Thời trang

Lịch sử thỏi son môi

Khoảng năm 3500 trước công nguyên, Nữ hoàng Shubad người Sumer được cho là người đầu tiên sử dụng son môi màu. Bà đã làm đẹp cho đôi môi của mình bằng màu sắc được tạo ra từ chì trắng và đá đỏ nghiền vụn.

Ở Ai Cập, cả đàn ông lẫn phụ nữ cũng bắt đầu sử dụng son môi, họ xem đây là một phương tiện để chứng tỏ địa vị xã hội. Trong xã hội Hy Lạp cổ đại, son môi (đặc biệt là màu đỏ) chủ yếu là dành cho các kỹ nữ.



Nữ hoàng Nefertiti của Ai Cập sử dụng son môi

Giai đoạn sau công nguyên

Bắt đầu thời kỳ Trung Cổ, những sự chỉ trích, phê bình về việc sử dụng son môi trở nên phổ biến. Tuy nhiên, những loại son có màu sắc nhẹ nhàng như màu trắng hoặc màu hồng vẫn được phép sử dụng ở Anh vì đây được cho là những màu sắc tượng trưng cho sự tinh khiết. Rất nhiều phụ nữ đã tạo ra màu son từ mỡ cừu và nghiền vụn các loại rễ có màu đỏ.

Thế kỷ 16

Nữ hoàng Elizabeth thường chế tạo son môi từ phẩm son, cao su Ả Rập, lòng trắng trứng và sữa của quả sung. Bà và các quần thần còn chế tạo ra son kẻ viền môi bằng cách trộn thạch cao tuyết hoa hoặc thạch cao của Paris với thành phần tạo màu, sau đó cuộn thành hình dạng của cây bút chì rồi phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Trong giai đoạn này, người ta tin rằng son môi có thể tạo nên điều kỳ diệu, thậm chí có thể đánh lừa thần chết.



Nữ hoàng Elizabeth rất yêu thích son môi

Thế kỷ 18

Trước những năm 1700, các hình phạt về mặt xã hội và pháp lý được đưa ra để giảm tối thiểu việc sử dụng son môi ở Anh, chỉ có kỹ nữ mới tô son rực rỡ. Ngược lại ở Pháp, phụ nữ thuộc giới thượng lưu được tự do trang điểm.

Thế kỷ 19

Mỹ phẩm trở nên cực kỳ lỗi thời trong giai đoạn Victoria. Chính Nữ hoàng Victoria đã tuyên bố rằng trang điểm là "không lịch sự". Việc trang điểm trở thành điều bị cấm kỵ đối với tất cả mọi người, kể cả các kỹ nữ và diễn viên. Khi đó, để làm đẹp cho đôi môi của mình, phụ nữ đã tìm đến các phương pháp khác như sử dụng giấy kếp màu hồng, dùng sáp môi hoặc tự cắn vào môi mình. Họ cũng bí mật trao đổi các phương pháp chế tạo son môi với bạn bè. Một số người còn lặn lội đến tận Paris để mua sáp môi Guerlain có thành phần là bưởi trộn với bơ và sáp.

Thế kỷ 20

  • Những năm 1910

    Lúc bấy giờ, nhờ vào sự ủng hộ của những người đi đòi quyền lợi chính đáng cho phụ nữ, son môi đã trở thành biểu tượng cho sự giải phóng của người phụ nữ. Công ty mỹ phẩm Guerlain của Pháp đã giới thiệu mẫu sáp môi dạng que đầu tiên cho các khách hàng là quý tộc. Trước Thế chiến thứ nhất, việc mua son môi được bọc trong các tờ giấy nhuộm hoặc cuộn trong ống giấy đã trở nên rất phổ biến.

  • Những năm 1920

    Các công thức sản xuất son môi phổ biến của Mỹ bao gồm côn trùng nghiền, sáp ong và dầu ô-liu rất dễ trở mùi chỉ sau vài tiếng sử dụng. Trong giai đoạn này, đã có khoảng 50 triệu phụ nữ Mỹ sử dụng son môi. Năm 1923, James Bruce Mason Jr. đã phát minh ra các ống son môi xoay mà chúng ta vẫn còn dùng cho đến tận ngày nay.



    Ảnh bìa tạp chí Vogue năm 1930

  • Những năm 1930

    Helena Rubinstein là công ty mỹ phẩm đầu tiên giới thiệu sản phẩm son môi có tác dụng chống nắng. Tạp chí thời trang Vouge khuyến khích phụ nữ nên sử dụng son môi một cách nghiêm túc, "hãy tô son như là một nghệ sĩ". Trong Thế chiến thứ hai, son môi không còn bị xem là thứ phù phiếm nữa, mà trái lại còn trở thành biểu tượng cho sức mạnh của người phụ nữ.



    Son môi trở thành biểu tượng cho sức mạnh của người phụ nữ

  • Những năm 1940

    Các nhà sản xuất đã bắt đầu bán các thương hiệu son môi cụ thể hướng đến khách hàng mục tiêu. Trong những năm 1940, xuất hiện các thương hiệu như Maybelline, Revlon và Covergirl. Năm 1941, Mỹ đã chi 20 triệu đôla vào các sản phẩm son môi. Trước năm 1946, con số này đã lên đến 30 triệu đôla cho 5 nghìn tấn son. Trong giai đoạn này, 90% phụ nữ Mỹ sử dụng son môi.

  • Những năm 1950

    Các con số thống kê trong giai đoạn này cho thấy, gần 100% nữ sinh Mỹ và 98% phụ nữ Mỹ sử dụng son môi. Các hãng hàng không cũng xem son môi là một phần trong đồng phục của các nữ tiếp viên. Công ty Estée Lauder đã đưa ra mẫu son dùng thử đầu tiên và các tặng phẩm đi kèm như son môi nhỏ, má hồng, phấn mắt và kem dưỡng da mặt khi mua các sản phẩm son môi.



    Son môi trở thành biểu tượng cho sức mạnh của người phụ nữ

  • Những năm 1960

    Vào cuối những năm 1950, xu hướng son môi màu trắng và màu be là rất thịnh hành. Một trong những loại son phổ biến nhất có tác dụng che khuyết điểm môi là Erase. Ngoài ra, dòng sản phẩm son môi Helena Rubinstein làm từ kim loại nặng và xu hướng son môi có hương caramel cũng rất được ưa chuộng.

  • Những năm 1970

    Trong giai đoạn này, son môi trở thành biểu tượng của sự nổi loạn, cả nam và nữ giới đều hưởng ứng dòng nhạc punk rock và các trào lưu văn hóa thể hiện quan điểm về tình dục, bạo lực và những thứ lập dị. Tím và đen là những màu son phổ biến nhất. Vào những năm cuối của thập niên, phong cách disco cũng xuất hiện dựa trên cái nhìn đầy tính khiêu khích, gợi tình của thỏi son môi.

  • Những năm 1980

    Trong giai đoạn này, màu đỏ quyến rũ rất được những người nổi tiếng yêu thích. Tổng doanh thu đối với mặt hàng son môi trên toàn thế giới đã lên đến con số 580 triệu đôla vào năm 1986 và tăng thêm 140 triệu đôla nữa trong cùng năm.

  • Những năm 1990

    Son môi bắt đầu nhắm đến xu hướng tự nhiên bằng cách kết hợp các thành phần và công thức nhẹ nhàng hơn. Nhiều loại son có chứa các loại vitamin và thảo dược. Loại son môi có tác dụng chống nắng trở nên cực kỳ phổ biến và mang lại nhiều lợi nhuận. Các nhà sản xuất có thể tính giá cao hơn 12% - 13% đối với những sản phẩm có tác dụng chống tia cực tím.

  • Mỹ Hằng
    Theo yesterface.wordpress.com

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán