Thời trang

Lịch sử tà áo dài Việt

Áo dài là trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, được mặc cùng với quần dài. Áo dài đã trở thành biểu tượng của vẻ đẹp nữ tính Việt, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Và niềm tự hào đó được nhân lên gấp bội khi Trương Quỳnh Mai, đại diện Việt Nam trong cuộc thi Miss International Pageant được tổ chức tại Tokyo vào năm 1995 đã giành giải “Trang phục dân tộc đẹp nhất” trong bộ áo dài gấm trúc xanh. Ngay cả trước khi được công nhận quốc tế, áo dài từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận của các nghệ sĩ, nhà thơ và là một biểu tượng không thể tách rời trong nghệ thuật và văn học Việt Nam.



Trương Quỳnh Mai trong bộ áo dài gấm trúc xanh tại cuộc thi Miss International Pageant – Ảnh: vi.wikipedia.org

Áo dài ra đời lần đầu tiên được mặc bởi các cận thần miền Nam dưới triều chúa Nguyễn Phúc Khoát. Với mong muốn thiết lập một bản sắc riêng biệt khỏi người miền Bắc, chúa Nguyễn đã ra lệnh cho cả nam và nữ đều phải mặc quần dài được che phủ bởi một chiếc áo dài phía trên. Sự định hình cơ bản đầu tiên của chiếc áo dài được thể hiện trong sắc dụ đó. Chiếc áo dài lúc bấy giờ mang phong cách của người Chăm, như là một cách để chúa Nguyển thể hiện sự tôn trọng của nền văn hóa này và cũng để tranh thủ sự ủng hộ của họ.

Mặc dù nhiều người Việt nghĩ rằng áo dài là một biến thể của áo tứ thân, nhưng 2 kiểu trang phục này hoàn toàn khác nhau về nguồn gốc. Áo tứ thân có 2 vạt trước và 2 vạt sau. 2 vạt sau được khâu lại với nhau thành một đường dài, trong khi đó 2 vạt trước tách riêng nhau. Bên trong, người con gái thường mặc yếm và một chiếc váy dài. Áo tứ thân là một trang phục của người phụ nữ miền Bắc Việt Nam.

Chiếc áo dài nguyên bản lúc bấy giờ chưa thể hiện tính thẩm mỹ. Kiểu dáng đơn giản, đường may lỏng lẻo chưa tôn lên được vóc dáng người phụ nữ. Mãi đến năm 1930, một nhóm các nghệ sĩ người Pháp đã thực hiện một cải cách quan trọng, kết hợp thiết kế của áo ngũ thân (một biến thể của áo tứ thân) với váy thời trang của Pháp. Những hình ảnh của hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam, Hoàng Hậu Nam Phương, mặc áo dài với sự sang trọng đặc biệt, đã để lại một ấn tượng tuyệt vời về sự sáng tạo của những nghệ sĩ này. Các họa sĩ và nhà điêu khắc cũng đã bắt đầu tạo dựng những nhân vật của họ trong trang phục áo dài.



Tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân - Ảnh: vi.wikipedia.org

Chiếc áo dài bước vào phạm vi hoạt động chính trị khi bà Trần Lệ Xuân, vợ nhà cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu mặc chiếc áo dài cách tân cổ thuyền để cổ vũ cho phong trào Liên đới Phụ nữ của mình. Bà Nguyễn Thị Bình, trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Giải phóng tại Hội nghị Hòa bình Paris cũng khoát lên mình chiếc áo dài để thể hiện lòng yêu nước.

Ngày nay, áo dài đã trở thành sự lựa chọn của người phụ nữ Việt Nam trong những dịp đặc biệt. Những nhà thiết kế thời trang như Thiết Lập của thập niên 60 và nhà thiết kế Sỹ Hoàng ngày nay vẫn đang tiếp tục tìm tòi, sáng tạo ra những mẫu thiết kế mới. Các kiểu may với cách ráp tay giác lăng hay nâng cao tà xẻ lên 1 chút và các đặc điểm mượn từ thời trang phương Tây càng làm cho tà áo dài Việt thêm quyến rũ nhưng vẫn không làm mất đi vẻ dịu dàng e ấp vốn có.

Tại Việt Nam cũng như ở các cộng đồng người Việt trên toàn cầu, các cuộc thi sắc đẹp với phần trình diễn áo dài ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều nhà thiết kế thời trang Việt dã cống hiến toàn bộ sự nghiệp của mình để mang lại một diện mạo mới cho áo dài.



Phần trình diễn áo dài của các thí sinh sự thi Hoa hậu Việt Nam 2014 - Ảnh: hoahau.tienphong.vn

Lịch sử của tà áo dài đã phản ánh khả năng thích ứng linh hoạt của người Việt. Áo dài là một sự biến đổi có liên quan đến văn hóa qua từng thời kì nhưng vẫn mang nét đặc trưng của người Việt. Chiếc áo dài hiện đại ngày nay là sự kết hợp tuyệt vời giữa truyền thống dân tộc với những đặc điểm thời trang phương Tây cùng với tính thẩm mỹ. Áo dài không chỉ trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Việt mà còn là niềm kiêu hãnh của văn hóa, con người Việt Nam.

Ngọc Bắc
(Lược dịch)

123456789[10]...34  

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán