Trang chủ»Kinh tế»Tài chính - Thương mại

Tài chính - Thương mại

Mastercard ra mắt công cụ mới phòng chống lừa đảo trong giao dịch tiền mã hóa

Hôm 04/10 vừa qua, Mastercard cho ra mắt phần mềm mới hỗ trợ ngân hàng xác minh và cắt ngang bất cứ giao dịch nào đến từ những sàn trao đổi tiền ảo lừa đảo.



Thẻ tín dụng Mastercard - Ảnh: Roberto Machado Noa/Getty Images

Hệ thống Crypto Secure sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo “phức tạp” nhằm xác định nguy cơ lừa đảo khi giao dịch bằng tiền mã hóa thông qua Mastercard. Dữ liệu cung cấp cho hệ thống đến từ chuỗi khối (block chain) - bản ghi chép toàn bộ các giao dịch bằng tiền ảo - cùng nhiều nguồn khác.

CipherTrace là đơn vị chủ quản hệ thống trên. Được Mastercard sáp nhập năm 2021, CipherTrace là công ty khởi nghiệp chuyên về an ninh chuỗi khối, với mục tiêu giúp các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ điều tra những giao dịch tiền mã hóa phi pháp. Công ty có trụ sở tại Menlo Park, California này có đối thủ là Chainalysis ở New York và Elliptic ở London.

Dịch vụ này được Mastercard công bố khi ngành thị trường tài sản số mới chớm nở đã bị nhiều tên tội phạm tấn công. Lượng tiền ảo đổ vào những tài khoản có dính líu đến giới phi pháp lên đến 14 tỷ USD vào năm ngoái, theo phân tích từ Chainalysis. Trong năm 2022, số lượng các lần hack và lừa đảo những chủ đầu tư tiền ảo cũng tăng đáng kể.

Trên nền tảng Crypto Secure, ngân hàng và các cơ quan phát hành thẻ khác sẽ nhìn thấy bảng hiển thị có nhiều màu đánh giá mức nguy cơ khác nhau của bất kỳ hoạt động nào. Hoạt động có nguy cơ cao nhất sẽ được hiển thị bằng màu đỏ còn nguy cơ thấp nhất thì hiển thị bằng màu xanh lá. Quyền cấm cản một bên giao dịch tiền mã hóa cụ thể nào đó thuộc về cơ quan cung cấp thẻ, Crypto Secure không can thiệp.

Mastercard đã có công nghệ tương tự nhằm ngăn chặn các giao dịch bằng tiền pháp định. Với Crypto Secure trong tay, hãng giờ có thể làm điều tương tự với bitcoin và nhiều loại tiền ảo khác.

Ajay Bhalla, Chủ tịch phòng không gian mạng và trí tuệ của Mastercard, cho biết động thái này nhằm đảm bảo đối tác công ty “có thể tuân thủ các điều lệ ngày một phức tạp”. Ông nói: “Thị trường tài sản số hiện tại khá lớn. Ý tưởng của chúng tôi là tạo sự an tâm với những khách hàng giao dịch tài sản số, tương tự như khi các khách hàng, ngân hàng, và thương gia giao dịch các loại tài sản khác.”

Vấn đề tuân thủ quy định đối với tiền ảo ngày càng được chú trọng khi nhiều ngân hàng và công ty thanh toán bắt đầu mở các dịch vụ giao dịch và lưu trữ các tài sản số. Vào tháng 9/2022, Nasdaq trở thành một trong những ông lớn trong ngành tài chính bắt đầu mở dịch vụ lưu ký cho những khách hàng có nhu cầu trao đổi tiền ảo.

Cùng lúc, các chính phủ Âu Mỹ cũng dần đề ra nhiều quy định gắt gao hơn với giới tiền mã hóa - vốn khá “thông thoáng” trước giờ. Tháng 9 vừa qua, chính quyền Biden công bố khung quy định vô tiền khoáng hậu dành cho ngành tài sản mã hóa tại Mỹ. Liên minh Châu Âu cũng không kém cạnh khi phê duyệt hàng loạt luật lệ tiền ảo cho riêng mình.

Mastercard chú trọng vào mảng tài sản mã hóa đúng lúc nhiều loại tiền số rớt giá và số lượng tiền giao dịch cũng khan hiếm dần. Từ khi lập đỉnh vào tháng 11/2021, thị trường tiền ảo đã để mất khoảng 2 nghìn tỷ USD. Giá trị một đồng bitcoin giờ chỉ còn 20.000 USD - giảm 70% từ mốc cao nhất 69.000 USD từng lập được. Hiện đồng tiền này có tăng nhưng không đáng kể.

Khi được hỏi rằng giá tài sản mã hóa giảm sẽ ảnh hưởng thế nào đến chiến lược của Mastercard, Bhalla trả lời: “Chúng tôi tập trung cung cấp cho khách hàng giải pháp dài hạn. Đồng tiền có lúc xuống giá nhưng rồi cũng sẽ lên lại. Tôi cho rằng phải nhìn rộng ra và nhận thấy thị trường tài sản mã hóa đã mở rộng và ngày một phát triển hơn, có tiềm năng bành trướng hơn nữa trong tương lai.”

Tuy giá trị các đồng tiền số trượt sâu, số lượng các vụ phạm tội liên quan đến ngành này không hề thuyên giảm. Phương pháp lừa đảo phổ biến nhất trong năm 2022 là lợi dụng các cầu nối chuỗi khối (blockchain bridge) - tức các kênh chuyển đổi tài sản mã hóa từ hệ thống này sang hệ thống khác. Ước tính khoảng 1,4 tỷ USD đã bị thất thoát trên những cầu nối như vậy từ đầu năm 2022 tới giờ, theo thông tin từ Chainalysis.

Trước tình hình này, các công ty dịch vụ tài chính và nền tảng tài sản mã hóa lớn rót tiền vào các giải pháp ngăn chặn người sử dụng mạng lưới của mình ăn lời phi pháp. Tiền ảo thường bị chỉ trích vì dính líu đến hành vi rửa tiền cùng các hoạt động phạm tội khác - vấn đề nảy sinh từ chuyện dùng tên giả trên các mạng chuỗi khối.

Các công cụ phần mềm được phát triển mới đây hy vọng sẽ giúp truy vết các khoản ăn lời phạm pháp được dễ dàng hơn. Các công ty vận dụng khoa học dữ liệu và các kỹ thuật học máy sẽ phân tích dữ liệu trên những chuỗi khối công khai hiệu quả hơn.

Cũng có thể cho rằng nước đi này của Mastercard là nhằm cạnh tranh với công ty VISA đối thủ - doanh nghiệp cũng đã đổ kha khá tiền vào thương trường tài sản mã hóa. VISA cho biết trong quý tài hóa đầu tiên của năm 2022, công ty này đã thực hiện các giao dịch trị giá 2,5 tỷ USD giữa các thẻ có liên kết với một tài khoản hoạt động trên nền tảng tiền mã hóa.

Năm 2021, VISA cũng mở dịch vụ tư vấn tài sản mã hóa nhằm giúp khách hàng làm quen với những thao tác giao dịch tiền ảo hay khám phá token không thể thay thế.

Mastercard hiện vẫn chưa công bố tổng giá trị tính bằng dollar lượng tiền mã hóa được chuyển từ tiền pháp định sang và được trao đổi trong mạng lưới 2.400 sàn giao dịch liên kết với công ty. Tuy nhiên, Bhalla có cho biết số lượng các giao dịch tín dụng cần đến dịch vụ của hãng đã lên đến “hàng nghìn” lượt mỗi phút.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán