Trang chủ»Kinh tế»Tài chính - Thương mại

Tài chính - Thương mại

Lãnh đạo các doanh nghiệp tại Ý hối thúc giới chính trị gia

Lãnh đạo các doanh nghiệp tại Ý tin rằng đất nước Nam Âu này không thể chần chờ lâu hơn sau khi kỳ bầu cử kết thúc vào tháng 9/2022; lý do là giá năng lượng cao vút khiến nhiều doanh nghiệp phải đẩy lùi quy mô sản xuất.



Một công nhân xưởng gốm tại Citta di Castello, Ý, phải bắt đầu ca làm việc trước bình minh để tận dụng tối đa ánh sáng và tiết kiệm năng lượng - Ảnh: Jennifer Lorenzini/Reuters

Tham dự Diễn đàn Ambrosetti tổ chức bên Hồ Como vào đầu tháng 9/2022, các lãnh đạo doanh nghiệp chỉ trích giới chính trị gia đã lật đổ Thủ tướng Mario Draghi khi nước Ý nói riêng và Châu Âu nói chung vẫn còn chìm trong khủng hoảng năng lượng.

Armando De Nigris, Chủ tịch thương hiệu giấm balsam cùng tên, phát biểu: “Chắc phải đến Giáng sinh, chính phủ mới mới có thể định hình; trong khi vấn đề trước mắt cần được giải quyết ngay trong vài ngày, không phải vài tuần. Chúng tôi phải chịu rủi ro sản xuất các lô hàng không thể bán được trong 6 tháng tới bởi không thể kham nổi mức giá tăng.”

Giá khí đốt tăng cao khiến chi phí ép nho làm giấm vụt lên gấp đôi. Được biết khoảng 35 triệu chai giấm De Nigris được sản xuất mỗi năm.

Khối trung hữu giành chắc phần thắng vào kỳ bầu cử 25/9 sắp tới nhưng việc thành lập chính quyền tại Ý nổi tiếng chậm trễ.

Tuần trước, tổ chức vận động hành lang cho mảng công nghiệp Confindustria cảnh báo Ý sẽ gặp “cơn địa chấn kinh tế” do giá nhiên liệu cao. Tổ chức này cũng kêu gọi mọi người ủng hộ chính phủ lâm thời của Draghi - nguyên là chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu.

Ý đã dành ra 50 tỷ Euro xử lý những ảnh hưởng mà giá nhiên liệu cao có thể gây ra cho giới doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính phủ sẽ còn đề ra nhiều gói hỗ trợ hơn trong tuần đầu tháng 9.

Rủi ro bỏ lỡ gói hỗ trợ

Riccardo Illy, Chủ tịch tập đoàn thực phẩm Polo del Gusto - chủ quản thương hiệu trà Pháp Damman Freres và chocolate Domori - lo ngại Ý sẽ lỡ gói phục hồi hậu Covid-19 từ Liên minh Châu Âu (EU).

Illy phát biểu: “Draghi đáng lẽ có thể trụ lại đến hết nhiệm kỳ… Dù người lên thay là ai, chắc chắn chúng ta cũng sẽ thất thoát hàng tỷ euro.” Trước đó EU hứa sẽ viện trợ Ý 200 tỷ Euro, nhưng chỉ khi nước này thực hiện nhiều đợt cải tổ.

Tình trạng phụ thuộc vào khí đốt Nga và các doanh nghiệp sản xuất chỉ có quy mô nhỏ lẻ là hai nhân tố khiến nền kinh tế Ý dễ gục ngã vì khủng hoảng năng lượng.

Từ khi xung độ Nga-Ukraina nổ ra vào tháng 02/2022, nhiều công ty luyện sắt, thuỷ tinh, gốm, giấy - những ngành cần nhiều nhiên liệu - bị buộc phải thu gọn quy mô sản xuất vì chi phí quá đắt đỏ.



Giám đốc thương mại Lorenzo Giornelli của lò gốm tại Citta di Castello, Ý, đặt hóa đơn khí đốt tháng 8/2021 (trái) cạnh hoá đơn khí đốt tháng 8/2022 (phải) - Ảnh: Jennifer Lorenzini/Reuters

Romano Pezzotti, chủ doanh nghiệp Fersovere chuyên tái chế kim loại tại thành phố Bergamo phía Bắc nước Ý, cho biết: “Ngay cả khi bộ trưởng kinh tế tiếp theo đủ khả năng giải quyết vấn đề - mà hy vọng là thế - khi đó cũng là quá muộn.”

Ông còn nói thêm: “Các chính khách sau khi phạm phải sai lầm lớn nhất thế kỷ là lật đổ chính phủ vào thời khủng hoảng, cần phải tìm cho được người giải quyết được các vấn đề quốc gia.”

Cái bóng cuộc khủng hoảng năng lượng lần này vẫn còn dài. Matteo Tiraboschi, Chủ tịch điều hành công ty sản xuất thắng xe Brmbo - doanh nghiệp lớn niêm yết trên sàn giao dịch Milan - cho biết: “Chúng ta biết đâu là những việc cần làm khi mà giá năng lượng tại Ý đã tăng gấp đôi như hiện nay.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán