Thời trang

Trang sức Hoàng gia Anh

Trang sức Hoàng gia (Crown Jewels) nằm trong trong bộ sưu tập nghệ thuật Hoàng gia, được đương kim Nữ hoàng Elizabeth II trưng bày tại Tower of London vào năm 2012, thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan mỗi ngày. Các loại trang sức bao gồm vương miện, quyền trượng, quả cầu quyền lực, nhẫn, thanh gươm, vòng đeo tay, áo choàng…tất cả đều là một phần trong lễ phục đăng quang ở Anh (gọi là Regalia).

Trang sức lâu đời nhất trong lễ phục đăng quang là chiếc muỗng Anointing làm bằng vàng, có từ thế kỷ thứ 12. Nó được dùng để xức dầu thánh lên đầu của người lên ngai vàng. Ngoài 3 thanh gươm thép, thì đây là thứ duy nhất còn tồn tại trước cuộc Nội chiến ở Anh giai đoạn 1649-1650. Cuộc nội chiến do Oliver Cromwell lãnh đạo, đánh bại Phe bảo hoàng sau khi Vua Charles I bị xử tử vào năm 1649. Sau đó, các vật thể làm từ vàng được gửi tới Mint để nấu chảy, tách đá quý và đem đi bán. Vì Cromwell cho rằng những gì tượng trưng cho hoàng gia và vương quyền đều phải bị triệt tiêu hoàn toàn.

Vào thời kỳ khôi phục chế độ quân chủ ở Anh năm 1660, Vua Charles II đã cho làm mới lại Regalia. Bộ lễ phục mới này được Vua Charles II mặc trong lễ đăng quang đúng vào Ngày của Thánh George (23/04/1661) .

Trang sức quan trọng nhất của Regalia chính là chiếc vương miện St Edward được đúc bằng vàng ròng và được nạm bằng các loại đá quý và bán quý như đá sapphire, thạch anh tím, hoàng ngọc, tourmaline và citrine. Chiếc vương miện nặng 2,23kg và được trao cho Nữ hoàng Elizabeth II vào ngày bà lên ngôi 02/06/1953.



Vương miện St Edward Ảnh: members.boardhost.com

Nổi tiếng nhất có lẽ là chiếc vương miện Imperial State Crown. Nó được chế tác lại cho lễ đăng quang của cha Nữ hoàng Elizabeth II là Vua George VI vào năm 1937. Chiếc vương miện được đính hơn 3.000 viên đá quý. Những viên đá này được lấy từ chiếc vương miện Imperial Crown cũ, trong đó có viên kim cương nổi tiếng Second Star of Africa nặng 317 carat (đây là viên kim cương lớn thứ hai được cắt ra từ viên kim cương lớn nhất thế giới Cullinan). Ngoài ra còn có viên ruby quý hiếm "Hoàng tử Đen", đá sapphire và ngọc trai.  

Một số loại trang sức quan trọng khác nữa trong lễ phục đăng quang bao gồm Ampulla, là một chiếc bình bằng vàng có hình dáng của một chú đại bàng, bên trong có chứa dầu thánh. Quả cầu quyền lực, đại diện cho quyền cai trị của Chúa Kitô trên toàn thế giới. Quyền trượng thể hiện quyền lực của người đứng đầu Hoàng gia. Ở đầu quyền trượng có đính viên kim cương nổi tiếng First Star of Africa nặng 530 carat. Ngoài ra, những chiếc vòng đeo tay cũng tượng trưng cho trí tuệ và sự chân thành.



Bình Ampulla và muỗng Anointing - Ảnh: royalexhibitions.co.uk

Trong suốt nghi lễ đăng quang, sau khi xức dầu thánh, người lên ngôi sẽ được trao chiếc áo khoác Imperial Mantle được làm từ vải kim tuyến có dệt thêm huy hiệu quốc gia. Sau đó sẽ cẩn thận đặt thanh gươm Jewelled Sword of Offering lên bàn thờ. Cả hai phụ kiện này đều được chế tác dành cho lễ đăng quang của Vua George IV vào năm 1821.

Viên kim cương huyền thoại Koh-i-Nur (Núi ánh sáng) đã được dâng lên Nữ hoàng Victoria vào năm 1850. Sau đó, nó được đính lên vương miện của Nữ hoàng đương nhiệm Elizabeth II. Viên kim cương này đã qua tay của nhiều vị vua chúa của Mughal trước khi thuộc về Hoàng tử Đen Duleep Singh. Có một lời nguyền rằng, bất cứ người đàn ông nào sở hữu viên kim cương này đều sẽ gặp phải điều bất hạnh. Chỉ có Nữ hoàng mới được sử dụng nó.

Trong số các loại trang sức Hoàng gia, còn có chiếc vương miện nhỏ làm bằng kim cương, được chế tác vào năm 1870 dành cho Nữ hoàng Victoria. Ngoài ra, còn có chiếc vương miện Hoàng gia Ấn Độ (Imperial Crown of India) đính 6.000 viên kim cương cùng với nhiều loại đá quý như hồng ngọc và ngọc lục bảo, được làm cho lễ đăng quang của Vua George V vào năm 1911 tại Delhi Durbar.

Mỹ Hằng
Theo royal.gov.uk

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán