Thời trang

Alexander McQueen – Thương hiệu thời trang của nghệ thuật và sự sang trọng

Ngày nay, có lẽ không có tín đồ thời trang sành điệu nào mà không biết đến Alexander McQueen.

Kể từ khi ra đời, thương hiệu thời trang Anh này đã tạo dấu ấn cho ngành công nghiệp quần áo xa xỉ bằng cách sản xuất các sản phẩm may mặc tuyệt vời, làm mờ ranh giới giữa thời trang và nghệ thuật.



Ảnh: successstory.com

Bằng chứng là sự hiện diện của Alexander McQueen tại Tuần lễ thời trang Paris luôn được săn đón - nơi những thiết kế sáng tạo tinh tế và đứng đầu được trình làng.

Lịch sử thành lập

Thương hiệu được thành lập bởi nhà thiết kế người Anh Lee Alexander McQueen vào năm 1992. Thương hiệu này có khởi đầu khá khiêm tốn khi McQueen vừa tốt nghiệp từ trường Central Saint Martins.



Lee Alexander McQueen - Ảnh: www.dailymail.co.u

Bộ sưu tập tốt nghiệp của ông đã được nhà thiết kế thời trang có ảnh hưởng Isabella Blow chú ý. Thông qua các mối quan hệ rộng rãi của bà trong ngành công nghiệp thời trang, McQueen dần dần có được khách hàng.

Ông nổi tiếng là một nhà thiết kế táo bạo và gây sốc với những bộ sưu tập không thể đoán trước. Mặc dù báo chí phê bình về những ý tưởng nổi loạn trong thiết kế nhưng không thể phủ nhận tài năng thiết kế mà McQueen tạo ra. Do đó, ông được bổ nhiệm là nhà thiết kế và giám đốc sáng tạo của Givenchy từ năm 1996 đến năm 2001.

Với những thiết kế đặc biệt không thể lẫn vào ai, xưởng may của ông sản xuất những sản phẩm rất độc đáo nhưng vẫn tôn vinh những phần đẹp nhất của cơ thể. Vào tháng 12 năm 2000, tập đoàn PPR danh tiếng (bây giờ là tập đoàn Kering) đã mua lại 51% cổ phần công ty của McQueen. Tuy nhiên, McQueen đã đồng ý với điều kiện là ông vẫn giữ quyền kiểm soát những thiết kế sáng tạo đối với quần áo mà ông tạo ra.

Sự bành trướng thương hiệu

Ngay sau khi hợp tác với tập đoàn Kering, McQueen đã quyết định tới Paris để giới thiệu bộ sưu tập của mình trong Tuần lễ thời trang. Với ngân sách khổng lồ được cung cấp bởi những tập đoàn quyền lực, McQueen đã tạo ra những thiết kế không những thể hiện nổi bật tài năng của mình mà còn giới thiệu những thiết kế xa hoa nhất. Thương hiệu của ông tiếp tục mở rộng, bằng chứng rõ rệt nhất là sự xuất hiện của các cửa hiệu hàng đầu của Alexander McQueen được mở tại những kinh đô thời trang nổi tiếng thế giới ngoài London như New York, Los Angeles, Tokyo, Milan và Paris.



Ảnh: successstory.com

Sự mở rộng thương hiệu cũng là một điều khoản trong hợp đồng với thương hiệu Kering. Sau đó, McQueen tiếp tục ra mắt những sản phẩm thời trang phụ kiện như mắt kính, phụ kiện và nước hoa.

Một nhãn hàng mới McQ cũng được ra mắt vào tháng 7/2006 nhằm vào đối tượng khách hàng trẻ với mức giá bán lẻ thấp hơn. Một bộ sưu tập quần áo cho nam giới chính thức được giới thiệu trong bộ sưu tập Thu-Đông năm 2004.

Ngoài ra, nhà thiết kế cũng hợp tác với các nhãn hiệu bán lẻ khác như Target, MAC Cosmetics, và PUMA để tạo ra các sản phẩm có giới hạn nhằm phục vụ riêng cho nhu cầu thị trường đại chúng.



Ảnh: successstory.com

Các chiến lược mở rộng khác nhau được triển khai bởi Kering đã giúp McQueen nâng cao tầm ảnh hưởng và hình ảnh của thương hiệu. McQueen đã trở thành thương hiệu thân thuộc của những khách hàng quý tộc hay những người nổi tiếng. Do đó, thương hiệu trở thành một đối thủ nặng ký cạnh tranh với những thương hiệu xa hoa như Louis Vuitton, Chanel, Christian Dior, Yves Saint Laurent và Prada trong làng thời trang thế giới.

Bi kịch và sự tái sinh

Thương hiệu đang trên đà phát triển mạnh mẽ thì bi kịch xảy ra. Vào tháng 2 năm 2010, nhà thiết kế Alexander McQueen đã tự tử tại nhà riêng tại London sau một thời gian đấu tranh với chứng trầm cảm và lạm dụng ma túy. Vào thời điểm xảy ra cái chết của ông, bộ váy trong bộ sưu tập Thu - Đông năm 2010 của ông vẫn chưa được hoàn thành.

Sau đó, Kering đã tuyên bố Sarah Burton là giám đốc sáng tạo của thương hiệu Alexander McQueen. Burton là người phụ nữ luôn trung thành của McQueen, trợ lý thiết kế lâu năm trong những năm đầu của công ty và trở thành nhà thiết kế chính cho trang phục nữ vào năm 2000.



Sarah Burton - Ảnh: successstory.com

Bắt đầu từ bộ sưu tập Xuân - Hè 2011 trở đi, những sản phẩm của thương hiệu được Burton thiết kế và chỉ đạo cùng với các cộng tác viên thường xuyên. Giới thời trang đánh giá cao thành quả của Burton và báo hiệu một kỷ nguyên mới cho thương hiệu McQueen.

Tầm ảnh hưởng

Bên cạnh việc cho ra mắt các bộ sưu tập đều đặn mỗi mùa, công ty đã thực hiện sứ mệnh quan trọng để củng cố vị thế của họ là một thương hiệu sang trọng và biến cái tên Alexander McQueen trở thành một huyền thoại thời trang.



Ảnh: successstory.com

Một triển lãm thời trang hoành tráng tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở thành phố New York đã được tổ chức để tôn vinh những thành quả của Alexander McQueen.

Với tên gọi “Alexander McQueen: Savage Beauty”, cuộc triển lãm với sự tham quan của hơn 650.000 người xem trong ba tháng từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2011. Một triển lãm tương tự đã được thực hiện tại Bảo tàng Victoria & Albert ở London từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2015, và số người tham dự đã phá kỷ lục lần triển lãm ban đầu tại New York.



Ảnh: successstory.com

Một thành công nữa của McQueen là chiếc váy cưới lộng lẫy tuyệt nhất trong lịch sử được Sarah Burton thiết kế cho công nương Catherine Middleton, nó được chọn mặc trong lễ cưới với Hoàng tử William.

Mặc dù thông tin thiết kế được giữ bí mật nhưng báo chí quốc tế đã suy đoán ai là nhà thiết kế áo cưới ngay khi Middleton và Prince William tuyên bố đính hôn. Burton là một trong số những nhà thiết kế được mong chờ bao gồm các nhà thiết kế nổi tiếng khác của Anh như Stella McCartney, Vivienne Westwood, Victoria Beckham, Georgina Chapman, Keren Craig. Mãi cho đến khi Middleton bước đến lối vào của cung điện Westminster Abbey, danh tính của nhà thiết kế Burton mới được bật mí.



Ảnh: successstory.com

Với những thành tựu quan trọng này, tầm ảnh hưởng của Alexander McQueen vẫn luôn trường tồn và Sarah Burton với vai trò lãnh đạo, thương hiệu thời trang vẫn tiếp tục phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, nó vẫn giữ vị trí là một thương hiệu tiên phong trong ngành thời trang thế giới.

Thanh Huyền
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán