Thời trang

Adidas và Puma chú ý đến thị trường thời trang bóng đá

Các hãng thời trang thể thao như Adidas và Puma dần bắt kịp xu hướng thời trang bóng đá với hy vọng chiêu mộ được khách hàng mới, đặc biệt sau thành công của mùa World Cup Nữ vừa qua.



Thủ môn Mary Earps đội tuyển Anh nhận giải Găng Tay Vàng trong kỳ World Cup Nữ tổ chức tại Úc - Ảnh: Hannah Mckay/Reuters

Sau khi một số ngôi sao như Kim Kardashian diện áo bóng tham gia cổ vũ vài trận đấu, nhiều câu lạc bộ (CLB) đã bắt đầu nhắm đến cơ hội béo bở này. Trong khi Adidas tung bộ sưu tập “độc quyền ngoài sân cỏ” dành cho người hâm mộ các đội bóng mà hãng này tài trợ, một đội tuyển Ngoại hạng Anh còn thuê đội ngũ sáng tạo thiết kế các mẫu áo mới

Được biết trong tháng 8 vừa qua, Crystal Palace thuê Kenny Annan-Johnathan làm giám đốc sáng tạo mảng áo quần. Người này được xem là nhân tố giúp đa dạng hóa các sản phẩm hiện có của CLB Ngoại hạng Anh.

Richard Busby, CEO đơn vị tài trợ BDS, cho hay: “Mối “nhân duyên” giữa bóng đá và thời trang chỉ mới chớm nở mà thôi.”

Trong khi Kardashian đã diện áo đấu đội Roma và Paris Saint-Germain thì siêu mẫu 20 tuổi Mia Regan lại phối áo đấu Arsenal với chiếc váy dài denim cùng ủng đến dự Tuần lễ Thời trang tại Paris vào tháng 10.

Kỳ World Cup Nữ vừa qua cho thấy thị trường sản phẩm dành cho fan bóng đá nữ là mảnh đất màu mỡ chưa được khai phá nhiều. Còn nhớ Nike bị phản đối dữ dội thế nào khi không chịu tung ra mẫu áo giống với thủ môn Mary Earps của Anh cũng như của các tuyển thủ khác.



Người hâm mộ đội tuyển Tây Ban Nha ăn mừng chiến thắng tại đêm chung kết - Ảnh: Asanka Brendon Ratnayake/Reuters

Song, theo Busby thì nhu cầu thời trang bóng đá ngày càng mở rộng ở cả hai giới: “Các CLB Ngoại hạng Anh có lượng fan hùng hậu với tâm lý “chịu chi” nhưng mặt hàng nào CLB bán ra cũng đều làm họ thất vọng, bất kể là nam hay nữ.”

Đội bóng hạng 2 của Hy Lạp Athens Kallithea vừa qua có tân trang lại trang phục đội tuyển nữ, với áo thi đấu unisex đi cùng chiếc váy ngắn tạo thành phong cách giản dị. Đây là một trong những nỗ lực thu hút người tiêu dùng bên ngoài lực lượng người hâm mộ truyền thống.

Làn sóng cuồng nhiệt bóng đá

Từ lâu Adidas và Puma đã là hai cái tên gắn liền với trang phục đường phố và phong cách đại chúng. Theo báo cáo GlobalData công bố hồi tháng 9/2023, hai công ty Đức trên rót gần 2/3 khoản tài trợ hàng năm vào bóng đá, nên đợt “tác hợp” giữa bóng đá và thời trang lần này chắc chắn sẽ mang lại lợi nhuận không nhỏ. Cũng theo GlobalData, Nike, nhãn hàng chi mạnh cho bóng rổ cùng các môn thể thao học đường khác, cũng dành 48% tiền tài trợ mỗi năm cho bóng đá.

Heiko Desens, Giám đốc sáng tạo của Puma, cho biết: “Giờ mọi người đang cuồng nhiệt áo thi đấu bóng đá cùng các loại trang phục khác mang dấu ấn môn thể thao này.” Puma vẫn muốn góp lửa thổi bùng xu hướng mới. Tháng 9 vừa qua, hãng có hợp tác với nhãn hiệu Fenty của ca sĩ Rihanna cho ra mắt mẫu giày thể thao gợi nhớ lại đôi giày thi đấu của cố huyền thoại Pele. Vừa được rao bán trên trang web của Puma với giá 170 USD cho mẫu ánh bạc và 160 USD cho mẫu trắng-đen, sản phẩm này nhanh chóng cháy hàng.

Graham Renwick, Chuyên gia phân tích tài chính tại ngân hàng Berenberg, nhận định: “Puma có lượng khách nữ giới lớn hơn Adidas hay Nike. Thương vụ hợp tác với Rihanna hồi năm 2015 đã giúp hãng thu hút một lượng lớn khách hàng nữ, ngày càng củng cố uy tín thương hiệu trong lòng họ. Trong lần tái hợp này, Puma mong đợi cũng sẽ nhận thu về phản ứng tương tự.”

Các mẫu thiết kế của Adidas mô phỏng kiểu áo Arsenal, Bayern, Munich, Juventus, Manchester United, và Real Madrid mới ra mắt tháng 9 vừa qua bao gồm áo croptop đi chung chiếc đầm bằng vải dệt kim, với logo đội tuyển được bố trí tế nhị. Theo hãng này: “Chúng tôi cũng chỉ muốn bất kể khách hàng thích chơi đá bóng hay những khách hàng chỉ là “tín đồ túc cầu” cũng đều có thể tìm thấy thứ mình đang tìm kiếm.”

Một số dòng thời trang cao cấp cũng không muốn bỏ lỡ cuộc vui. Tháng 5 vừa qua, hãng Prada của Ý có hợp tác với Adidas để tạo ra giày đinh với 3 mẫu mã khác nhau; một trong số đó, mẫu màu trắng, có giá bản lẻ lên đến 595 USD/đôi.

Hiện nhiều câu lạc bộ như Liverpool và Newcastle United cũng rục rịch tìm kiếm giám đốc sáng tạo, xem chừng sẽ làm thay đổi tương quan quyền lực thương mại giữa họ và phía nhà tài trợ.

Trong khi đó, Athens Kallithea (Hy Lạp) và Venezia (Ý) đã triệt để tận dụng mạng xã hội tổ chức chiến dịch tiếp thị sản phẩm ra thị trường toàn cầu mặc dù lượng fan của cả hai rất ít ỏi. Ted Philipalkos, Chủ tịch kiêm giám đốc sáng tạo của Kallithea, bày tỏ: “Hễ mở rộng độ phủ sóng ra khỏi lượng người hâm mộ chính là lại nảy sinh rủi ro bị tẩy chay. Vì vậy mà nước đi này cần thận trọng, tế nhị, và nhạy bén - điều nhiều CLB lớn không làm được.” Ông còn cho biết nhiều CLB Ngoại hạng Anh và CLB từ Bundesliga (Đức) đã liên lạc ông nhờ “chỉ giáo”.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán