Trang chủ»Toàn cảnh thế giới

Toàn cảnh thế giới

Cây thuốc Bắc ẩn mình để “trốn” sự thu hoạch của con người

Một loại cây được dùng trong y học cổ truyền Trung Hoa đã tiến hóa và có khả năng ngụy trang bản thân ở những vùng thường xuyên bị khai thác.



Bạn có phát hiện cây đang mọc ở đây không? Cây bối mẫu màu xám (giữa, bên phải) với màu sắc hòa hợp với nền đá cao ở vùng núi phía Tây Nam Trung Quốc. Loại cây này rất được săn lùng để sử dụng trong y học cổ truyền Trung Hoa - Ảnh: Y. Niu

Cây bối mẫu là một loại cây khá dễ bị phát hiện. Những cây này thường có màu xanh lá và mọc đơn lẻ ở những địa hình nhiều sỏi đá trên vùng núi Himalaya và dãy Hoành Đoạn ở Tây Nam Trung Quốc. Màu sắc nổi bật và vị trí mọc của chúng khiến những người thu hoạch cây thuốc Bắc có thể tìm thấy một cách dễ dàng. Suốt hơn 2.000 năm qua, người Trung Quốc đã nghiền củ của cây bối mẫu dại để làm thuốc trị ho. Nhu cầu cho loại củ này rất cao vì phải dùng tận 3.500 củ chỉ để nghiền ra 1 cân bột thuốc có trị giá khoảng 480 USD.

Tuy vậy, vẫn có một số cây bối mẫu có ngoại hình cực kỳ khó để phát hiện vì thân và lá của chúng có màu xám hoặc nâu, khiến chúng lẫn vào cảnh quan địa hình đầy đất đá. Những cây mang đặc điểm này đã sống sót và dần tiến hóa để đối phó với con người. Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu trong tờ Current Biology ngày 20 tháng 11, cây bối mẫu ở những vùng bị thu hoạch quá mức sẽ có khả năng ngụy trang cao hơn nhiều so với những cây ở vùng ít thu hoạch.

Julien Renoult, nhà sinh học tiến hóa của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp ở Montpelier, người không tham gia nghiên cứu cho biết bài báo cáo này “khá thuyết phục.” “Đây là một bước khởi đầu tốt trong việc chứng minh loài người đã thúc đẩy tiến hóa ngụy trang của loại cây này.”

Ngụy trang ở thực vật là việc khá hiếm nhưng không phải chưa từng nghe tới, theo Yang Niu, nhà thực vật học tại Viện Thực vật học Côn Minh, Trung Quốc. Ở những vùng có địa hình rộng mở, ít bị che phủ như trên đỉnh núi, các loại thực vật có thể ngụy trang để ẩn mình khỏi những loài ăn cỏ háu đói. Nhưng sau 5 năm nghiên cứu về khả năng ngụy trang của cây bối mẫu, anh Niu nhận ra rằng ít khi nào có dấu răng xuất hiện trên lá bối mẫu, và anh cũng chưa từng nhìn thấy con vật nào ăn loại cây này. “Dường như chúng không có kẻ thù trong tự nhiên,” anh cho biết.

Dựa vào đó, Niu cùng đồng nghiệp Hang Sun và nhà sinh thái học Martin Stevens của Đại học Exeter ở Anh quyết định tìm hiểu xem có đúng là loài người đã khiến loài cây này ngụy trang hay không. Nếu đúng là vậy, cây bối mẫu mọc ở những khu vực thu hoạch thường xuyên sẽ có khả năng ngụy trang cao hơn.

May mắn thay, ở bảy khu vực được nghiên cứu, các nhà thảo dược học địa phương đã nhận thấy có sự thay đổi về cân nặng của các củ được thu hoạch theo năm trong khoảng từ 2014 đến 2019. Để có thêm dữ liệu ước chừng trong quá khứ, các nhà khoa học đã xem xét đến độ khó trong việc thu hoạch bằng cách ghi lại thời lượng để đào củ bối mẫu ở bảy điểm khác nhau. Ở một số nơi, các củ bối mẫu có thể bị đào lên dễ dàng, nhưng ở một số nơi khác, củ lại nằm sâu dưới nhiều lớp đất đá. Steven nói rằng: “Theo trực giác thì những nơi nào dễ đào hơn sẽ chịu áp lực thu hoạch cao hơn” qua thời gian.

Cả hai loại dữ liệu thu về cho thấy một xu hướng khá nổi bật: Nơi nào càng bị thu hoạch nhiều hoặc có càng nhiều những cây dễ đào, thì màu của cây ở đó lại càng giống với màu cảnh quan. “Mức độ tương quan này rất thuyết phục đối với hai chỉ số mà chúng tôi đã sử dụng,” Steven cho biết.



Hai cây bối mẫu thể hiện sự khác biệt về màu sắc giữa các quần thể khác nhau. Loại cây có màu xanh lá cây đến từ khu vực mà người ta không thu hoạch nhiều, trong khi loại cây màu nâu mọc ở khu vực được thu hoạch nhiều - Ảnh: Y. Niu

Một thí nghiệm trực tuyến cũng cho thấy, mắt người khó nhìn thấy những cây ngụy trang hơn, chứng tỏ cách ẩn mình này có hiệu nghiệm.

Tuy nhiên việc ngụy trang cũng sẽ mang lại nhiều thử thách hơn cho loại cây này. Những sinh vật thụ phấn có thể sẽ khó tìm được những cây đã ngụy trang, và màu xám nâu của chúng có thể làm ảnh hưởng tới quá trình quang hợp. Dù vậy, những cây bối mẫu này đã cho chúng ta thấy thực vật có khả năng thích nghi như thế nào. “Vẻ ngoài của thực vật có thể biến đổi dễ dàng hơn chúng ta từng nghĩ,” Steven nói.

Theo ScienceNews

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán