Trang chủ»Toàn cảnh thế giới»Toàn cảnh thế giới

Toàn cảnh thế giới

Vụ rơi xe tại Ấn Độ dấy lên lo ngại về Google Maps

Liệu ứng dụng chỉ đường có bị truy cứu trách nhiệm nếu nó khiến người dùng gặp nạn? Đó là câu hỏi đang sục sôi tại Ấn Độ sau khi một chiếc xe chở ba người đàn ông rơi khỏi cây cầu chưa xây xong, đâm sầm xuống lòng sông cạn tại Bang Uttar Pradesh phía bắc nước này.



Hiện trường vụ rơi xe - Ảnh: Anoop Mishra

Vụ việc xảy ra hôm 24/11 vẫn đang được phía cảnh sát điều tra. Song, kết luận ban đầu cho thấy chính Google Maps đã chỉ đường cho ba người trên lái lên cầu. Được biết một phần cây cầu đã bị sập đầu năm 2024 vì lũ cuốn và người dân địa phương đều tránh cây cầu này. Tuy nhiên, ba nạn nhân từ vùng khác đến nên không hề hay biết mà phần cầu đang xây cũng không có rào chắn hay bất kỳ biển cảnh báo nào.

Giới chức trách cho hay cảnh sát đã nêu tên bốn kỹ sư cầu đường và một nhân viên Google Maps liên quan đến vụ tai nạn khiến ba người thiệt mạng. Phát ngôn viên Google nói phía tập đoàn đang tích cực hợp tác điều tra.



Google Maps được sử dụng rộng rãi ở Ấn Độ - Ảnh: Getty Images

Tai nạn thương tâm một lần nữa gióng hồi chuông cảnh tỉnh về hạ tầng đường sá đầy bất trắc tại Ấn Độ, đồng thời dấy lên tranh cãi liệu các ứng dụng chỉ đường như Google Maps có phải chịu trách nhiệm cho những vụ việc tương tự hay không. Một số người chỉ trích ứng dụng đã không chỉ đường chính xác trong khi số khác lại cho rằng toàn bộ lỗi lầm thuộc về chính quyền đã không phong toả khu vực.



Phần cầu đứt đoạn nơi xe rơi - Ảnh: Anoop Mishra

Google Maps hiện là ứng dụng định vị được sử dụng nhiều nhất tại Ấn Độ, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong một loạt các dịch vụ từ bán hàng trực tuyến cho đến xe ôm/taxi điện tử và đặt đồ ăn qua mạng. Báo cáo cho thấy ứng dụng thu hút 60 triệu người dùng và ghi nhận 50 triệu lượt tra cứu mỗi ngày.

Tuy vậy, Google Maps cũng thường xuyên hứng chịu đánh giá tiêu cực vì chỉ đường sai, đôi khi dẫn tới những tai nạn chết người. Năm 2021, một nam giới lái xe lao xuống con đập tại Bang Maharashtra và chết đuối, nghi ngờ là do đi theo Google Maps. Năm 2023, hai bác sĩ trẻ tại Kerala tử nạn sau khi lái xe hơi xuống sông. Cảnh sát phát hiện cả hai đều nghe theo ứng dụng dẫn đường nên sau đó đã cảnh báo người dân không nên quá tin vào đường đi gợi ý trên ứng dụng, nhất là khi có lũ.

Nhưng làm thế nào Google Maps biết được hệ thống đường sá thay đổi ra sao? Tín hiệu từ hệ thống định vị toàn cầu (GPS) phát ra khi ứng dụng được mở sẽ theo dõi tình hình giao thông trên đường mà người dùng đang đi. Tín hiệu càng nhiều đồng nghĩa nhiều người càng đi đường đó hay đang có tình trạng kẹt xe và càng ít chứng tỏ đường đó vắng. Tình hình ùn tắc hay đường cấm cũng được giới chức trách và người dùng cập nhật liên tục.

Google ưu tiên các thông báo về lưu lượng xe đông và quy định từ chính quyền vì không đủ nhân lực để xử lý hàng triệu lời phàn nàn mỗi ngày, theo Ashish Nair, nhà sáng lập ứng dụng vẽ bản đồ Potter Maps từng công tác bên Google Maps. Người này giải thích: “Bên điều hành bản đồ sau đó sử dụng ảnh vệ tinh kết hợp với Google Street View và thông báo từ chính quyền để xác thực biến động mà cập nhật ngay.”

Nair cho rằng các ứng dụng định vị không thể chịu trách nhiệm cho những tai nạn giao thông vì điều khoản sử dụng có ghi rõ người dùng phải tự ra quyết định cuối cùng và thông tin từ ứng dụng có thể không khớp với tình hình thực tế. Không những vậy, các nền tảng cung cấp dịch vụ bản đồ toàn cầu như Google rất khó có thể cập nhật liên tục tất cả các biến động diễn ra tại hàng trăm ngàn địa điểm quanh thế giới.

Ấn Độ không có hệ thống thông tin giao thông vững mạnh có thể báo động ngay những vấn đề cấp bách kịp lúc. Ông Nair nhận định: “Vấn đề lớn tại Ấn Độ vẫn là thiếu dữ liệu. Chẳng có hệ thống nào cập nhật các thay đổi hạ tầng cầu đường lên giao diện web để từ đó Google Maps có thể sử dụng được cả. Còn những nước như Singapore lại có hệ thống như vậy.”

Nair còn lập luận dân số khổng lồ và nhịp phát triển dồn dập khiến Ấn Độ khó có thể cập nhật dữ liệu một cách chính xác theo thời gian thực: “Nói cách khác, chừng nào chính phủ chưa chịu tích cực trong công tác thu thập và chia sẻ dữ liệu, các bản đồ tai hại vẫn còn tồn tại chừng đó.”

Giới luật sư cũng tranh cãi nảy lửa liệu các ứng dụng định vị có đáng bị quy trách nhiệm hay không. Saima Khan cho rằng vì Đạo luật Công nghệ Thông tin tại Ấn đưa các nền tảng số như Google vào nhóm “trung gian” (nền tảng chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin thu được từ bên thứ ba), ông lớn này không phải lo lắng về vấn đề liên đới các tội trạng.

Nhưng bà cũng chỉ ra nếu có thể chứng minh Google không điều chỉnh kịp thời thông tin sai lệch mặc dù đã nhận được dữ liệu chính xác hơn, công ty có thể phải chịu tội sơ suất gây ra tai nạn.

Theo BBC

123456789[10]...48  

SIU Review - số 144

Thông tin tuyển dụng