Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh thế giới

Toàn cảnh thế giới

Các nhà khoa học xác nhận sự tồn tại của nước ở bề mặt được chiếu sáng của Mặt Trăng

Những quan sát mới đã xác nhận dấu hiệu phân tử nước từng tồn tại trên bề mặt của Mặt Trăng.

Các quan sát trước đây chỉ ra rằng nước có thể tồn tại trên Mặt Trăng. Những quan sát mới bằng kính viễn vọng kết luận nhận định trên là chính xác.



Những quan sát về Mặt Trăng trong quá khứ đã gợi ý rằng có nước trên bề mặt. Những quan sát mới từ kính thiên văn SOFIA hỗ trợ những phát hiện đó - Ảnh: ABRIENDOMUNDO/ISTOCK/GETTY IMAGES PLUS

Các tàu do thám đã tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của băng đá bên trong miệng núi lửa trong các khu vực tối ở hai cực Mặt Trăng, cũng như những dấu hiệu của các phân tử nước ở bề mặt được ánh Mặt Trời chiếu sáng. Tuy nhiên, những phát hiện ở bề mặt chiếu sáng trước đây đều phải dựa vào bước sóng hồng ngoại, trong khi các bước sóng này cũng có thể được tạo ra bởi những hợp chất hydroxyl khác có chứa hydro và oxy.

Theo báo cáo nghiên cứu trực tuyến ngày 26 tháng 10 của tờ Nature Astronomy, Kính quan sát Thiên văn Hồng ngoại ở Tầng Bình lưu SOFIA đã phát hiện ra bước sóng hồng ngoại của riêng nước ở gần cực Nam của Mặt Trăng. “Đây chính là phát hiện rõ ràng đầu tiên về sự tồn tại của phân tử nước ở mặt sáng của Mặt Trăng,” theo đồng tác giả nghiên cứu Casey Honniball, nhà khoa học nghiên cứu Mặt Trăng ở Trung tâm Vũ trụ Goddard thuộc NASA ở Greenbelt, Maryland. “Điều này chứng minh rằng nước không chỉ nằm ở mặt tối của Mặt Trăng mà chúng ta còn có thể tìm thấy nước ở những vùng khác nữa.”

Những quan sát này có thể cung cấp thông tin cho những nhiệm vụ do thám nước trên Mặt Trăng trong tương lai để tìm ra nguồn cung cấp tài nguyên tiềm năng cho những người ghé thăm.

SOFIA được vận hành bởi NASA và Trung tâm Hàng không và Vũ trụ Đức. Chiếc kính thiên văn dài 2.5m này được vận chuyển trên máy bay Boeing 747SP để quan sát bầu trời một cách rõ ràng. Trong một chuyến bay vào tháng 8 năm 2018, chiếc kính viễn vọng SOFIA đã quan sát được bước sóng hồng ngoại 6 micromet ở khu vực gần miệng núi lửa Clavius phía Nam Mặt Trăng. Bước sóng này được tạo ra bởi dao động của các phân tử nước khi được làm nóng bằng ánh sáng Mặt Trời, chứ không phải các hợp chất khác có chứa hydroxyl - bao gồm nguyên tử oxy liên kết với nguyên tử hydro.

Jessica Sunshine, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Maryland xác nhận về sự tồn tại của nước trên Mặt Trăng qua những bước sóng này. Bà Sunshine đã từng tham gia vào những lần quan sát dấu hiệu nước trên Mặt Trăng trước đây, nhưng không tham gia vào lần nghiên cứu mới này.

Dựa vào độ phát sáng của bước sóng hồng ngoại kể trên, nhóm nghiên cứu của Honniball đã ước tính nồng độ nước có khoảng từ 100 đến 400 phần triệu xung quanh khu vực miệng núi lửa Clavius. Như vậy là có khoảng nửa lít nước nằm trong mỗi tấn đất trên Mặt Trăng. Đây cũng là nồng độ mà các nhà nghiên cứu đã suy đoán, dựa trên các nghiên cứu trước đây từ các tàu thăm dò.

Những phân tử nước này không đóng thành băng như ở khu vực tối của Mặt Trăng, nhưng cũng không ở thể lỏng, theo lời Sunshine. “Không có vũng nước nào trên Mặt Trăng cả.” Tuy nhiên, các phân tử nước có thể đang liên kết bên trong những vật chất khác trên bề mặt Mặt Trăng.

 “Cách duy nhất để chúng ta thấy được nước trên Mặt Trăng (phần được chiếu sáng) là khi chúng được bảo vệ khỏi môi trường khắc nghiệt này,” Honniball nói. Những phân tử nước này có thể đang được bọc trong lớp thủy tinh được tạo ra từ tác động của những trận mưa vi thiên thạch; hoặc nằm chèn vào trong các hạt đất, bảo vệ chúng khỏi bức xạ Mặt Trời.

Nước có thể đã hình thành trên chính Mặt Trăng, từ các ion hydro trong các hạt mang điện từ Mặt Trời liên tục được truyền đi phản ứng với oxy trên bề mặt. Còn nếu nước được trữ bên trong các mảnh kính va chạm thì có thể chúng đã được đưa đến Mặt Trăng bằng những vi thiên thạch.

Theo www.sciencenews.org

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán