Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh thế giới

Toàn cảnh thế giới

Núi Phú Sĩ lập kỷ lục về số ngày đỉnh trơ tuyết

Đỉnh Phú Sĩ tại Nhật Bản cuối cùng đã đón tuyết, phô diễn hình tượng quen thuộc sau chuỗi ngày trơ tuyết kỷ lục.



Núi Phú Sĩ vẫn chưa thấy có tuyết vào ngày 31/10/2024 - Ảnh: Ohsumi Tomohiro / Getty Images

Năm 2024 đánh dấu năm tuyết rơi trễ nhất trên Núi Phú Sĩ - ngọn núi lửa có thể thấy rõ từ Thủ đô Tokyo. Được biết Di sản Thế giới được UNESCO công nhận này đã ngủ yên 300 năm qua; lần phun trào cuối cùng được ghi nhận là vào ngày 16/12/1707.

Đến ngày 29/10/2024, đỉnh núi cách mặt nước biển 3.776 mét vẫn không có lấy một bông tuyết, phá vỡ kỷ lục 130 năm, theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA). Đợt trơ tuyết kỷ lục kết thúc vào ngày 06/11, khi tuyết bắt đầu quan sát được tại sườn tây nam, theo thông tin từ phân nhánh Shizuoka của JMA.

Song, Văn phòng Khí tượng Địa phương Kofu, đơn vị chuyên thông báo ngày tuyết rơi đầu tiên trên Núi Phú Sĩ từng năm suốt từ 1894, chưa thể xác minh báo cáo trên do mây mù che đỉnh núi.

Thực tế, đỉnh núi Phú Sĩ có tuyết gần như quanh năm, chỉ trừ giai đoạn tháng 7-9, cũng là mùa leo núi. Nền nhiệt cao trong suốt mùa hè 2024 tại Nhật Bản, kéo dài hết tháng 9 qua đến tháng 10, có thể là một trong những nguyên nhân khiến tuyết rơi muộn, JMA cho hay. Cũng theo cơ quan này, tuyết thường bắt đầu xuất hiện trên đỉnh núi vào khoảng ngày 02/10 hằng năm; vào năm 2023 là ngày 05/10.



Hình ảnh núi Phú Sĩ sừng sững bên Hồ Yamanakako được chụp từ Làng Yamanakako, Nhật Bản - Ảnh: Ohsumi Tomohiro / Getty Images

Biến đổi khí hậu cũng có thể là nguyên nhân sâu xa đẩy nền nhiệt lên cao, trì hoãn tuyết rơi, theo phân tích của tổ chức khí hậu Climate Central. Đơn vị nghiên cứu phi lợi nhuận này nói nhiệt độ cao bất thường vào tháng 10 dễ xảy ra hơn do hiện tượng nóng lên toàn cầu đến từ các tác nhân con người.

Climate Central cho hay ít nhất 74 thành phố tại Nhật ghi nhận nhiệt độ 30 độ C hay cao hơn trong tuần đầu tiên của tháng 10. Karen Prestegaard, Giáo sư địa chất Đại học Maryland, giải thích nhiệt độ nước biển cao cũng làm nước ngưng tụ ngoài khơi nhiều hơn, vì vậy ít khả năng còn đủ lượng hơi ẩm tạo tuyết khi vào đến khu vực quanh núi.



Núi Phú Sĩ cuối cùng cũng đón đợt tuyết rơi đầu tiên hôm 06/11 - Ảnh: Kyodo News

Một bài báo đăng trên tạp chí Nature đầu năm 2024 chỉ ra biến đổi khí hậu làm giảm đáng kể lượng tuyết rơi tại rất nhiều khu vực thuộc Bắc Bán cầu trong vòng 40 năm trở lại đây. Giáo sư Prestegaard, do từng nghiên cứu hiện tượng ấm lên toàn cầu ảnh hưởng thế nào đến lượng tuyết rơi, cho biết tuyết ngày càng rút lên cao hơn, không rơi ở những khu vực núi thấp nữa.

Nhiều đỉnh và dãy núi nổi tiếng khác như Núi Kilimanjaro ở Tanzania hay Dãy Andes ở Nam Mỹ cũng dần mất đi lượng lớn tuyết tích tụ, theo Giáo sư Prestegaard.

Theo ABC News

123456789[10]...48  

SIU Review - số 144

Thông tin tuyển dụng