Trang chủ»Giáo dục

Giáo dục

Kiến thức truyền thông là gì?

Trong thời đại “tin giả” tràn lan như hiện nay, thẩm định truyền thông ngày càng trở thành một kỹ năng cần thiết.



Theo tổ chức phi lợi nhuận Media Literacy Now - một tổ chức khuyến nghị phổ cập kiến thức truyền thông tại Mỹ, giáo dục kiến thức truyền thông giúp trẻ tư duy phản biện về các thông điệp truyền thông và có thể tạo ra các tác phẩm truyền thông “có ý nghĩa và có đạo đức” - Ảnh: Getty Images

Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng giúp chúng ta tiếp cận thông tin dễ dàng hơn bao giờ hết, nhưng bên cạnh một mẩu tin chính thống nào đó lại là hàng tá thông tin sai lệch. Đặc biệt trước tình hình phân hoá chính trị ngày càng sâu sắc, người dân không còn tin vào truyền thông đại chúng và các thiết chế, cũng như có xu hướng bỏ ngoài tai những thông tin đi ngược lại thiên kiến của họ, thì kiến thức truyền thông - đặc biệt là kỹ năng chất vấn thông tin - dần trở thành một môn học tuy phức tạp, nhưng vô cùng cốt yếu.

Howard Schneider, tổng điều hành Trung tâm Kiến thức Tin tức thuộc Đại học Stony Brook, cho biết: “Chúng ta đang sống ở thời kỳ cách mạng thông tin lớn nhất trong 500 năm trở lại đây. Con cái chúng ta giờ sinh sống trong một môi trường khác, hoàn toàn bị động trước những thay đổi.”

Một nghiên cứu được Đại học Stanford tiến hành năm 2016 cho thấy trẻ trung học phổ thông (THPT) khó phân biệt được tin chính thống với các nội dung khác, cũng như không nhận ra được thiên kiến ẩn sau các thông điệp truyền thông. Một nghiên cứu mới đây của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho thấy các bài tin giả trên Twitter có khả năng được chia sẻ nhiều hơn 70% so với các tin chính thống.

Schneider nhận xét: “Chúng ta cần phải “tiêm” kiến thức truyền thông cho các em học sinh từ bậc trung học cơ sở (THCS) để các em có “sức đề kháng” trước các đợt tin giả tràn lan; nếu không hậu quả cho các em nói riêng và cho xã hội nói chung sẽ khôn lường.” Ông cũng khuyến cáo củng cố kiến thức truyền thông ở các bậc học cao hơn.

Tuy nhiên, trước thực tế là ít trường nào có môn học này, phụ huynh làm thế nào để biết con mình được dạy dỗ đàng hoàng về kiến thức truyền thông hay không?

Tìm hiểu người dạy kiến thức truyền thông

Theo Media Literacy Now (MLN), một tổ chức khuyến nghị phổ cập kiến thức truyền thông tại Mỹ, giáo dục kiến thức truyền thông giúp trẻ tư duy phản biện về các thông điệp truyền thông và có thể tạo ra các tác phẩm truyền thông “có ý nghĩa và có đạo đức”.

Erin McNeill, nhà sáng lập và chủ tịch MLN, cho biết các trường cấp III tại Mỹ thường lồng kiến thức truyền thông vào môn khoa học xã hội hay ngữ văn Anh. Hiện bà và nhiều người khác đang vận động đưa khối lượng kiến thức này vào bậc học thấp hơn bởi ngay từ thời THCS, các em đã có điện thoại, đã không chỉ sáng tạo nội dung của riêng mình mà còn tiếp nhận và chia sẻ thông tin từ nhiều nguồn.

Theo một nghiên cứu năm 2021, cứ 3 trường THCS tại Bang Rhode Island thì chỉ có 1 trường dạy về kiến thức truyền thông, mặc dù năm 2017 bang đã ra luật yêu cầu toàn bộ các trường học “xem xét tích hợp kiến thức truyền thông vào chương trình”. Cũng theo nghiên cứu, chỉ 20% các trường tiểu học tại bang có dạy cho các em về ảnh hưởng của quảng cáo.

Gần đây, Illinois trở thành bang đầu tiên tại Mỹ bắt buộc phải dạy kiến thức truyền thông ở bậc THPT. Tuy nhiên, McNeill cho biết ta vẫn khó có thể thống kê được số trường có dạy kiến thức truyền thông bởi nó không thường đứng riêng thành một môn mà chỉ tích hợp vào môn khác.

Hiện Đại học Stony Brook đã phát triển chương trình kiến thức truyền thông cấp III chuẩn bị thí điểm tại 6 học khu trong khu vực bắt buộc phải dạy môn này. Schneider nhận xét: “Đây là bước tiến lớn, nhưng thay đổi vẫn diễn ra quá chậm.”

Tìm hiểu nội dung giảng dạy

Erin McNeill khuyên các bậc phụ huynh tìm hiểu, đặt câu hỏi xem giáo viên và nhà trường có quan điểm như thế nào về kiến thức truyền thông và dự định sẽ dạy cho con mình những gì.

Howard Schneider có dẫn ra một cách dạy kiến thức truyền thông rất thú vị dành cho các em lớp 2. Cô giáo kể cho các em nghe câu chuyện con sói và ba chú heo con rồi hỏi các em có chi tiết nào bị thiếu không. Sau đó, cô cho các em đọc truyện tranh màu “Sự thật về chuyện ba chú heo con”, vốn kể lại câu chuyện đó nhưng từ góc nhìn của con sói. Vậy là các em hiểu được người kể chuyện có vai trò quan trọng như thế nào đến câu chuyện được kể.

Schneider cũng khuyến khích phụ huynh tìm hiểu quy chuẩn đánh giá dành cho những buổi học thế này và làm thế nào để có thể biết được các tiết học có hiệu quả.

McNeill khuyên các bậc phụ huynh cũng đừng nên nản chí nếu thông tin mình nhận được không thật thoả mãn, bởi đó chính là cơ hội giúp họ góp phần cải tiến bộ môn.

Hiểu thế nào là một chương trình kiến thức truyền thông hiệu quả

Theo Schneider, một chương trình kiến thức truyền thông hiệu quả cần bắt đầu từ bậc THCS và được củng cố qua những lớp lớn hơn. Tại xuất phát điểm, các em phải học cách chất vấn thông tin tìm được thay vì bị động tiếp thụ thông tin. Đến cuối cấp, học sinh cần nắm được cách kiểm tra chéo nhiều nguồn để xác nhận thông tin.

Lên bậc THPT, học sinh sẽ học về khái niệm công bằng, cân đối, và thiên kiến trong truyền thông và biết cách kiểm chứng giả thuyết thông qua thảo luận với bạn cùng lớp. Các em phải thể hiện được các kỹ năng này qua một bài kiểm tra, dưới dạng dự án cuối khóa chẳng hạn.

McNeill khuyến nghị học sinh cũng cần được rèn giũa “kỹ năng công dân số” để không chỉ hiểu tác động đến từ nội dung mình tạo ra mà còn cư xử “trách nhiệm, an toàn, và hòa nhã” trên không gian mạng.

Rachel Kelsh là giáo viên khoa học xã hội tại trường Hampton Bays, khu vực Long Island, New York. Thể theo môn kiến thức truyền thông được Đại học Stony Brook thí điểm, cô cùng học sinh mỗi tuần lại mổ xẻ tin tức thông qua tham khảo nhiều nguồn tin khác nhau. Không chỉ giải thích cho các em vì sao một số thông tin lại đáng tin còn số khác thì không, cô Kelsh còn giới thiệu về khái niệm buồng vang thông tin và việc người ta thường chỉ nghe theo những nguồn tin có cùng xu hướng chính trị với mình. Cô cũng giải thích về cách thuật toán vận động - như tại sao khi nhấn thích một video trên TikTok thì các em lại “tình cờ” thấy nhiều video có nội dung tương tự.

Học khu nơi cô dạy hy vọng có thể tích hợp kiến thức truyền thông vào chương trình từ lớp 5 trở lên. Cô Kelsh tin đây sẽ là những kiến thức bổ ích cho các em mỗi khi tiếp nhận bất cứ thông tin nào trên mạng. Cô cũng mong các em thể hiện được những gì mình học với phụ huynh và bố mẹ có thể cùng con kiểm duyệt tin tức.

Nâng cao khả năng thẩm định truyền thông của con trẻ

Theo Schneider, bố mẹ có thể bắt đầu bàn về kiến thức truyền thông với con bằng một câu hỏi đơn giản: “Ai đưa tin?” Ví dụ như con họ sẽ nói là TikTok hay YouTube đăng tin, thì họ sẽ giải thích với con rằng thông tin thực chất đến từ người đăng video chứ không phải từ trang web/ứng dụng có xuất hiện video đó.

Bố mẹ có thể cùng con chơi mà học, như cho các con xem một video đang nổi nào đó rồi cùng con xác định video đó là giả hay thật. Bố mẹ cũng có thể chỉ cho con trẻ cách xác thực thông tin bằng việc tham khảo nhiều nguồn tin khác nhau. Nhiều sinh viên theo học Schneider cho ông biết họ cũng “dạy” lại bố mẹ họ cách kiểm chứng thông tin như vậy, tức các hoạt động này có thể thực hiện hai chiều.

Thẩm định truyền thông là một kỹ năng cần thiết trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay. Hay như Schneider có nói: “Ta vẫn cần kỹ năng này ngay cả khi kỳ bầu cử hay đại dịch Covid-19 kết thúc.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán