Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh thế giới

Toàn cảnh thế giới

Từ của năm 2024 cho thấy sức mạnh, hiểm hoạ, và tính phù phiếm của đời sống ảo

Kể từ khi Hội Phương ngữ Hoa Kỳ (ADS) chọn ra “từ của năm” trong một hội nghị năm 1990 đã có gần chục cuốn từ điển tiếng Anh tiếp tục truyền thống này, mỗi năm lại chọn ra những từ ngữ phản ánh khái quát tình hình của năm đó.

Bắt đầu truyền thống trên từ tận năm 2003, nhà xuất bản Merriam-Webster vào ngày 09/12 vừa qua đã chọn “polarization” (tạm dịch: “phân cực”) làm từ của năm 2024. Những “từ của năm” khác bao gồm “brat”, “manifest”, “demure”, “brain rot”, và “enshittification”.

Cách chọn lựa những từ này cũng rất đa dạng. Chẳng hạn ban biên tập từ điển Oxford năm nay cho phép cư dân mạng bình chọn từ tiêu biểu nhất trong danh sách ứng viên “sáng giá” và “brain rot” đã giành chiến thắng. Ở các nhà xuất bản khác, chính ban biên tập là những người chọn ra từ của năm dựa trên các tiêu chí về độ nổi tiếng như số lượt tra cứu chẳng hạn.

Trong thời đại từ điển giấy ngày càng khó bán, công bố từ của năm là cách các từ điển quảng bá tên tuổi của mình, đồng thời thể hiện tinh thần của người dân trong một khoảng thời gian nhất định.

Bên nổi bên chìm

Năm nay không phải lần đầu tiên gần như toàn bộ từ của năm đều theo cùng chủ đề. Các từ vựng liên quan đến đại dịch như “Covid”, “lockdown” (phong toả), “pandemic” (đại dịch), và “quarantine” (cách ly) chính là các từ của năm 2020.

Song, năm nào cũng vậy, sẽ có một hai từ có khả năng “tiên tri” và ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Như năm 2005, từ điển Anh-Mỹ Oxford chọn “podcast” làm từ của năm, trước khi hình thức làm nội dung trực tuyến này bùng nổ.

Nhưng thường thì hầu hết các từ được chọn không “sống thọ” cho lắm. Như từ của năm 2008 theo từ điển Anh-Mỹ Oxford - “hypermiling” - mang nghĩa “lái xe sao cho tiết kiệm tối đa nhiên liệu” hay từ của năm 2022 theo từ điển Collins - “permacrisis” - tức “trạng thái khủng hoảng kéo dài” hầu như không còn được sử dụng vào năm 2024.

“Chiêu cảm” và “não tàn”

Một trong những ngôi sao sáng năm nay nhiều khả năng sẽ sớm vụt tắt - “brat” (tạm dịch: “chất chơi”). Trước thềm bầu cử Mỹ 2024, từ điển Collins chọn đây là từ của năm, với định nghĩa “chỉ thái độ tự tin, độc lập, và phong thái hưởng lạc”.



“Brat”, tựa đề album được thả xích vào tháng 6 của ca sĩ người Anh Charli XCX, có vẻ là hiện tượng sớm nở tối tàn - Ảnh: Getty Images

Không ngạc nhiên khi “brat” cũng chính là tên album đình đám của ca sĩ người Anh Charli XCX ra mắt tháng 6/2024. Vào tháng 7, cô đăng dòng tweet “kamala IS brat” (tạm dịch: “kamala RẤT chất chơi”) thể hiện sự ủng hộ của cô đối với ứng viên Đảng Dân chủ. Đương nhiên, khi Kamala Harris thua, “brat” cũng dần mất nhiệt.

Nhiều từ của năm 2024 khác cũng nổi lên nhờ mạng xã hội. Cuối tháng 11, từ điển Cambridge chọn “manifest” (tạm dịch: “chiêu cảm”) làm từ của năm, định nghĩa “mường tượng hay khẳng định một điều gì đó để bản thân tưởng như đạt được thứ hằng mong cầu”. Từ này tuy được lan truyền rộng rãi nhờ buổi phỏng vấn với ca sĩ Dua Lipa, có vẻ cô đã “học” nó từ các video TikTok của cộng đồng self-help.

Tương tự là trường hợp của “demure” (tạm dịch: “nhu mì”), được Dictionary.com chọn làm từ của năm cũng vào cuối tháng 11. Tuy xuất hiện từ thế kỷ 15, từ này chỉ nổi lên vào đầu tháng 8 năm nay khi TikToker Jools Lebron miêu tả cách trang điểm của cô khi đi làm là “very demure, very mindful” (tạm dịch: “vô cùng nhu mì, vô cùng ý nhị”).

Từ điển Anh-Úc Macquarie chọn “enshittification” (tạm dịch: “rác hoá”) làm từ của năm vào đầu tháng 12. Đây là thuật ngữ được ngòi bút Canada gốc Anh Cory Doctorow dùng lần đầu vào năm 2022 nhằm diễn tả “tình trạng nền tảng hay dịch vụ trực tuyến ngày càng giảm chất lượng hoặc tính năng hữu ích” - điều mà nhiều người dùng Google, TikTok, X, cùng hàng loạt ứng dụng hẹn hò có thể cảm nhận.

Lựa chọn của từ điển Oxford - “brain rot” (tạm dịch: “não tàn”) - lại nói về hệ quả việc lạm dụng mạng xã hội. Theo đó, “brain rot” thể hiện “sự xuống dốc của trí lực hay tinh thần, được xem là hậu quả khi tiếp thu quá nhiều nội dung (đặc biệt là nội dung mạng) vặt vãnh, kém chất lượng”.

“Choảng nhau” trên mạng

Từ của năm 2024 theo Merriam-Webster - “polarization” - được từ điển này định nghĩa là “phân chia thành hai cực đối lập rõ rệt; đặc biệt dùng để chỉ tình trạng dư luận, niềm tin, hay mối quan tâm của một nhóm hoặc một xã hội nào đó không còn trải dài trên một phổ mà tập trung về hai cực đối chọi nhau hoàn toàn”. Tại Mỹ, sự phân cực chính trị hình thành do nhiều nguyên do, từ não trạng phân chia khu vực nhằm thao túng bầu cử cho đến các thiên kiến nội nhóm.



Trong thời đại hàng chục nền tảng tranh đua sự chú ý của người dùng, thật dễ đánh mất hàng giờ đồng hồ ngồi lướt xem những nội dung không đâu - Ảnh: kentoh / Getty Images

Nhưng đóng vai trò quan trọng chắc hẳn là mạng xã hội. Báo cáo của Viện Brookings năm 2021 nêu bật “mối quan hệ giữa các nền tảng công nghệ và sự phân cực cực đoan có thể làm xói mòn các giá trị dân chủ và dẫn đến xung đột đảng phái”. Nhà báo Max Fisher cũng lên tiếng cảnh báo các thuật toán trên mạng xã hội “châm ngòi phẫn nộ nơi người dùng” như thế nào - một hiện tượng đã được nhiều nghiên cứu thực nghiệm chứng minh.

Dẫu cho đời sống xã hội - chính trị có phân cực đến đâu, ta hẳn phải đồng ý rằng: các ông trùm công nghệ ngày càng định hình mạnh mẽ cuộc sống và ngôn ngữ chúng ta. Đó cũng là lời đúc kết của Merriam-Webster.

Theo Conversation U.S.

123456789[10]...48  

SIU Review - số 144

Thông tin tuyển dụng