Thời trang

Đôi bông tai trị giá 4,5 bảng của Truss và đôi giày Prada 450 bảng của Sunak

Trang phục nói lên nhiều điều về người mặc. Trường hợp của Liz Truss và Rishi Sunak không phải là ngoại lệ. Song, điều đó là gì thì luôn luôn thay đổi.



Hai đối thủ tranh vị trí dẫn đầu Đảng Bảo thủ và cách chọn trang phục của họ - Ảnh: Getty Images

Trong cuộc chạy đua giành chiếc ghế lãnh đạo Đảng Bảo thủ của Anh Quốc giữa Liz Truss và Rishi Sunak, báo chí không chỉ tốn giấy mực cho những phát biểu đến từ cả hai mà còn tập trung vào những gì cả hai thể hiện qua trang phục.

Trong tuần cuối cùng của tháng 7/2022, cả hai làm dậy sóng dư luận vì số tiền đổ vào thời trang. Đôi bông tai Claire’s Accessories 4,5 bảng của Truss đối lập hẳn với đôi giày tây Prada 450 bảng cùng bộ vest may riêng 3.500 bảng của Sunak.

Tuy trang phục các chính trị gia luôn là tâm điểm của nhiều phân tích - đôi giày cao guốc da báo của Theresa May hay cách Barack Obama xắn tay áo chẳng hạn - các thảo luận lần này lại xoay quanh khủng hoảng vật giá, tập trung vào những tín hiệu vị thế mà trang phục của cả hai phát đi. Câu hỏi đặt ra là trong năm 2022 này là phong cách thời trang thể hiện địa vị xã hội như thế nào?

Ngay cả trong cơn khủng hoảng vật giá, những vật dụng thời trang đắt tiền vẫn thể hiện được quyền lực và được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều nhãn hiệu thời trang công bố tình hình tài chính nửa đầu năm 2022 vào cuối tháng 7. Lợi nhuận của Moncler - hãng có áo khoác phồng in logo con gấu trên tay trị giá 1.235 bảng - tăng 48%. Tập đoàn LVMH - sở hữu Louis Vuitton và Givenchy - ghi nhận lợi nhuận tăng 19% trong quý 2 năm 2022, phần nhiều do các túi xách sang trọng. Được biết chiếc túi đặc trưng Louis Vuitton Speedy trị giá 1.030 bảng. Prada, nhãn hiệu yêu thích của Sunak, công bố lợi nhuận tăng 22% trong nửa đầu 2022; túi đeo vai Cleo của hãng với logo Prada hình tam giác ngược được bán với giá 1.800 bảng.

Emma McClendon, nhà sử học thời trang và tác giả “Power Mode: the Force of Fashion” (tạm dịch: “Mốt quyền lực: thực quyền của thời trang”) giải thích: “Suốt nhiều thế kỷ, quần áo lúc nào cũng thể hiện địa vị người mặc bởi chúng là thứ ngôn ngữ xã giao, giúp người đối diện “đọc” được đặc điểm xã hội của đối phương.” Song, biểu tượng xã hội thay đổi theo thời gian, như bà bổ sung: “Cách ta thể hiện quyền lực vào năm 2022 sẽ khác năm 2016 hay 2012.”

Biểu tượng vị thế tại một thời điểm bất kỳ do giới tinh hoa quy định. Trong thời kỳ kỹ thuật số, các triệu phú hay tỷ phú Thung lũng Silicon thích mặc áo trùm đầu và giày thể thao hơn là quần tây áo vest như truyền thống. Mark Zuckerberg là đại diện cho bước chuyển này. McClendon cho rằng: “Phong cách xuề xòa của Zuckerberg là cách anh “đá đểu” giới tài chính Phố Wall. Cuối cùng thì mỗi thời đại lại có một hay một số cá nhân nào đó định nghĩa lại khái niệm thành công và quyền lực.”

Sunak đã học hỏi từ giới tinh hoa Thung lũng Silicon. Giữa lúc đỉnh dịch năm 2020, các tấm ảnh chụp đều cho thấy ông trùm kín đầu với chiếc áo Everlane xuất xứ California - lựa chọn đánh dấu sự thành công và thịnh vượng rất hợp thời.

Các thảo luận xoay quanh biểu tượng địa vị cũng bàn đến tầng lớp và nhóm nào “được phép” mang trên người những sản phẩm được nhiều người mong muốn. Và những điều này cũng thay đổi theo thời gian. Hai mươi năm trước, Danniella Westbrook mặc bộ Burberry kẻ sọc từ vai đến chân, khiến dư luận dậy sóng và nhà sản xuất phải giảm số lượng sọc xuống vì sợ mất đi phân khúc khách hàng thượng lưu. Daniel Rodgers, vốn từng viết về “sự kiện” Westbrook, cho rằng vào thời điểm hiện nay bộ quần áo đó sẽ không gây tranh cãi đến thế: “Ngày nay, thật khó có thể biết được một người là trung lưu, thượng lưu, hay dân lao động qua trang phục họ mặc; đó là do Internet và mạng xã hội đã xóa nhòa các chỉ dấu về địa vị.”

Song, ông quan sát thấy phụ nữ khi bước ra khỏi khuôn thước định sẵn vẫn gây nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận: “Điển hình là Kim Kardashian. Trước khi lấy Kanye, cô ta diện Givenchy và mọi người càm ràm: “Giờ cả người mẫu gợi cảm cũng ăn mặc sang trọng được sao?” Quan niệm của mọi người về tầng lớp xã hội bị khuynh đảo. Bởi ta cho rằng mọi thứ phải là như thế này thế kia nên khi có người vượt khỏi lằn ranh, ta cực lực phản đối, vì chuyện ăn mặc như vậy không “thuận” tự nhiên, không theo quy tắc vốn có.”

Các biểu tượng vị thế ngày nay phức tạp hơn vì địa vị có thể bắt nguồn từ cá tính, từ vẻ “ngầu” thường thấy ở tầng lớp lao động. Rodgers nhận định: “Nhiều ngôi sao nhạc pop hay nhân vật công chúng hiện bắt nhịp các xu hướng bình dân nhằm thể hiện mình gần gũi, chân thật, và chất phác hơn.”

Rachel Worth, tác giả đầu sách “Fashion and Class” (tạm dịch: “Thời trang và Giai cấp”) xuất bản năm 2020, có nói đây không phải hiện tượng mới và lấy ví dụ thời Cách mạng Pháp: “Lúc đó, ai mặc trang phục sang trọng như nhung lụa sẽ dễ gặp nguy. Mọi người bắt đầu ăn mặc xuề xòa, gần với tầng lớp lao động hơn.”

Worth cũng biện luận rằng biểu tượng địa vị hiện tại cũng thể hiện qua việc người mặc quan tâm thế nào đến vấn đề môi trường và giảm thiểu khí thải carbon: “Vào thế kỷ 19, quần áo đã qua sử dụng trở thành mốt, và dường như chúng ta dần quay lại xu hướng thời đó.”

Caroline Stevenson, trưởng đơn vị nghiên cứu văn hóa và lịch sử tại Cao đẳng Thời trang London, đồng tình: “Người tiêu dùng thức thời là xu hướng hiện nay. Bạn cần biết quần áo mình xuất xứ ở đâu, lựa chọn thật kỹ trang phục và quý trọng những thứ tinh túy hơn trong cuộc sống.”

Với dư luận, điều này nghĩa là mặc lại trang phục đã mặc trước đó - như Vương phi Kate và Meghan, hay thuê trang phục - như Carrie Johnson khi kết hôn với cựu thủ tướng Boris Johnson. Vì vậy mà chuyện Sunak hay Truss diện quần áo và phụ kiện mua mới, dù là thời trang nhanh hay thời trang cao cấp, đều là nước đi sai lầm - không khác chuyện Kylie Jenner bị chỉ trích là “tội phạm khí hậu” khi đăng lên Twitter rằng bản thân dùng phi cơ riêng để bay vỏn vẹn 17 phút giữa hai sân bay tại California.

McClendon cho rằng hai ứng viên lãnh đạo Đảng Bảo thủ thể hiện góc nhìn khác nhau về địa vị. Nếu Sunak chọn “biểu tượng phú quý truyền thống - quần áo đặt may riêng” thì đôi bông tai của Truss lại thể hiện “biểu tượng đối nghịch,… vẫn cho thấy quyền lực, nhưng là quyền lực trong một hệ thống dân chủ, đại diện cho dân chúng.”

Charlie Porter, tác giả đầu sách “What Artists Wear” (tạm dịch: “Các nghệ sĩ mặc gì?”), cho rằng lựa chọn thời trang của Liz Truss cũng đồng điệu với chính sách của bà: “Bà ấy hiện đang phát động chiến dịch cắt thuế để giảm căng thẳng ngắn hạn, hứa hẹn người dân sẽ có nhiều thu nhập dư dả hơn trong lúc giá xăng dầu và thực phẩm ngày càng tăng. Khi đó dân chúng sẽ mua sắm nhiều hơn, cảm thấy thoải mái hơn. Nhưng cũng vì vậy mà hậu quả dài hạn đôi khi cũng sẽ khắc nghiệt hơn. Trong khi đó, trang phục và phụ kiện đắt tiền của Sunak vừa là phương tiện gắn kết với giới thượng lưu, vừa là biểu tượng mà nhiều người tham vọng vươn tới.”

McClendon bổ sung: “Tôi cho rằng quan hệ giữa chúng ta với tiền bạc và của cải ngày càng phức tạp khi đại dịch, khủng hoảng, và các khó khăn tài chính vẫn còn kéo dài, nhưng cùng lúc ta phải thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.” Phong cách mang biểu tượng địa vị vẫn là mốt trong năm 2022, nhưng như mọi thời điểm khác, đây là vấn đề phức tạp hơn ta thường nghĩ nhiều.

Huỳnh Trọng Nhân

(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán