Thời trang

Kimono qua các thời kỳ

Ban đầu, "kimono" là một từ tiếng Nhật dùng để chỉ quần áo nói chung. Nhưng trong nhiều năm trở lại đây, nó được đặc biệt sử dụng để chỉ một loại trang phục truyền thống của Nhật Bản. Trang phục kimono mà chúng ta biết ngày nay ra đời vào thời kỳ Heian (794 - 1192).



Kimono Nhật Bản trong thời kỳ Nara - Ảnh: hubpages.com

Trong thời kỳ Nara (710 - 794), người Nhật thường mặc những bộ trang phục gồm phần trên và phần dưới (quần hoặc váy) riêng biệt hoặc trang phục liền một mảnh. Nhưng đến thời kỳ Heian, một kỹ thuật may kimono mới đã phát triển, đó là phương pháp cắt đường thẳng (straight-line-cut). Phương pháp này yêu cầu cắt các mảnh vải theo đường thẳng rồi may chúng lại với nhau. Với kỹ thuật này, những người may kimono không còn phải lo lắng về hình dáng cơ thể của người mặc nữa.

Những bộ kimono được may theo phương pháp này mang lại nhiều lợi ích. Chúng dễ gấp và phù hợp với mọi kiểu thời tiết, có thể mặc thành nhiều lớp để giữ ấm vào mùa đông. Kimono làm từ vải lanh rất thoải mái và dễ chịu khi mặc vào mùa hè. Những lợi ích này giúp kimono trở thành một phần trong đời sống hàng ngày của người dân Nhật Bản.

Thời gian trôi qua, Kimono trở thành thời trang. Người Nhật bắt đầu quan tâm đến việc phối các màu sắc sao cho hài hòa, đồng thời cũng phát triển một độ nhạy cao hơn về màu sắc. Điển hình, sự kết hợp màu sắc tượng trưng cho các mùa trong năm hoặc theo tầng lớp chính trị của người mặc.



Kimono Nhật Bản trong thời kỳ Muromachi - Ảnh: hubpages.com

Trong thời kỳ Kamakura (1192 - 1338) và thời kỳ Muromachi (1338 - 1573), cả nam và nữ đều mặc những bộ kimono có màu sắc tươi sáng. Các chiến binh mặc những bộ trang phục có màu sắc tượng trưng cho thủ lĩnh của họ, và đôi khi, chiến trường lại màu mè, lòe loẹt như một show diễn thời trang.

Vào thời kỳ Edo (1603 - 1868), Mạc phủ Tokugawa thống trị khắp Nhật Bản. Đất nước bị chia cắt thành các lãnh địa phong kiến, do các lãnh chúa cai trị. Các samurai của mỗi vùng được nhận biết nhờ màu sắc và kiểu mẫu trên đồng phục của họ. Chúng gồm 3 phần: kimono, trang phục không tay mặc phía ngoài (gọi là kamishimo) và chiếc váy xẻ (gọi là hakama). Kamishimo làm từ vải lanh, được hồ cứng để làm nổi bật phần vai. Vì phải may khá nhiều trang phục samurai, nên tay nghề của các nghệ nhân kimono ngày càng cao, đồng thời cũng giúp cho công việc may kimono trở thành một hình thức nghệ thuật. Kimono trở nên có giá trị hơn và được các bậc cha mẹ truyền lại cho con cái như là một vật gia truyền.



Kamishimo và hakama - Ảnh: blogspot.com

Trong thời kỳ Meiji (1868 - 1912), Nhật Bản chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các nền văn hóa nước ngoài. Chính phủ khuyến khích người dân chấp nhận trang phục và tập quán của phương Tây. Luật pháp bắt buộc các quan chức trong chính phủ và quân đội phải mặc trang phục phương Tây vào những buổi họp mặt quan trọng (ngày nay luật này đã không còn hiệu lực nữa). Còn đối với thường dân, khi đến tham dự các sự kiện trang trọng thì bộ kimono họ mặc phải được trang trí thêm con dấu của gia tộc.

Ngày nay, người Nhật hiếm khi mặc kimono trong đời sống thường ngày. Họ chỉ mặc vào những dịp đặc biệt như đám cưới, đám tang, tiệc trà hay các lễ hội vào mùa hè.

Mỹ Hằng
Theo web-japan.org

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán