Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh thế giới

Toàn cảnh thế giới

Tin giả châm ngòi nhiều cuộc bạo loạn tại Anh

Tin giả đã châm ngòi nhiều cuộc bạo loạn cực hữu tại Anh. Tuy đã có tin tức chính thống đính chính, tình trạng hỗn loạn vẫn còn tiếp diễn.



Cảnh sát chặn đám đông bạo loạn gần một xe cảnh sát bị đốt cháy ở Southport hôm 30/7/2024 - Ảnh: Getty Images

Sau vụ tấn công bằng dao ngày 29/7 khiến 3 bé gái thiệt mạng, 8 bé khác cùng 2 người lớn bị thương, các vụ bạo loạn cực hữu trỗi dậy khắp nước Anh. Những vụ đầu tiên xảy ra tại Southport, gần hiện trường đâm dao. Đến ngày 31/7, bạo loạn đã lan đến Downing Street ở London.

Ngọn nguồn những đợt bạo loạn không chỉ là tư tưởng cho rằng Vương quốc Anh đã để người Hồi giáo nhập cư “ồ ạt” quá lâu, mà còn là những tin tức không có căn cứ, thậm chí là thuyết âm mưu.

Giờ đây, ngay cả khi đã có tin đính chính, nhiều người vẫn tiếp tục phát tán thuyết âm mưu về quyết định bảo mật danh tính nghi phạm vụ đâm dao, mặc cho thực tế đó là quy định pháp luật. Một số người còn bán tín bán nghi rằng nhiều thông tin vẫn bị ém nhẹm.

Tên thật của nghi phạm

Chỉ vài giờ sau vụ đâm dao, tài khoản @artemisfornow với khoảng 44.000 lượt theo dõi “tiết lộ” tên của nghi phạm là “Ali Al-Shakati”.

Đây thực tế là một cái tên bịa đặt hoàn toàn. Tuy nhiên, do Cảnh sát Merseyside ban đầu từ chối công bố danh tính nghi phạm chưa đủ tuổi - vốn tuân thủ luật hiện hành tại Anh - nhiều người dùng đã nhanh chóng lan tỏa thông tin sai lệch.



Sở cảnh sát Sunderland bị đám đông đốt cháy hôm 02/8/2024 - Ảnh: TeesPix

Đến ngày 01/8, thẩm phán quyết định cho phép báo chí công bố tên thật của nghi phạm. Kẻ đâm dao không phải “Ali Al-Shakati”, mà là Axel Rudakubana.



Tranh vẽ cho thấy Axel Rudakubana (17 tuổi) ngồi giữa ôm mặt tại Toà án Liverpool Crown - Tranh: Elizabeth Cook/PA Wire

Lý do cảnh sát không công bố thông tin

Nghị sĩ Nigel Farage hôm 29/7 đăng video chất vấn liệu “sự thật có đang bị giấu nhẹm” khi bàn đến danh tính của nghi phạm vụ tấn công bằng dao. Từ đó, thuyết âm mưu cho rằng quá khứ của nghi phạm đang bị bưng bít được dịp bùng lên. Song, tất nhiên đây không phải sự thật.

Lý do tên thật, cũng như các thông tin cá nhân của Rudakubana ban đầu không được báo chí công bố nằm ở quy định cấm đưa tin về những nghi phạm vị thành niên. Phía cảnh sát không công bố tên nghi phạm đang bị bắt giữ phục vụ mục đích điều tra bởi Rudakubana lúc đó chưa bị cáo buộc bất cứ tội danh nào.

Khi nghi phạm 17 tuổi nhận cáo buộc, luật pháp Anh lại quy định cấm công bố danh tính trừ khi có quyết định từ thẩm phán. Hôm 01/8, thẩm phán Andrew Menary mới tuyên bố cho tiết lộ tên nghi phạm, dỡ bỏ mọi lệnh cấm đưa tin, theo nội dung một băng ghi được công bố trong ngày.

Tôn giáo của nghi phạm

Trước khi “Ali Al-Shakati” lan truyền trên mạng, một tài khoản X (mạng xã hội trước đây là Twitter) có tên Europe Invasion chuyên đăng các nội dung bài Hồi giáo và kỳ thị người nhập cư có đăng tin nghi phạm “được cho là người nhập cư đạo Hồi”.

Không rõ tài khoản này lấy tin từ nguồn nào nhưng bài đăng trên thu hút khoảng 6 triệu lượt xem tính đến ngày 03/8. Lượt xem càng tăng cao, càng nhiều người biểu tình cực hữu đổ xuống đường phố Southport hăm doạ sẽ tấn công các thánh đường Hồi giáo ở địa phương.

Trên thực tế, Axel Rudakubana được hàng xóm gọi là “cậu bé xướng ca trầm tính” thường hay cùng gia đình dự lễ ở nhà thờ Cơ Đốc.



Ảnh chụp Axel Rudakubana lúc nhỏ - Ảnh do người thân cung cấp

Nguyên quán của nghi phạm

Bài đăng của Europe Invasion còn có một đoạn lan truyền tin giả khác, cho rằng nghi phạm đã dùng thuyền nhỏ vượt Eo biển Manche để đến Anh bất hợp pháp.

Thực tế, Rudakubana được sinh ra tại Cardiff và mang quốc tịch Anh từ bé. Gia đình nghi phạm hiện đã chuyển đến sinh sống một vùng ngoại ô yên tĩnh ở Banks, Lancashire.

Theo Independent

SIU Review - số 144

Thông tin tuyển dụng