Trang chủ»Giáo dục

Giáo dục

Nội quy trường học tại Nhật bị chỉ trích

Tuy mỗi ngôi trường đều có nội quy cho riêng mình, nhiều quy định cứng nhắc tại các trường học Nhật Bản, từ bắt buộc nhuộm tóc đen cho đến dùng dây giày trắng, đang vấp phải nhiều chỉ trích và cả những đơn kiện.



Bức ảnh chụp nữ sinh tan học ra về hôm 04/11/2021 tại thủ đô Tokyo. Hiện nội quy tại nhiều trường học Nhật Bản đang hứng chịu các chỉ trích nặng nề - Ảnh: AFP-JIJI

Kusumoto Toshiyuki, một ông bố hai con tại tỉnh Oita, hiện đang tiến hành kiện tụng nhằm bảo vệ con trai út khỏi những nội quy anh cho là “quá đáng” như giới hạn độ dài tóc, cấm cột tóc đuôi ngựa hay tết tóc, cấm mang vớ ngắn, và bắt buộc dây giày phải là màu trắng.

Kusumoto bức xúc: “Những nội quy này đi ngược lại quyền tự do cá nhân và nhân quyền được quy định ngay tại Hiến pháp.” Cuối tháng 3/2022, anh sẽ tham gia phiên toà phán xử cùng nhà trường và đại diện thành phố nhằm xem xét lại nội quy.

Tình hình tại Tokyo khác hẳn khi những nội quy nghiêm ngặt về màu tóc dự kiến sẽ bị bãi bỏ tại mọi trường công lập trong khu vực thủ đô bắt đầu từ tháng 4/2022.

Tuy nhiên, tại những khu vực khác, quy định này vẫn hết sức phổ biến. Kusumoto nhớ lại thời đi học, chính anh cũng khổ sở với quy định trên và giờ anh mong muốn đơn kiện của mình có thể thay đổi cục diện cho thế hệ sau: “Hãy còn rất nhiều học sinh tại khắp nơi trên Nhật Bản phải chịu các nội quy hết sức vô lý.”

Nội quy “phá hỏng cuộc đời học sinh”

Otsu Takashi, phó giáo sư ngành giáo dục tại Đại học Nữ sinh Mukogawa, cho biết những quy định như vậy bắt đầu hiện diện từ những năm 1970, và áp dụng cho những trẻ từ 12 tuổi trở lên, tức trong độ tuổi trung học.

Takashi giải thích: “Vào lúc ấy, các vụ học sinh bạo lực với giáo viên trở thành não trạng chung, mọi ngôi trường đều muốn kiểm soát tình hình bằng nội quy nghiêm khắc. Một số quy định trong đó là cần thiết, song vẫn rất cần được công bố minh bạch, hay tốt hơn, có tham khảo ý kiến học sinh. Điều này tạo điều kiện cho các em học được cách ra quyết định theo hướng dân chủ.”

Lý do được bên ủng hộ nội quy khắt khe đưa ra là nhằm đảm bảo trật tự và tình đoàn kết trong trường lớp. Nhưng bên chỉ trích cũng có những luận điểm riêng. Vào năm 2017, một nữ sinh 18 tuổi bị liên tục bắt phải nhuộm màu tóc nâu tự nhiên của mình thành màu đen. Vậy là cô đệ đơn kiện lên chính quyền tỉnh Osaka đòi số tiền buồi thường 2,2 triệu yên (19.130 USD) cho tổn thương tâm lý. Vụ kiện được dư luận quan tâm đến mức chính phủ phải ra chỉ thị yêu cầu nội quy cần phải “sâu sát với thực tế đời sống của học sinh hơn”.

Tuy nhiên, quyết định cuối cùng của cả toà án quận ở Osaka và ở toà kháng cáo đều giống nhau - nhà trường có thể yêu cầu học sinh nhuộm tóc vì “nhiều mục đích giáo dục khác nhau”.

Luật sư của nữ sinh sau đó cho biết cô bé thường xuyên bị làm phiền dù đã nhuộm tóc theo đúng yêu cầu. Luật sư giấu tên nhận xét: “Nội quy trên đã phá hỏng cuộc đời học sinh.” Hiện nay, tuy đã 22 tuổi, nữ sinh kia vẫn nhất quyết không từ bỏ vụ kiện và vào tháng 11/2021, cô đã đệ đơn lên toà án tối cao.

“Nhào nặn tư tưởng hộ trẻ”

Tổ chức các bạn thanh niên vì tiếng nói của học sinh Voice Up Japan (VUJ) vừa qua cũng kiến nghị lên Bộ Giáo dục Nhật Bản yêu cầu Bộ khuyến khích trường học đối thoại với học sinh về vấn đề thay đổi nội quy.

Sawada Hatsune, nữ sinh 16 tuổi, thành viên thuộc nhánh trung học của VUJ, phát biểu: “Chúng em phát động phong trào này vì nhiều thành viên cảm thấy nội quy trường học hiện tại không ổn.” Dẫn chứng các bạn trẻ đưa ra là một giáo viên đã lăng mạ một nữ sinh để mái trước rủ xuống che cả lông mày - vốn vi phạm nội quy nhà trường.

Trở lại tỉnh Oita, nội quy tại các ngôi trường ở đây vẫn còn nghiêm ngặt chuyện đồng phục: nam sinh mặc quần khaki và nữ sinh mặc váy. Lý do được phòng ban giáo dục địa phương đưa ra là “không chỉ nhằm tăng tình đoàn kết giữa các em mà còn giúp các bậc phụ huynh nhẹ gánh nặng đồng phục cho con”.

Kusumoto không đồng ý với luận điểm trên, cho rằng: “Tình đoàn kết không phải ép buộc mà có được, nó chỉ nên hình thành một cách tự nhiên giữa các em học sinh. Áp đặt những quy định này chẳng khác nào nhào nặn tư tưởng hộ trẻ, không cho phép trẻ tư duy.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 131

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán