»Tài chính - Thương mại

Tài chính - Thương mại

Kiến nghị đồng tiền chung của Brazil-Argentina vấp phải nhiều hoài nghi

Đề xuất mới được các lãnh đạo Brazil và Argentina đưa ra về đồng tiền chung vấp phải nhiều hoài nghi. Giới phân tích cho rằng cả hai quốc gia vẫn chưa đủ sức thực hiện dự án này và sẽ không thu hút được niềm tin từ các thị trường toàn cầu.



Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva của Brazil (trái) bên cạnh Tổng thống Alberto Fernández (phải) tại tòa chính phủ ở Buenos Aires, Argentina hôm 23/01/2023 - Ảnh: Gustavo Garello/apnews

Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva trả lời phóng viên hôm 23/01 rằng đồng tiền chung sẽ giúp cả hai nước không quá dựa dẫm vào đô-la Mỹ.

Sau khi gặp Tổng thống Argentina Alberto Fernández tại Buenos Aires, Tổng thống Lula phát biểu: “Tôi cho rằng đây là bước đi cần kíp vì nhiều quốc gia gặp khó khăn thu hút đồng đô-la. Đã là thế kỷ 21 rồi, ta không thể mãi vận hành như thế kỷ 20 được nữa.”



Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva phát biểu trước tòa chính phủ ở Buenos Aires, Argentina - Ảnh: Gustavo Garello/apnews

Theo kế hoạch do Lula trình bày, đồng tiền chung này sẽ được dùng cho các hoạt động giao dịch và thương mại giữa Argentina và Brazil, rồi sẽ được các nước khác trong Khối Thị trường Nam Mỹ (Mercosur) sử dụng. Lộ trình chi tiết vẫn còn là dấu hỏi lớn sau khi Lula cùng Fernández đưa ra dự thảo trong thông báo chung, được in trên tờ Perfil tại Argentina.

Trả lời họp báo chiều 23/01 tại Buenos Aires, Bộ Trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad giải thích đồng tiền chung này sẽ không thay thế hoàn toàn đồng real của Brazil hay đồng peso của Argentina.



Bộ Trưởng Tài chính Fernando Haddad của Brazil (trái) phát biểu trong cuộc họp báo tại Bueno Aires, Argentina hôm 23/01/2023. Bên cạnh ông là Bộ Trưởng Kinh tế Sergio Massa của Argentina - Ảnh: Gustavo Garello/apnews


Các chuyên gia kinh tế lập tức nghi ngờ về tính logic của dự án. Được biết tình trạng kinh tế Argentina ngày càng trì trệ, cứ 10 người lại có 4 người thuộc diện nghèo. Đây cũng là quốc gia thuộc top đầu toàn cầu về lạm phát - chỉ số lạm phát năm 2022 lên đến 95% trong khi đồng peso rớt giá liên tục 10 năm qua. Trong số các tỷ giá hối đoái của peso có mức phi pháp được các đơn vị đổi tiền áp dụng cho các giao dịch cửa sau. Hoạt động này phổ biến đến nỗi tỷ giá trên có tên “đô-la xanh” và xuất hiện trên mặt báo mỗi ngày.

Tình hình kinh tế nước bạn Brazil có khá hơn, nhưng cũng không thật sự ổn định. Mức lạm phát năm 2022 vượt khung do ngân hàng trung ương đặt ra, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp vỡ kế hoạch. Tỷ giá hối đoái đồng real với USD giảm đi một nửa so với năm 2014 - ngay trước khi Brazil rơi vào cơn suy thoái lớn nhất trong vòng 100 năm trở lại. Đà tăng trưởng cũng mờ mịt, trong khi ngân sách quốc gia lớn nhất Nam Mỹ này chưa ghi nhận thặng dư nào kể từ năm 2013 tới nay.

Mohamed A. El-Erian, cựu CEO của công ty quản lý đầu tư từ thu nhập ổn định Pimco, có đăng lên Twitter hôm 22/01: “Cả hai quốc gia đều không có môi trường khả thi cho dự án này, không thể thu hút được giới đầu tư. Điều tốt nhất họ có thể làm là hướng sự chú ý của giới chính trị vào các cải cách kinh tế cần thiết.”

Brendan McKenna, nhà kinh tế các thị trường mới nổi kiêm chuyên gia chiến lược ngoại hối tại Wells Fargo, nhận xét đề xuất “tồi tệ” này chỉ nhằm thu hút cánh báo chí. Theo ông, tình hình kinh tế quá chênh lệch ở hai quốc gia đồng nghĩa với việc kế hoạch không thể nào thành hiện thực: “Ngay cả khi kinh tế Argentina sánh ngang Brazil, tôi cũng không tin dự án này sẽ thực hiện được. Đồng tiền chung mới cần phải có đủ uy tín. Đồng euro mất nhiều thập kỷ mới có được uy tín hiện nay.”

Tổng thống Fernández thừa nhận cả ông lẫn Lula đều không biết đồng tiền chung sẽ hoạt động ra sao, song đồng ý rằng dựa vào ngoại tệ cho các giao dịch thương mại là có hại. Đồng đô-la tăng giá gần đây khiến nhiều quốc gia đang phát triển trên toàn thế giới, trong đó có Argentina, lúng túng với việc chi trả các khoản nợ ngoại tệ. Ngân hàng trung ương Argentina dùng quỹ đô-la dự trữ để trả các khoản nợ nước ngoài và bơm vào thị trường tiền tệ để ngăn chặn đà hụt giá. Vì vậy, cơ quan này rất ngại thanh toán bằng đô-la cho bên xuất khẩu trong các giao dịch thương mại.



Bộ Trưởng Kinh tế Sergio Massa phát biểu trong khi Bộ Trưởng Tài chính Fernando Haddad lắng nghe - Ảnh: Gustavo Garello/apnews

Theo Tổng thống Lula, đội ngũ chuyên gia kinh tế hai nước sẽ đưa ra các đề xuất thương mại và giao dịch song phương dựa trên đồng tiền chung sau “nhiều phiên họp thảo luận”.

Kế hoạch đồng tiền chung thực chất không mới, và cũng không phải là nước đi chính trị của riêng cánh tả. Tiền nhiệm của Lula, Jair Bolsonaro, trong chuyến công du đến Argentina năm 2019, có nói ông và Tổng thống Argentina bấy giờ, Mauricio Macri, sắp thực hiện những bước đầu nhằm tạo ra đồng “peso real”. Song, đề xuất này sau đó hoàn toàn bị bỏ ngõ. Trước đó khoảng 30 năm, hai nước phê duyệt đề xuất tạo ra đồng tiền chung “gaucho”, nhưng dự án đó cũng đi vào ngõ cụt.

Sáng kiến đồng tiền chung này mang màu sắc chính trị nhiều hơn là một dự án kinh tế. Fernández sẽ tái tranh cử năm 2023. Trước tình hình kinh tế ảm đạm, đồng tiền chung có thể là phao cứu sinh đối với các cử tri tiềm năng. Đó là ý kiến của Thiago de Aragão, giám đốc chiến lược tại Arko Advice, đơn vị tham vấn nguy cơ chính trị tại thủ đô Brasilia.

Theo phân tích của de Aragão: “Ngay cả khi được thực hiện, dự án này chắc chắn phải tốn 20-30 năm. Nói cách khác, Lula chỉ đang giúp Fernández tranh cử tại Argentina mà thôi.” Vì thế mà đồng tiền chung này rất có thể chịu chung số phận với “peso real” và “gaucho”.

McKenna nhận định: “Đọc kỹ chi tiết, tôi thấy dự án này càng điên rồ chứ không khả thi hơn tí nào.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán