Trang chủ»Kinh tế»Tài chính - Thương mại

Tài chính - Thương mại

Ngân hàng JPMorgan Chase & Co.

Morgan bắt đầu dấn thân vào ngành ngân hàng năm 1857 tại chi nhánh của cha ông ở London. Năm 1858, Morgan đến New York và làm việc cho Ngân hàng Duncan, Sherman & Company. Từ năm 1860-1864, ông làm đại diện cho Công ty J.Pierpont Morgan & Company của cha ông tại New York.

Với vai trò này, ông phát triển quan hệ với giới tài chính tại Hoa Kỳ và Anh - hai quốc gia giàu có nắm giữ sức mạnh kinh tế và chính trị của thế giới lúc bấy giờ. Năm 1871, Morgan cùng gia đình Drexel ở Philadelphia thành lập Quỹ đầu tư Drexel-Morgan tại New York. Anthony J. Drexel trở thành nhà đầu tư cho các công ty xây dựng đường sắt vay những khoản tiền khổng lồ đồng thời cũng là chủ nợ của các tập đoàn công nghiệp lớn ở Hoa Kỳ trong những năm 1880. Sau cái chết của Anthony Drexel, công ty đổi tên thành J.P. Morgan & Company năm 1895 và giữ quan hệ gần gũi với công ty Drexel & Company ở Philadelphia, Morgan, Harjes & Company ở Paris và J.S. Morgan & Company (năm 1910 đổi tên thành Morgan, Grenfell & Company) ở London. Sau khủng hoảng tài chính năm 1893, Morgan hoạt động tích cực hơn trong lĩnh vực đường sắt, tham gia tái thiết một số tuyến đường sắt ở miền Đông Hoa Kỳ và giao dịch một lượng lớn chứng khoán của Chính phủ Hoa Kỳ. Năm 1889, ông tham gia thành lập International Harvester và General Electric. J.P. Morgan bắt đầu tham gia lĩnh vực hợp nhất các ngành công nghiệp, thành lập US Steel - công ty có tài sản tỷ USD đầu tiên trên thế giới. Trong lịch sử cận và hiện đại, người có thể so sánh sự giàu có với Vua dầu lửa Rockefeller - đứng đầu danh sách những người giàu nhất lịch sử - đó chính là J.P. Morgan.

Con đường dẫn đến thành công của Morgan luôn đi cùng với những chính sách tài chính quyết đoán. Năm 1869, Morgan giành quyền kiểm soát Albany và Susquehanna Railroad từ Jay Gould và Jim Fisk để trở thành nhân vật quan trọng trong hoạt động phát triển và cung cấp tài chính ngành đường sắt. Năm 1885, ông tái cấu trúc New York, West Shore & Buffalo Railroad. Năm 1886, tái cấu trúc Philadelphia & Reading và năm 1888 là Chesapeake & Ohio.

Cuối thế kỷ 19, các ngân hàng của Morgan đã biến nền kinh tế của Hoa Kỳ thành một cường quốc công nghiệp mạnh nhất thế giới. Đầu thế kỷ 20, Morgan đã thành lập những tập đoàn công nghiệp khổng lồ tại Hoa Kỳ và làm dịch chuyển tâm tài chính thế giới từ London sang New York. Morgan còn đóng vai trò "thủ lĩnh làm luật" cho nền tài chính Hoa Kỳ. Quyền lực của J.P. Morgan không chỉ có được nhờ số tài sản khổng lồ, mà còn nhờ vào uy tín, lòng tin cậy của các ngân hàng trên khắp thế giới. Năm 1895, Morgan đã huy động được 65 triệu USD cho ngân khố để làm dự trữ quốc gia, giải cứu Chính phủ Hoa Kỳ khỏi tình trạng khó khăn tài chính do không còn đủ lượng vàng cần thiết đảm bảo cho chế độ bản vị vàng. Năm 1907, nỗ lực tái cơ cấu thất bại đã đẩy Phố Wall vào cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng. Chính phủ Hoa Kỳ, lúc này chưa có ngân hàng trung ương, buộc phải tìm đến sự giúp đỡ của Morgan và Morgan trở thành nhân vật quan trọng trong khu vực tư nhân để hóa giải tình thế khó khăn, giúp công chúng khôi phục niềm tin vào Chính phủ và hệ thống ngân hàng. Morgan góp phần thành lập ngân hàng trung ương. Cuối năm 1912 và đầu năm 1913, hệ thống Dự trữ Liên bang được xây dựng và vận hành như một ngân hàng trung ương (nay là Cục Dự trữ Liên bang FED).

JPMorgan Chase & Co. (NYSE: JPM) là một công ty dịch vụ tài chính hàng đầu với tài sản trị giá 2,5 nghìn tỷ USD hoạt động trên toàn thế giới và cổ phiếu được niêm yết trên nhiều trung tâm giao dịch chứng khoán trên thế giới tại các nước như: Đức, Hoa kỳ, Nhật Bản, Thụy Sĩ… Dưới sự lãnh đạo của Morgan, các ngân hàng lớn của New York đã đóng vai trò như là ngân hàng trung ương của Mỹ. Điều kỳ diệu lớn nhất mà J.P. Morgan làm được là sự kết hợp lợi ích của các công ty cạnh tranh để tạo ra một hệ thống khổng lồ và ổn định. Sau cuộc khủng hoảng thị trường cổ phiếu vào năm 1929, Nghị viện Hoa Kỳ ban hành luật mới buộc các tập đoàn lớn phải tách các công ty chứng khoán riêng với các công ty tài chính, JP Morgan đã tách thành hai bộ phận: ngân hàng thương mại JPMorgan và công ty chứng khoán Morgan Stanley.



Jamie Dimon - Chủ tịch kiêm CEO của JPMorgan Chase

Năm 2000, Tập đoàn Chase Manhattan ký kết một hiệp ước sáp nhập với tập đoàn J.P. Morgan bằng một thoả thuận trị giá 33 tỷ USD. Morgan muốn mở rộng quy mô thị trường tài chính khổng lồ mà Chase có, còn Chase thì muốn tiến một bước phát triển trong lĩnh vực tài chính đầu tư dựa vào danh tiếng của Morgan. Đến 01/7/2004, JP Morgan Chase & Co., tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính lớn thứ hai ở Mỹ và Bank One, ngân hàng lớn thứ sáu của Hoa Kỳ sáp nhập để trở thành JPMorgan Chase & Co., sau khi sáp nhập, tổng tài sản của tổ chức mới lên tới 2.476,99 nghìn tỷ USD và chỉ riêng JP Morgan Chase đã là ngân hàng lớn nhất Mỹ, lớn thứ sáu thế giới.

Tại Mỹ, sau khi sáp nhập với Bank One, J.P. Morgan mở rộng thị trường đến khu vực Trung Tây và phía Nam, gia tăng các hoạt động cung cấp dịch vụ cho vay có thế chấp, phát hành thẻ tín dụng... Tổ chức tài chính này hiện nay có khoảng 94 triệu thẻ tín dụng đang lưu thông và cũng là ngân hàng đầu tiên phát hành các loại Visa và Master Card sử dụng công nghệ blink.

Trong năm 2008, JPMorgan Chase & Co. mua lại The Bear Stearns Inc., tăng cường khả năng của mình trên một phạm vi rộng lớn của các doanh nghiệp, bao gồm môi giới, thanh toán bù trừ và kinh doanh năng lượng trên toàn cầu. Cũng trong năm 2008, JPMorgan Chase & Co. mua lại các khoản tiền gửi, tài sản và nợ phải trả của ngân hàng Washington Mutual nhằm mở rộng mạng lưới chi nhánh của Chase vào California, Florida và bang Washington tạo ra mạng lưới chi nhánh lớn thứ hai của quốc gia và đạt 42% dân số Hoa Kỳ. Năm 2010, JP Morgan mua lại quyền sở hữu JP Morgan Cazenove, một trong những ngân hàng đầu tư hàng đầu của Anh. Năm 2014, giá trị vốn hóa của ngân hàng này đạt khoảng 229,9 tỷ USD.

JP Morgan đặc biệt không chỉ ở những thành tựu kinh doanh mà còn cả với vai trò quyết định đối với nền kinh tế Mỹ trong một số giai đoạn nhất định. Gần như không có thương hiệu nào khác có thể đảm nhiệm vai trò chính trị như JP Morgan. Quá trình phát triển là lịch sử của một dòng họ nổi tiếng ở Mỹ, cho dù JP Morgan của ngày trước và JP Morgan của bây giờ rất khác nhau về cơ cấu sở hữu và nhân sự điều hành. Nhưng những gì mà người của dòng họ Morgan thực hiện trong quá trình gây dựng thương hiệu vẫn được kế thừa và phát huy. JP Morgan là kết hợp kinh doanh ngân hàng thương mại thuần túy với đầu tư tài chính, tạo dựng và tận dụng cơ hội kinh doanh. JP Morgan cho tới nay đã thành biểu tượng cho các ngành kinh doanh - "Morgan hóa" là mua lại hoặc thâu tóm kiểm soát những doanh nghiệp gặp khó khăn để rồi sau đó cơ cấu lại doanh nghiệp.

Jamie Dimon - Chủ tịch kiêm CEO của JPMorgan Chase - được xem là rất mạnh mẽ trong quyết định chiến lược của mình, dù rằng các chuyên gia, các nhà đầu tư, phân tích của Phố Wall luôn thuyết phục ông theo hướng ngược lại. Đến nay, JPMorgan Chase là ngân hàng quan trọng nhất trên thế giới (theo Fortune). Jamie Dimon với vai trò là một nhà giao dịch quyết đoán, một nhà quản lý rủi ro chặt chẽ, đã thực hiện các chiến lược hoàn hảo trong suốt giai đoạn bùng nổ của thị trường nhà đất, theo đó giúp miễn nhiễm cho JP Morgan so với hầu hết các tổ chức tài chính khác khi bong bóng nhà đất vỡ, khi sự đổ vỡ trở thành một cuộc khủng hoảng tài chính hoàn toàn. Ông Dimon đã săn lùng các thương vụ và mở rộng đáng kể hoạt động đầu tư và hoạt động của ngân hàng bán lẻ trong khi các tổ chức tài chính khác đang phải co hẹp hoạt động. Jamie Dimon mới chỉ bắt đầu xây dựng đế chế ngân hàng toàn cầu mà ông đã đặt nền móng cùng với ông Weill tại Citigroup, lên kế hoạch xây dựng ngân hàng doanh nghiệp và thực hiện những bước đi mạnh mẽ để tiếp cận các thị trường Brazil, Trung Quốc và hàng loạt các thị trường mới nổi có tốc độ phát triển nhanh hơn các nước phát triển. Điều này sẽ đưa ông ngang hàng với các ngân hàng như Citigroup, HSBC và Standard Chartered, vốn đã hoạt động tại các thị trường này trong hàng thập kỷ.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán