Trang chủ»Kinh tế»Tài chính - Thương mại

Tài chính - Thương mại

Nhân viên tiết lộ lý do nhảy ngược về công ty cũ

Hàng triệu nhân viên đã nhảy việc trong năm qua. Theo Bộ Lao Động Hoa Kỳ, chỉ tính riêng tháng 3/2022, 4,5 triệu người đã bỏ việc - một con số kỷ lục. Nguyên do rất đa dạng: tìm việc lương cao hơn, phúc lợi tốt hơn, linh động hơn, nhiều cơ hội thăng tiến hơn. Nhưng đôi khi chỗ làm mới lại không như kỳ vọng và nhân viên phải quay lại vị trí trước đó mình đã từ bỏ.

Vicki Salemi, chuyên gia nghề nghiệp tại dịch vụ tìm việc làm Monster, cho hay: “Những nhân viên nhảy việc có thể sẽ hối hận sau khi đã được nhận vào vị trí mới… Họ muốn công việc có mức lương công bằng, có phúc lợi, và linh động hơn; giờ công việc có trong tầm tay, nó lại không như họ nghĩ, môi trường làm việc không thật sự phù hợp với họ.”

Dưới đây là một số lý do khiến nhân viên nhảy ngược về công ty cũ.

Tương tác với đồng nghiệp

Cuối năm 2020, Stacey Chia sinh sống tại Olathe, Kansas, trở lại thị trường lao động sau gần một thập kỷ ở nhà trông hai đứa con. Chị cho biết: “Mục tiêu sự nghiệp của tôi là tìm một công việc khiến tôi cháy với đam mê.”

Chị mong ước được làm việc với động vật và đã học bằng kỹ thuật viên thú y. Vào tháng 11/2020, chị nhận vị trí điều phối viên bán thời gian cho trại trông chó Dogtopia. Chị yêu quý những chú chó tại đây và cũng rất thân thiện với đồng nghiệp.

Nhưng vào mùa hè năm 2021, một phòng khám thú y tại địa phương liên lạc với Chia và ngỏ ý mời chị đảm nhận vị trí quản lý khu vực nuôi giữ. Chị cho rằng đây là cơ hội tuyệt vời giúp chị hoàn thiện CV kỹ thuật viên thú y của mình. Vị trí này cũng có mức lương cao hơn, làm việc nhiều giờ hơn. Nhưng chỉ sau vài ngày nhận việc, chị mới nhận ra vị trí này không phù hợp với mình: “Là quản lý khu vực nuôi giữ, bạn chỉ tương tác với lũ chó. Vậy cũng vui, nhưng tôi vẫn thích được tương tác với cả đồng nghiệp nữa.”



Bắt đầu công việc mới được vài ngày, Stacey Chia nhận ra mình muốn tương tác với đồng nghiệp cũ nhiều hơn - Ảnh: edition.cnn.com

Sau một tháng, Chia hồi hộp liên lạc lại chủ cũ tại Dogtopia và giải thích chị nhớ bầu không khí tại đó cũng như những lần chuyện trò với khách hàng. Chị được nhận lại vị trí cũ với mức lương cao hơn và ít lâu sau còn được lên làm quản lý phụ trợ.

Chị bày tỏ: “Tôi vô cùng kinh ngạc. Tôi chưa từng nghĩ bản thân có thể làm quản lý nhưng mọi chuyện lại diễn ra vô cùng êm đẹp.”

Sai thời điểm

Sau hơn 4 năm làm chuyên viên tuyển dụng cấp cao tại Microsoft, Michael Rotteveel tự hỏi liệu đã đến lúc đi tìm cơ hội làm việc mới. Anh nói: “Sau khi làm việc được 3-4 năm, bạn sẽ tự đánh giá lại bản thân: Liệu ta có đang ở vị trí tốt nhất hay không?”

Và rồi vào tháng 11/2021, một hãng công nghệ ngỏ ý mời anh chuyển sang làm việc cho công ty. Anh vui vẻ nhận lời: “Công ty họ đang trong thời kỳ chuyển giao và mong muốn mở rộng, “thay máu” bộ phận mà tôi sắp tham gia. Trên lý thuyết, cơ hội này quả là cuốn hút. Tôi sẽ tận dụng được kinh nghiệm đã tích lũy được ở Microsoft cũng như nhiều vị trí trước đó. Ngoài ra, tôi chắc chắc cũng sẽ học được những điều mới mẻ mà phúc lợi cũng tốt hơn.”

Vậy nên anh quyết định nghỉ Microsoft và chuyển qua công việc mới chỉ vài ngày sau khi nhận được lời mời. Nhưng càng ở lâu tại vị trí mới, anh lại càng nhận ra anh đã chọn sai thời điểm nhảy việc.

Anh bộc bạch: “Khi đến làm việc, tôi mới nhận ra công ty chưa phát triển đến mức mong muốn. Để những giá trị mà tôi dự tính đóng góp thật sự có nghĩa, công ty phải tiến xa hơn một chút.”

Ai cũng cần thời gian làm quen và cố định với vị trí mới, nhưng Rotteveel lại chưa bao giờ cảm thấy như vậy: “Thông thưởng chỉ cần từ 4 đến 8 tuần là mọi chuyện đâu sẽ vào đấy, nhưng tôi cảm thấy mình vẫn chưa bắt nhịp được như mong muốn.”

Hơn nữa, anh cũng nhớ những mối quan hệ đã gầy dựng trước đó cũng như văn hoá công sở tại Microsoft: “Tôi không nhận ra những yếu tố trên có sức nặng và tầm ảnh hưởng lớn thế nào cho đến khi rời bỏ.”

Vậy là anh liên lạc lại quản lý cũ, giải thích tường tận tình cảnh của mình và mong muốn được quay lại với Microsoft. Vào tháng 3 vừa qua, sau vài tháng làm việc ở công ty mới, anh một lần nữa nghỉ việc và nhảy lại vị trí cũ ở Microsoft.

Anh cho biết tuy cảm thấy lo lắng vô cùng về bước đi này, đồng nghiệp cũ vẫn nhiệt tình chào đón anh: “Quãng thời gian qua thật sự hữu ích đối với tôi. Tôi đã có góc nhìn đa chiều hơn về Microsoft sau khi vừa làm việc cho tập đoàn này lại vừa có cơ hội bước nhảy việc và nhìn lại nó với vị trí một người ngoài cuộc. Nhờ vậy mà tôi lại thấy quý trọng nó hơn.”

Liên tục phát triển bản thân trong sự nghiệp

Khi đại dịch tràn đến Mỹ, Celine Levy đã làm việc tại Skai - một hãng marketing lúc trước mang tên Kenshoo - được 2 năm. Ở vị trí quản lý thành quả của khách hàng, chị thường đến văn phòng khách 2 lần/tuần. Vì vậy mà chị khá chật vật mới làm quen được các cuộc gặp trực tuyến sau khi lệnh phong toả có hiệu lực vào tháng 3/2020.

Chị cho biết: “Thay đổi lớn nhất tôi gặp phải là không được nói chuyện trực tiếp với khách và không mời được khách ra ngoài trò chuyện, nhất là với những khách mới tìm đến công ty mà tôi chưa có dịp gặp mặt.”

Levy thích công việc của mình, nhưng chị cũng muốn học hỏi, phát triển bản thân nên đã theo học việc với đội sale của công ty.

Bất ngờ, vào mùa xuân năm ngoái, bạn chị liên lạc và đề nghị một vị trí tương tự nhưng ở một công ty lớn hơn. Tại đó, chị sẽ tiếp ít khách hàng nhưng các khách hàng của chị sẽ là những nhân vật tầm cỡ hơn.

Khó khăn lắm, Levy mới quyết định rời Skai và nhảy việc sang công ty mới vào tháng 4/2021. Chị chia sẻ: “Công việc mới này cực kỳ thu hút. Cái khó là tôi không biết lúc đó có phải thời điểm thích hợp để rời Skai hay không, không biết liệu ở Skai có còn thêm những cơ hội khác chờ tôi nắm bắt, rằng duyên của tôi với Skai vẫn còn dài hay đã chấm dứt.”

Sau khi trụ lại ở vị trí mới được 10 tháng, chị nghe một đồng nghiệp cũ nói rằng bộ phận sale ở Skai mà trước đó chị theo học việc hiện có vị trí trống. Vậy là chị lại đắn đo. Chị rất thích công việc mình đang làm nhưng vị trí kia ở Skai sẽ giúp chị mở rộng sự nghiệp, cho chị những trải nghiệm mới, cũng như cơ hội đóng góp vào sự phát triển không ngừng của công ty.

Chị đã quay lại chỗ làm cũ được vài tháng. Trong suốt thời gian chị ra đi đã có nhiều thứ đổi khác và giờ đây, chị cảm thấy những đóng góp của mình có sức ảnh hưởng lớn hơn. Chị nhận xét: “Khi làm việc tại một công ty, bạn không thật sự biết rõ mọi người khác phải làm và đang làm những việc gì. Nhưng một khi đã bỏ công ty và sau đó trở lại, bạn tự nhiên sẽ có được góc nhìn mới mẻ, thông suốt hơn.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán