Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh thế giới

Toàn cảnh thế giới

Chuyên gia chắc chắn 2023 sẽ là “năm nóng nhất từng được ghi nhận”

Sau mùa thu nóng bất thường, giới nghiên cứu chắc chắn 2023 sẽ là năm nóng nhất từng được ghi nhận ngay cả khi chưa hết năm.



Nền nhiệt toàn cầu gia tăng, khiến các thiên tai như cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn, gây ra nhiều hậu quả khốc liệt hơn - Ảnh: Shutterstock

Hôm 06/12, Copernicus Climate Change Service (C3S) - dịch vụ thuộc chương trình vũ trụ của Liên minh Châu Âu (EU) - cho hay mùa thu vùng Bắc Cực năm nay, kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11, là mùa thu nóng nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập vào năm 1940. Nền nhiệt trung bình cao hơn 0,32ºC so với mức cao nhất trước đây.

Mùa hè năm 2023 trước đó cũng là mùa hè nóng nhất lịch sử, một phần vì đợt sóng nhiệt khủng khiếp khiến nhiệt độ cao kỷ lục được ghi nhận trong 3 ngày liên tiếp nhau. Theo C3S, có đến 6 tháng trong năm 2023 phá vỡ kỷ lục nền nhiệt toàn cầu, trong khi mức độ băng phủ ở Nam Cực rơi xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận.

Cho đến cuối tháng 11/2023, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã cao hơn 1,46ºC so với thời kỳ tiền công nghiệp, và cao hơn 0,13ºC so với khoảng tháng 01-11/2016, cũng là năm nóng nhất cho đến hiện tại. Điều đó cũng có nghĩa năm 2023 “sẽ là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử”, theo Samantha Burgess, Phó giám đốc C3S.

Giới nghiên cứu nói mùa thu Bắc Cực nóng hơn thường lệ là do đợt El Niño bắt đầu vào tháng 6 năm nay, khi vùng nước biển ấm quanh xích đạo khiến nhiệt độ không khí toàn cầu tăng cao. Vì El Niño vẫn tiếp diễn sang năm, nền nhiệt 2024 được dự đoán sẽ không kém cạnh gì so với 2023.

Trong khoảng 2020-2022, nhiệt độ toàn cầu ổn định nhờ ba đợt La Niña liên tiếp nhau; đây là hiện tượng đối nghịch với El Niño. Nếu không có La Niña, nhiệt độ mặt biển chắc chắn sẽ leo lên mức kỷ lục.



Biểu đồ chênh lệch nhiệt độ không khí đo tại mặt đất so với đường trung bình nhiệt (0.0) trong các tháng từ 1940-2023 cho thấy nhiệt độ năm 2023 cao hơn dữ liệu ghi nhận trước đây - Ảnh: Copernicus Climate Change Service

Một số chuyên gia cho rằng vụ phun trào núi lửa dưới biển gần Tonga vào tháng 01/2022 đã đưa một lượng lớn hơi nước vào bầu khí quyển, tạo ra hiệu ứng nhà kính khiến nhiệt bị giữ lại không thoát ra ngoài vũ trụ được. Song, giả thuyết này đã sớm bị nhiều nhà nghiên cứu bác bỏ.

Nguyên nhân lớn nhất khiến nền nhiệt cao bất thường là sự ấm lên toàn cầu do lượng phát thải nhà kính vượt mức gây ra, khiến tổng năng lượng tương đương 25 tỷ quả bom nguyên tử bị ứ đọng và tích tụ dần dưới bầu khí quyển suốt 50 năm qua. Không chỉ đẩy nhiệt độ tăng nhanh, năng lượng dư thừa này còn khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan như El Niño ngày càng khó dự đoán, tiềm ẩn nhiều mối hiểm hoạ hơn.



Sự ấm lên toàn cầu do phát thải khí nhà kính là nguyên do lớn nhất dẫn đến nền nhiệt kỷ lục năm 2023 - Ảnh: Shutterstock

Tình hình sẽ còn chuyển biến xấu. Nhóm khoa học tham gia Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu hôm 04/12 vừa qua (COP28) thông báo lượng phát thải carbon toàn cầu tiếp tục đạt mức cao kỷ lục năm nay.

Carlo Buontempo, Giám đốc C3S, có phát biểu: “Nếu nồng độ khí nhà kính tiếp tục tăng, ta khó có thể thấy viễn cảnh nào khác ngoài những gì chứng kiến được trong những năm vừa qua.”

Tác động do ấm lên toàn cầu gây ra ngày một rõ rệt. Nghiên cứu cho thấy trong năm 2023, biến đổi khí hậu làm nhiều thành phố lớn tại Mỹ bắt đầu bị nước biển đe doạ trong khi các hồ chứa lớn nhất thế giới thu hẹp đi. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra Dòng Hải lưu Vịnh Mexico, vốn đóng vai trò hệ trọng đối với tuần hoàn hải lưu toàn cầu, có thể biến mất vào năm 2025 và biển sẽ bắt đầu nuốt chửng vùng duyên hải Mỹ từ năm 2050.

Song, các nhà khoa học cho biết vẫn còn hy vọng chúng ta có thể phòng chống những thảm hoạ tàn khốc hơn. Michael Mann, chuyên gia đầu ngành về biến đổi khí hậu, chủ tịch Trung tâm vì Khoa học, Phát triển Bền vững, và Truyền thông tại Đại học Pennsylvania, gần đây có phát biểu rằng những hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu vẫn có thể được ngăn chặn nếu chúng ta ngừng ngay việc phát thải khí nhà kính: “Chưa phải là quá muộn để bảo tồn những gì ta hiện có, nhưng cơ hội đang khép lại.”

Theo LiveScience

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán